+
Aa
-
like
comment

Mối nguy quân sự từ AUKUS chưa lắng, Trung Quốc lại đón nhận “hung tin” từ Bộ Tứ

Bảo Trâm - 19/09/2021 08:21

Trang Nikkei Asia Review vừa có bài viết nói về việc lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ đồng ý tiến hành các bước đi nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn bền vững, nhằm ngăn cản Trung Quốc lợi dụng lĩnh vực công nghệ để duy trì vị thế của mình.

Theo Nikkei, lãnh đạo của Bộ Tứ: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ đồng ý tiến hành các bước đi nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn bền vững khi họ gặp nhau tại Washington vào tuần tới.

Trang Nikkei khẳng định họ đã nắm trong tay bản nháp tuyên bố chung của nhóm Bộ Tứ. Theo văn bản này, để tạo ra chuỗi cung ứng mạnh, cả 4 nước phải xác định rõ năng lực cung ứng thiết bị bán dẫn và cả điểm yếu của bản thân. Ngoài ra, văn bản cũng khẳng định: Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến nên dựa trên quy tắc tôn trọng nhân quyền.

Văn bản không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc nhưng theo Nikkei nhận định, động thái của Bộ Tứ là nhằm ngăn cản Trung Quốc lợi dụng lĩnh vực công nghệ để duy trì vị thế của mình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo các quốc gia thuộc nhóm Bộ Tứ, sự kiện mà Reuters nhận định là nhằm tăng cường hợp tác để đối phó với sự bất chấp ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Nhóm Bộ tứ kim cương ra mắt năm 2007

Được biết, Mỹ và Trung Quốc vốn đã bất đồng về nhiều vấn đề trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả thương mại và công nghệ. Ngay từ hồi tháng 4, ông Biden đã tuyên bố Mỹ và đồng minh Nhật Bản sẽ cùng nhau đầu tư vào các lĩnh vực như chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn và 5G.

Cạnh tranh Mỹ-Trung về công nghệ số đang nổi lên như yếu tố định hình trên chính trường thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Thiết bị bán dẫn, hay còn được coi là “DNA của công nghệ” như trong một báo cáo mới đây của Mỹ về chuỗi cung ứng, nằm ở tâm điểm của cái mà ông Biden gọi là “cuộc cạnh tranh để chiến thắng thế kỷ 21”.

Từ cách đây 3 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định mối ẩn họa lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt là tình trạng phụ thuộc “những công nghệ lõi” vào bên ngoài. Ông Tập cho rằng thay đổi tình thế này là yếu tố chủ chốt trong chương trình của chính quyền Trung Quốc trong thế kỷ tới.

Nhánh xuất khẩu kiểm soát thiết bị bán dẫn của Mỹ đã chứng minh là vũ khí hữu hiệu nhất của Mỹ trước sự phát triển rộng khắp của Huawei và nhiều gã khổng lồ công nghệ số khác của Trung Quốc.

Theo Nikkei, Trung Quốc vốn là nhà nhập khẩu thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới. Nước này phải mua tới 2/3 lượng chip cần tiêu thụ bởi thiết bị của hãng điện thoại di động Trung Quốc vẫn phụ thuộc nặng nề vào CPU, GPU và chip nhập khẩu.

Trung Quốc thiếu tự chủ về chip bán dẫn

Ví dụ, sản phẩm điện thoại thông minh cao cấp 5G của Xiaomi – Xiaomi 11 Pro – sử dụng bộ xử lý Qualcomm Snapdragon 888 sản xuất bằng quy trình 5nm của Samsung.

Vì lẽ đó, nhiều nhà sản xuất điện tử của Trung Quốc đang phải chịu gánh nặng lớn do giá thiết bị bán dẫn tăng cao.

Nhìn chung, giai đoạn quan trọng trong công nghệ bán dẫn của Trung Quốc vẫn khó khăn và nhiều khả năng kéo dài dù Bắc Kinh đã có những nỗ lực nhằm xử lý tình hình, cơ quan công nghiệp hàng đầu nước này cảnh báo, Nikkei nhận định.

Ông Tian Yulong, phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) cho hay: “Chuỗi cung ứng chip sẽ còn khó khăn một thời gian nữa và tình thế hiện giờ khá là nghiêm trọng”.

Bảo Trâm (Theo Nikkei Asia Review)

Bài mới
Đọc nhiều