+
Aa
-
like
comment

Món nợ TP.HCM trả…

Công Luân - 23/08/2022 13:31

Vào ngày 18/8 vừa qua, một đại lễ cầu siêu cho những người qua đời vì Covid-19 ở TP.HCM đã được tiến hành, nhắc nhớ những người còn sống về nỗi đau khủng khiếp của đồng bào cách đây một năm. Và cũng là để nhắc nhớ rằng, chúng ta vẫn còn nợ rất nhiều điều!

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi một số người dân tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Trạm Y tế phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP HCM.

Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 43.103 người qua đời vì đại dịch Covid-19 (trên tổng số 11,4 triệu người nhiễm bệnh). Riêng tháng 8/2021 là tháng có số người chết vì dịch bệnh cao nhất. Năm nay, những ngày tháng 8 này trở thành ngày giỗ đầu nhiều nạn nhân đại dịch, trong đó đông nhất là tại các địa phương thuộc khu vực miền Trung và miền Nam. Có những phóng sự về nỗi đau của người ở lại phải chuẩn bị 5 cái giỗ trong cùng một tháng khiến ta không thể không nghẹn ngào. Câu hỏi đau đáu, họ đã làm thế nào để sống tiếp với những nỗi đau khủng khiếp và chồng chất như vậy?

Cũng ở thời điểm này, cần phải nhắc lại 7 tháng kinh hoàng của đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Hơn 1 triệu người đã mắc bệnh, trong đó có 23.476 trường hợp tử vong. Riêng TP.HCM có 17.305 người chết, chiếm 74% trên tổng số ca tử vong của cả nước. Một năm rồi, những con số vẫn còn ám ảnh và mang trong đó những nỗi đau không thể nào bù đắp. Bởi nó không chỉ lấy đi tính mạng đồng bào mà còn biến 4.461 đứa trẻ nhỏ thành mồ côi. Chúng vẫn phải lầm lũi sống vươn lên trong suốt một năm qua với những ám ảnh quá lớn về cuộc đời. Ai trả lại tình thương, nụ cười và sự yêu thương cho các em?

Bên cạnh nỗi đau của sự mất mát, còn là sự nhức nhối của tình trạng thất nghiệp, chỉ riêng đợt dịch bùng phát vào tháng 4/2021 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến vào Quý III/2021 lên mức 3,98%. Nền kinh tế bị ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp phải cho lao động ngừng, giãn hoặc nghỉ việc. Điều này làm cho tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng kỷ lục trong vòng 5 năm gần đây, cùng với đó là việc nhiều lao động rời bỏ thị trường. Đây là những con số đáng báo động, cùng với đó là nhiều những trăn trở về đời sống của người lao động bị mất việc trong bối cảnh gượng dậy sau dịch bệnh chưa bao lâu.

Nhắc nhớ lại để thấy rằng, chúng ta đã may mắn đến nhường nào khi vẫn còn được thở, được ngồi đây và nhìn lại những điều đã qua. Và cũng chính vì đặc ân đó nên chúng ta cũng nên có trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng. Thế nhưng, bàn tay nối lấy bàn tay sao khó khăn quá, thậm chí có những cánh tay đưa ra, có những cánh tay với lấy, nhưng cuối cùng cũng vẫn bị chia cắt. Đó là ví dụ tiêu biểu cho món nợ với người dân từ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Là cơ quan chủ quản đứng ra chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã có hàng loạt các nghị quyết, quy định chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Từ hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tiền nhà trọ, hỗ trợ các nhóm nghề nghiệp bị ảnh hưởng….

Tuy số tiền không lớn, nhưng chính sách này rất cần kíp để tạo niềm tin, động lực trong nhân dân, nhất là khi cả nước đang trên đà phục hồi kinh tế – xã hội. Đáng tiếc, tiền hỗ trợ đến được tay người lao động thật lắm gian nan. Đơn cử như vừa qua, chính Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phải đích thân lên tiếng cảnh báo và nhắc nhở các cơ quan chức năng trong việc giải ngân tiền hỗ trợ nhà trọ cho người lao động. Nguyên nhân ư? Nói thẳng là do sự ù lì, thậm chí là thờ ơ vô cảm trước nỗi đau và vất vả của người dân. Họ chấp nhận cúi đầu xin lỗi, tai nghe Thủ tướng thúc giục nhưng tay vẫn từ từ chậm rãi.

May mắn thay trong tình trạng nhức nhối ấy, tinh thần của Chính phủ đã được lắng nghe khi TP.HCM đã hoàn thành đầu tiên mục tiêu chi trả gói hỗ trợ thất nghiệp do Covid-19. Với mật độ dân số cao nhất cả nước và là đầu tàu kinh tế, việc hoàn thành mục tiêu đứng đầu cả nước là một nỗ lực rất lớn và kịp thời của TP. HCM. Gần 266 tỷ đồng đã được gửi đến cho 95.300 lao động, cũng là ngần ấy niềm tin được gầy dựng tới cho lực lượng lao động chủ chốt của đất nước. Rất kỳ vọng tinh thần ấy sẽ còn được lan tới các chính sách vẫn còn đang vướng mắc như chính Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định, “chăm lo cuộc sống của người dân là trách nhiệm của thành phố”.

Tuy nhiên, khi đợt dịch mới đang âm thầm đến gần, câu hỏi đặt ra đến giờ vẫn còn đau đáu, TP.HCM đông như thế mà đã làm được còn các tỉnh thành khác thì sao? Ở đây, rất cần sự vào cuộc nhanh chóng, mạnh dạn của chính quyền địa phương. Đừng để lặp lại một chính sách an sinh “chưa tròn” chỉ vì thiếu những cánh tay trong khi tiền đã có sẵn!

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều