Mối nguy dài hạn từ virus corona đối với nền kinh tế Trung Quốc
Bóng ma từ virus corona có thể đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc – vốn chưa kịp phục hồi sau thương chiến với Mỹ – trong dài hạn.
Việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona, điều trị bệnh nhân và ngăn ngừa bệnh tái phát là mối quan tâm hàng đầu trước dịch bệnh mới bùng phát. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, virus corona còn giáng đòn mạnh lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Bloomberg, khi so sánh với những dịch bệnh bùng phát trước đó, bao gồm cuộc khủng hoảng SARS vào 17 năm về trước, chính phủ Trung Quốc đã hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các khu vực dễ bị tổn thương được cho đóng cửa nhằm ngăn chặn virus corona.
Bất chấp tất cả, nỗi lo vẫn tồn tại. Hôm 25/1, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ mối lo ngại về những rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng vì “sự lan truyền gia tăng” của bệnh dịch.
Nỗi lo vượt ra bên ngoài Trung Quốc. Các trường hợp nhiễm bệnh cũng được xác nhận ở hơn 10 quốc gia khác tính đến nay. Tại Hong Kong, sau khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh, chính quyền thành phố đã cấm các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục và đóng cửa trường học.
Bloomberg nhận định những gì xảy ra trong vài ngày và vài tuần tới sẽ rất quan trọng đối với Trung Quốc và toàn thế giới. Kết quả có thể khó dự đoán nhưng trong ngắn hạn, khả năng lây lan của dịch bệnh này là tương đối thấp. Tuy nhiên rủi ro dài hạn đối với thị trường đang khiến các nhà hoạch địch chính sách và giới đầu tư lo ngại.
Virus corona là cú đòn không lường trước được đối với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Tương tự cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ trong năm 2018 và 2019, virus bùng phát khó có thể kiểm soát bằng những công cụ tài chính kinh tế có sẵn.
Do chính phủ nỗ lực ngăn ngừa suy thoái kinh tế, hàng loạt biện pháp kích thích ngắn hạn được đưa ra, dẫn đến những rủi ro đáng kể về nợ xấu và thiệt hại tài sản thế chấp. Thêm vào đó, một số biện pháp cũng không phù hợp với hướng cải cách dài hạn mà Trung Quốc cần và đang tìm cách theo đuổi.
Virus corona đã giáng thêm một đòn lên thương mại Trung Quốc. Các thành phố bị đóng cửa, hoạt động giải trí và tụ họp bị hạn chế dẫn đến sự ngưng trệ của thương mại và dịch vụ ở quốc gia này.
Trong ngắn hạn, hoạt động kinh tế trong nước giảm tốc đã loại bỏ một bệ đỡ quan trọng trước sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Nó làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính, đòn bẩy quá mức và quả bom nợ 40.000 tỷ USD.
Báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng “tác động về mặt kinh tế đối với Trung Quốc và những khu vực khác nằm trong vùng ảnh hưởng của dịch sẽ rất nghiêm trọng nếu virus vẫn không được kiểm soát hiệu quả”.
EIU ước tính tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể trượt thêm 0,5 đến 1% trong năm nay so với dự báo 5,9%.
Về trung hạn, cú đánh vào các khu vực trong nước làm chậm lại việc tái định hướng cần thiết của nền kinh tế nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào bên ngoài và các doanh nghiệp quốc doanh, giúp khu vực tư nhân có khả năng tự duy trì.
Theo Bloomberg, quá trình phát triển của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển đổi khó khăn nhất do bẫy thu nhập, nền kinh tế bị mắc kẹt và khó bước lên mốc cao hơn. Đó là một hiện tượng đã khiến nhiều nền kinh tế phát triển trước Trung Quốc bị trật bánh.
Theo cây bút Mohamed A. El-Erian của Bloomberg, vẫn còn quá sớm để nói điều gì sẽ xảy ra trước mắt hoặc về lâu dài. “Nhưng điều rõ ràng ở giai đoạn này là nền kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng nhạy cảm sau quá trình phát triển ấn tượng trong nhiều thập kỷ qua”, cây bút nhận định.
Hồng Anh (Theo Bloomberg)