Mong rằng Omicron không phải “kẻ huỷ diệt”
Biến thể này được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, nhưng sau đó đã lan đến Mỹ và một số nước ở châu Âu và châu Á, như Hà Lan, Đan Mạch, Hồng Kong, Úc…
Do số lượng đột biến của Omicron là cao nhất được phát hiện từ trước đến nay nên những thông tin truyền miệng ban đầu đã làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu về khả năng trốn tránh hệ miễn dịch của Omicron “có lẽ còn đáng gờm hơn biến thể Delta”. Điều này khiến cho lo chồng lo, viễn cảnh trở lại cuộc sống bình thường vừa bắt đầu khả thi có vẻ lại trôi xa.
Thậm chí, một số quốc gia đã ra thông báo hạn chế đi lại bắt đầu vào thứ Sáu 26/11/2021. Các nước đã tuyên bố siết chặt biên giới là Israel, Nhật. Singapore cũng thông báo sẽ hoãn chậm lại tiến trình mở cửa.
Ngay lập tức, các nhà sản xuất vaccine và thuốc nhanh chóng bắt tay vào cuộc đua đánh giá hiệu quả sản phẩm của họ trên biến thể Omicron mới này.
Một vòng lặp mới của nỗi sợ hãi biến thể SARS-CoV-2 có vẻ vừa mới chớm. Thế nhưng, xin đừng quá lo sợ vì những thông tin cập nhật cuối tuần qua lại mang đến những tín hiệu khả quan.
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu thực hư về Omicron – tân binh của dàn biến thể virus SARS-CoV-2 để xem liệu Omicron có đáng sợ hơn Delta?
Cần xem lại thông tin Omicron lây nhanh hơn Delta?
Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ Sáu 26/11/2021 đã phân loại biến thể Omicron (B.1.1.529) là một “biến thể đáng lo ngại” của SARS-CoV-2. Quyết định này dựa trên báo cáo về 50 đột biến được tìm thấy trên biến thể Omicron, trong đó có 30 đột biến trên protein gai của virus bao gồm 26 đột biến đặc trưng của Omicron. (Để so sánh, biến thể alpha có bốn đột biến đặc trưng, Beta có sáu, Gamma có tám và Delta có bảy).
Protein gai là một thành phần trên bề mặt của virus đóng vai trò quan trọng trong quá trình thâm nhập vào tế bào vật chủ, đồng thời cũng là đối tượng tấn công chính của hệ miễn dịch. Đột biến trên protein gai có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ của hệ miễn dịch và vaccine.
Sự tích tụ số lượng lớn đột biến trên Omicron được cho là do bệnh nhân đầu tiên không có hệ miễn dịch chống virus hiệu quả (ví dụ người chưa tiêm chủng hoặc có hệ miễn dịch suy yếu), khiến virus ở lại lâu trong cơ thể bệnh nhân và tích tụ các đột biến.
Omicron ban đầu bị nghi ngờ là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm mới gần đây ở Nam Phi. Trang tin DW Akademie dẫn lời Tiến sĩ Ulrich Elling, một nhà sinh học phân tử tại Viện Công nghệ Sinh học Phân tử ở Áo: những ước tính đầu tiên cho thấy biến thể mới “có thể lây nhiễm nhiều hơn 500% so với Delta.” (tức là gây nhiễm gấp 5 lần Delta).
Thế nhưng Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh rằng hiện vẫn chưa rõ liệu các ca bệnh tăng nhanh ở Nam Phi là do biến thể Omicron có khả năng lây lan cao hay do các yếu tố khác như sinh hoạt đông người và gần gũi, gia tăng các hoạt động họp mặt, thả lỏng các biện pháp cách ly…
Bên cạnh đó, vào 29/11/năm 2021, Tiến sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi – nơi Omicron xuất hiện đầu tiên và đang hoành hành, cũng có phát biểu về vấn đề này. Cô cho rằng đến nay biến thể Omicron có mức độ lây nhiễm tương tự như Delta, dù “khó mà nói chắc chắn” do cần thêm thời gian để thu thập đủ dữ liệu lâm sàng.
Tiến sĩ Coetzee cũng là một trong những bác sĩ đầu tiên phát hiện Omicron.
Như vậy, cần thêm các nghiên cứu khoa học chính thức để biết được chính xác khả năng lây lan của Omicron so với các biến thể khác, nhưng có vẻ thông tin rằng Omicron lây lan gấp 5 lần Delta cần được xem xét lại.
Khả năng “tàng hình” với miễn dịch do vaccine?
Tiến sĩ David Ho, Giáo sư Vi sinh và Miễn dịch học tại Đại học Columbia (Mỹ), cho biết, đột biến của Omicron có khả năng làm cho một số phương pháp điều trị COVID-19 – bao gồm cả một số cocktail kháng thể – giảm hiệu quả. Omicron cũng có thể làm giảm hiệu quả của vaccine.
Tuy nhiên, mọi thứ cần phải được kiểm chứng trong phòng thí nghiệm bằng cách xem xét khả năng nhận biết Omicron của kháng thể từ những người đã từng tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh, hoặc cocktail kháng thể dùng để chữa bệnh COVID-19.
Với tốc độ chạy nước rút hiện nay, có lẽ vẫn mất 1-2 tuần để biết được các kết quả thí nghiệm này.
Điều đáng mừng là những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy bên cạnh kháng thể, hệ miễn dịch tế bào T được tạo ra sau khi tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh cũng góp phần bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2. Trái ngược với kháng thể, hiệu quả bảo vệ của tế bào T ít bị ảnh hưởng bởi các đột biến trên virus, do chúng chỉ nhận diện các đoạn protein ngắn hơn (gọi là peptide) trên virus.
Bên cạnh đó, thuốc kháng virus thử nghiệm – chẳng hạn như Paxlovid của Pfizer hoặc molnupiravir của Merck nhắm vào các thành phần khác không bị đột biến trong Omicron – có thể vẫn bảo toàn hiệu quả.
Như vậy, giả thuyết hiện nay là kháng thể có thể bị giảm hiệu quả đối với Omicron, nhưng những người đã tiêm chủng vẫn được bảo vệ tốt hơn những người chưa tiêm chủng.
Omicron gây bệnh nhẹ hơn, đa số người bệnh tự khỏi
Trong khi các nhà khoa học đang chạy nước rút để đánh giá hiệu quả nhận biết Omicron của kháng thể, những bác sĩ từ tâm vùng dịch ở Nam Phi đã cung cấp các tin tức khiến mọi người nhẹ nhõm được phần nào: Hầu hết các ca bệnh do Omicron đều nhẹ và không cần nhập viện vẫn tự khỏi.
Tiến sĩ Angelique Coetzee cho rằng trong khoảng hai tuần nữa chúng ta sẽ biết nhiều hơn về mức độ nghiêm trọng của COVID-19 do biến thể Omicron gây ra. Tuy nhiên, đến nay cô vẫn chưa thấy ca bệnh nào cần nhập viện hoặc phải vào phòng chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ chỉ hướng dẫn bệnh nhân tự điều trị tại nhà.
Những bệnh nhân nhiễm Omicron cũng ít có các triệu chứng tiêu biểu của COVID-19, đặc biệt là của biến thể Delta, như mất vị giác, khướu giác hay sốt cao, cũng ít có triệu chứng nghẹt mũi. Hầu hết các bệnh nhân chỉ bị mệt mỏi và đau cơ.
Đến nay Omicron gây bệnh hầu hết ở người trẻ dưới 40 tuổi. Nhưng đối tượng gây bệnh do Omicron có thể thay đổi khi biến thể này lan rộng ra hơn.
Ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu, Omicron được cảnh báo vẫn có thể gây nguy hiểm. Ngoài ra, khi số ca bệnh do Omicron gây ra tăng lên, chúng ta có thể quan sát thấy thêm nhiều triệu chứng tiêu biểu của COVID-19 gây ra bởi các biến thể khác.
Tóm lại là bạn ơi đừng quá lo
Với những thông tin mới nhất từ vùng tâm dịch gây ra bởi biến thể Omicron, có lẽ chúng ta có quyền hi vọng rằng biến thể mới này không phải là kẻ diệt chủng đến sau Delta.
Trong lúc bình tĩnh chờ đợi thêm các kết quả thử nghiệm chính thức, điều tốt nhất các chuyên gia khuyên nên làm là tiếp tục đeo khẩu trang, tránh nơi đông người, tránh tụ tập, ở nơi thoáng mát và rửa tay, bởi vì đây là những vũ khí lợi hại giúp chống lại bất kỳ biến thể nào. Ngoài ra, tham gia tiêm phòng theo lịch cũng chính là góp phần hạn chế sự xuất hiện của những biến thể tương lai mà biết đâu lần sau sẽ chẳng may mắn như lần này.
Khai Tâm