Mong sao chỉ là… tai nạn hi hữu!
Thông tin về một thí sinh tăng điểm thi rất mạnh sau khi phúc khảo bài thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng ít ngày gần đây.
Cụ thể đó là trường hợp của em Nguyễn Thị Phương Thảo – lớp 12A2, Trường THPT Cù Huy Cận (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi phúc khảo, tổng điểm thi của thí sinh này bật tăng thêm 22,5 điểm. Trong đó, điểm môn ngữ văn từ 8,25 tăng lên 8,5; điểm môn lịch sử từ 1,75 tăng lên 9,5; điểm môn địa lý từ 2,25 tăng lên 9,25 và môn giáo dục công dân từ 2 điểm tăng thành 10 điểm.
Có thể thấy, điểm phúc khảo và điểm chấm ban đầu môn ngữ văn của em học sinh này có tăng nhưng không đáng kể, song điểm các môn lịch sử, địa lý và giáo dục công dân lại gần như tăng từ “đáy” lên “đỉnh”.
Với chênh lệch tổng điểm lớn như vậy, đương nhiên là “số phận” của thí sinh cũng thay đổi một cách ngoạn mục: Từ thi “trượt” thì nay lại trở thành thí sinh “đậu” với điểm số cao, mà biết đâu lại còn ảnh hưởng đến cả tương lai nghề nghiệp về sau!
Theo một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, việc thí sinh có điểm thi tăng cao như vậy sau phúc khảo là do các em tô sai mã đề.
Vấn đề là vì sao lại có sự chênh lệch lớn ở 3 môn như vậy còn môn văn thì không?
Tờ Thanh niên ngày 15/9 dẫn lý giải của một giáo viên THPT cho hay, bài thi tổ hợp Khoa học xã hội có 4 môn, trong đó môn ngữ văn viết tay thi riêng, 3 môn thành phần còn lại làm trên một phiếu trả lời trắc nghiệm, chung mã đề, thi gộp trong 1 buổi.
Khi thi xong môn lịch sử, thí sinh chỉ được giữ lại phiếu trả lời trắc nghiệm để làm các môn sau, giám thị sẽ thu đề thi, giấy nháp… Sau đó các em tiếp tục nhận đề làm bài thi địa lý, cuối cùng là giáo dục công dân.
Vị giáo viên này cho rằng, “với việc trả lời chung trên một phiếu trắc nghiệm gồm 150 câu cho 3 môn, nếu thí sinh nào tô sai mã đề, điểm 3 môn thành phần đều ảnh hưởng”.
Với trường hợp của em thí sinh này (vốn nhiều năm là học sinh giỏi), dĩ nhiên sẽ phần nào ý thức được năng lực bản thân và đề nghị phúc khảo. Cho nên, dễ hiểu khi người ta đặt câu hỏi, còn bao nhiêu thí sinh cũng bị hụt điểm nhưng vì lý do nào đó mà không phúc khảo?
Đương nhiên, tô sai mã đề, lỗi trước tiên là của thí sinh. “Sai một li, đi một dặm” chính là thế! Song, như giải thích của vị giáo viên nói trên thì việc các em phải trả giá tới 3 môn cho 1 sai lầm là… rất đắt! Và khi xảy ra sai sót như trường hợp của em Phương Thảo thì chẳng những thí sinh mất tinh thần mà ngành giáo dục cũng “mang tiếng”.
Còn nhớ, hồi năm ngoái, tại Tây Ninh từng có trường hợp có 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh bị điểm 0 sau đó đã được tăng điểm nhờ chấm phúc khảo. Bài tăng điểm nhiều nhất là 0 lên 8,75 điểm. Nguyên nhân cũng là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án.
Lúc đó, ông Sái Công Hồng Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, việc 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh bị điểm 0 là hiện tượng cá biệt, chỉ xảy ra ở Hội đồng thi Sở GĐ&ĐT tỉnh Tây Ninh.
Năm nay, tình trạng này lại lặp lại!
Dù là “biết rồi khổ lắm…” thì các nhà trường cũng cần xem lại khâu “tập dượt” cho các thí sinh trước mỗi kỳ thi, các giám thị cần có trách nhiệm hơn trong hướng dẫn, kiểm tra việc hoàn tất thủ tục của thí sinh.
Với thí sinh mà nói, việc tô mã đề chỉ là một động tác rất đơn giản, nhưng hệ luỵ lại rất lớn. Mà cuộc sống về sau đâu phải điều gì cũng có thể “phúc khảo” như thi cử?
Đó là chưa nói, không nên để những lỗi như tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án… trở thành “lỗ hổng” để bị lợi dụng – sẽ rất nguy hiểm.
Do vậy, người viết vẫn hi vọng, những trường hợp này sẽ vẫn chỉ dừng lại là những “tai nạn” hi hữu mà thôi!
Bích Diệp/DT