Mỗi người Việt tiêu thụ bình quân 41 kg nhựa một năm
Hơn 1,8 triệu tấn nhựa được thải ra tại Việt Nam mỗi năm, trong đó chỉ khoảng 27% túi nhựa được tái chế.
Việt Nam là nước có mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người cao thứ ba trong khối ASEAN (xếp sau Malaysia và Thái Lan) với 41,3 kg mỗi năm, theo báo cáo mới công bố của Ipsos Business Consulting. Lượng nhựa tiêu thụ tăng khoảng 10% mỗi năm trong giai đoạn 1990-2015, từ 3,8 kg lên xấp xỉ 41 kg. Ước tính năm ngoái cả nước tiêu thụ hơn 3,98 triệu tấn nhựa.
Ipsos Business Consulting nhận định, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới khi nhiều nước lợi dụng lỗ hổng chính sách để đưa vào một lượng lớn phế liệu nhựa kém chất lượng.
Việc lạm dụng bao bì nhựa được người tiêu dùng Việt Nam nhận định là vấn đề nghiêm trọng nhưng không bằng biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, xử lý chất thải… Khoảng một phần ba người tiêu dùng tham gia khảo sát vào tháng 9/2018 cho biết, không thể thiếu chai nhựa và màng bọc thực phẩm trong sinh hoạt.
Ông Quách Thế Phong, Giám đốc bộ phận tư vấn khách hàng Ipsos Việt Nam, cho rằng việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng về sử dụng túi nhựa là thách thức lớn. Việc bắt kịp xu hướng hạn chế nhựa trên thế giới bằng cách sử dụng túi đựng sinh học tự hủy, gói sản phẩm bằng lá chuối… đang được nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ áp dụng nhưng mức độ lan tỏa chưa lớn. Ngành công nghiệp tái chế nhựa ở Việt Nam cũng còn nhiều bất cập như hệ thống xử lý rác chưa đồng bộ, quản lý lỏng lẻo, nhà máy quy mô nhỏ và công nghệ lạc hậu.
“Chính phủ đặt mục tiêu loại bỏ nhựa sử dụng một lần bằng cách cấm túi nhựa sử dụng một lần tại tất cả cửa hàng, siêu thị và chợ truyền thống vào năm 2021 và trên cả nước vào năm 2025. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này gặp nhiều rào cản như thiếu hướng dẫn rõ ràng, rào cản thuế quan…”, ông Phong nói.
Tieu Diem