+
Aa
-
like
comment

Mời nước ngoài phá dỡ nhà 8B Lê Trực: Người Việt không đủ khả năng à ?

18/02/2020 17:55

Theo PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng), các chuyên gia Việt Nam không đến nỗi đầu hàng phải thuê đến nước ngoài vào phá dỡ công trình vi phạm 8B Lê Trực.

Theo thông tin, mới đây, thông tin về việc xử lý công trình 8B Lê Trực giai đoạn 2, Chủ tịch quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết đến nay đã thực hiện xong giai đoạn 1 tháo dỡ tầng 19, cơ quan chức năng đang chuẩn bị cho lắp cẩu tháp để triển khai cưỡng chế xử lý phá dỡ giai đoạn 2 gồm tầng 17 và 18.

Tuy nhiên, chính Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng thừa nhận, đến nay chưa có phương án cưỡng chế xử lý phá dỡ giai đoạn 2 công trình. Thậm chí, việc quyết toán, thanh toán chi phí cho đợt phá dỡ giai đoạn 1 là tầng 19 và tum thang đến nay chưa có cơ sở để thanh toán dù đã qua gần 4 năm.

Mời nước ngoài phá dỡ nhà 8B Lê Trực: Người Việt không đến nỗi đầu hàng
“Các chuyên gia Việt Nam không đến nỗi đầu hàng phải thuê đến nước ngoài vào phá dỡ công trình vi phạm 8B Lê Trực”.

“Chúng tôi đã xin ý kiến UBND TP Hà Nội và được đồng ý rồi, nếu không có đơn vị trong nước nào tham gia thiết kế phương án phá dỡ, sẽ mời đơn vị ở nước ngoài vào. Khi nào tìm được đơn vị thiết kế phá dỡ công trình sẽ thông tin công khai ngay”, ông Chiến nói.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định: Các chuyên gia Việt Nam không đến nỗi đầu hàng phải thuê đến nước ngoài.

“Công trình được xây dựng theo một thiết kế đã có sơ đồ kết cấu đã được hình thành trước đó cho nên việc can thiệp, tháo dỡ tầng 17, 18 phải nghiên cứu kỹ thiết kế ban đầu để lựa chọn phương án xử lý thích hợp. Vấn đề là khi nghiên cứu được giải pháp kết cấu hiện hữu của công trình khi cắt bỏ đi sẽ làm ảnh hưởng như thế nào đến kết cấu phải chọn giải pháp thích hợp để đảm bảo bền vững lâu dài của toàn bộ toà nhà cũng như kết cấu còn lại. Riêng tầng 17, 18 có những yêu cầu kỹ thuật mà mình phải tôn trọng kết cấu ban đầu” – ông Chủng nói.

Cũng theo ông Chủng, chuyên gia Việt Nam không phải không làm được nhưng vấn đề có kiến thức cũng cần kinh phí và phải có những nghiên cứu đầy đủ từ hồ sơ gốc công trình thì mới chọn được giải pháp tương ứng.

“Theo tôi được biết sơ đồ kết cấu của toà nhà này can thiệp vào tầng 17, 18 là can thiệp trực tiếp vào thay đổi của kết cấu. Vì bản thân ở sàn 17 cũng có hệ thống kết cấu dầm treo rất lớn. Ở tầng 3 có dầm cao 2,5m và tầng 17 có dầm cao 1,8m. Bỏ dầm đó đi thì phải xem xét thiết kế của những dầm treo ấy như thế nào. Tất cả đều phải làm những giải pháp về kỹ thuật chứ không phải cứ cắt bỏ là cắt bỏ” – vị chuyên gia xây dựng phân tích.

“Đây là vấn đề kỹ thuật phức tạp bởi nếu can thiệp tầng 17, 18 dầm chuyển ở tầng 3 còn lại không đủ để gánh các tầng còn lại. Có thể hiểu như thế này, giả sử tải trọng dầm chuyển ở tầng 3 gánh 60% còn 40% là phần dầm ở tầng 17 bây giờ phá bỏ tầng 17 thì phải nghiên cứu phương pháp thay thế phần dầm đó ra sao. Muốn có giải pháp thì phải hiểu kết cấu ban đầu, kết cấu hiện trạng ra sao, hồ sơ gốc, hoàn công của công trình như thế nào. Hoàn toàn chúng ta có thể làm được để toà nhà bền vững dù sẽ rất khó khăn và cũng tốn kém về kinh phí. Nhưng như tôi nói về kỹ thuật không phải chúng ta không làm được” – ông Chủng nhấn mạnh.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho hay, chủ đầu tư đã không hợp tác trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu kỹ thuật…

Về vấn đề này, theo PGS. TS. Trần Chủng nếu không có sơ đổ kết cấu cũ của công trình không biết và hiểu đầy đủ về công trình can thiệp vào thì lại hỏng.

“Cái này thành phố Hà Nội cũng không nên đổ tại đâu nữa. Không phải khách quan vì những lý do kỹ thuật không làm được. Tự TP cũng có đủ trình độ để giải quyết vấn đề này. Đây không phải là vấn đề gì quá khó khăn. Tuy nhiên các vấn đề kỹ thuật thì phải làm và phải tuân thủ. Tôi nhắc lại việc cắt bỏ hệ kết cấu đã được hình thành thì phải hiểu được hệ kết cấu cũ của nó đang như thế nào để có can thiệp và có giải pháp” – nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Nhà nước về chất lượng xây dựng nêu ý kiến .

Ông Chủng cho rằng, vấn đề này cần sự hợp tác của cả TP đặc biệt trước hết là của chủ đầu tư. Cùng với đó ông cũng thẳng thắn đặt ra vấn đề về kinh phí thực hiện.

“Rõ ràng là phải có kinh phí. Ngay cả đơn vị cắt tầng tum và tầng 19 đến nay vẫn chưa được thanh toán thì các nơi họ từ chối có thể không phải năng lực kỹ thuật. Tôi khẳng định các vấn đề kỹ thuật không khó đến mức độ Việt Nam không làm được mà phải thuê nước ngoài nhưng vấn đề là tại sao họ không làm mình cũng cần xem xét” – ông Chủng đặt vấn đề.

Thủ tướng 6 lần chỉ đạo

Công trình 8B Lê Trực nằm sát khu chính trị Ba Đình, cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa nhà Quốc hội khoảng 300 m, cách Văn phòng Trung ương Đảng, Phủ chủ tịch chừng 500 m, tính theo đường chim bay.

Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án này, gần một năm sau hoàn thành giai đoạn 1.

Trong vòng 4 năm kể từ tháng 11/2015, Thủ tướng 6 lần yêu cầu UBND TP.Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực. Mới đây nhất, cuối năm 2019, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TP Hà Nội tập trung xử lý dứt điểm vi phạm tại nhà 8B Lê Trực để “đảm bảo kỷ cương, pháp luật”, đồng thời nêu rõ việc xử lý phải đảm bảo an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Theo lãnh đạo Chính phủ, từ năm 2015 đến 2018, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý vi phạm tại nhà 8B Lê Trực. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội “rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn tồn tại kéo dài”.

Vụ việc được Thủ tướng khẳng định là biểu hiện yếu kém về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị và yêu cầu phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các sai phạm của chủ đầu tư dự án và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bình Minh/VNN

Bài mới
Đọc nhiều