+
Aa
-
like
comment

Mọi người Việt có thể sớm tiếp cận Vaccine Covid-19

Như Yên - 12/11/2020 17:41

Thông tin hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech thông báo kết quả nghiên cứu vaccine Covid-19 giai đoạn 3 của họ có hiệu quả hơn 90% và sẽ nhanh chóng sản xuất đại trà. Thành công này mang lại niềm hi vọng lớn cho cả thế giới trong đó có cả Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch thế kỷ.

Nhập khẩu vaccine có chọn lọc

Cuộc chạy đua sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 đã có tổng cộng ba hãng nổi bật từ Nga, Mỹ – Đức và Trung Quốc đã được thử nghiệm trên người và có những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, Vaccine hãng Sinovac (Trung Quốc) trước đó đã được đưa ra thử nghiệm tại Brazil nhưng đã xảy ra sự cố là một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đã chết. Mặc dù chưa biết rõ nguyên nhưng Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro, vẫn luôn giữ quan điểm phê phán vắc xin ngừa Covid-19 do hãng dược Trung Quốc Sinovac phát triển, cho rằng nó thiếu sự tin cậy về chất lượng.

Vì vậy, để tiếp cận vắc-xin Covid-19 sớm nhất và chất lượng có thể cho toàn dân, Bộ Y tế Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin trên thế giới nhưng phải chờ thêm một thời gian phản hồi kết quả về độ an toàn của thuốc. Ví dụ, vaccine BNT162b2 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) có thật sự hiệu quả đến 90% như những gì được công bố hay không và có tác dụng phụ hay vấn đề gì phát sinh không. Tránh trường hợp dữ liệu báo cáo chưa đầy đủ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng người sử dụng. Do đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn vaccine của hãng nào sẽ mang lại hiệu quả và hạn chế được tác dụng phụ đến mức tối thiểu.

Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine của Pfizer tại Trường Y Maryland, Baltimore, hồi tháng 5/2020

“Quốc gia nào có vaccine thì chúng tôi đều tiếp cận. Khi nghiên cứu vaccine được công bố rộng rãi trên thế giới, kết quả tốt, chúng tôi mới tính đến các bước tiếp theo trong nhập khẩu và đăng ký lưu hành tại Việt Nam”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 cho biết.

Bên cạnh đó, quy trình thử nghiệm vaccine ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian có khi phải mất đến vài tháng. Nhưng thời gian lại là vấn đề không thể trì hoãn trong giai đoạn này, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 người chết do Covid-19 trên toàn thế giới. Đây là một trong những thách thức lớn trong việc sớm đưa vaccine tiếp cận với người dân. “Bộ Y tế sẽ nỗ lực để có được vaccine phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất”, thông cáo của Bộ Y tế cho biết.

Có thể nói, việc nhập khẩu vaccine ở thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết nhưng đây chỉ là cách “chữa cháy tạm thời” vì ai cũng hiểu được giá thành vaccine nhập khẩu khá cao và bản chất của virut SARS-CoV-2 có khả năng biến đổi theo môi trường nên chưa chắc chắn được vaccine từ nước ngoài có phù hợp với khí hậu của Việt Nam. Thêm nữa, nước ta những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong y học tin rằng sẽ nhanh chóng chế tạo thành công vaccine của người Việt, với giá cả hợp lý để toàn thể người dân đều có thể sử dụng theo đúng tinh thần của Bộ Y tế.

Tiếp tục nghiên cứu vaccine “Made in Viet Nam”

Ở thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia cũng đã liên hệ với nhà sản xuất Anh, Mỹ, Nga,.. để mua vắc xin với giá cao, số lượng lớn, đặt hàng ngay từ khi vắc xin chưa được thương mại hoá. Trước mắt, các nhà sản xuất ở nước ngoài sẽ ưu tiên cho nhu cầu của thị trường trong nước, sau đó mới đến các đơn đặt hàng. Lượng vắc-xin các nhà sản xuất nước ngoài có khả năng phân phối cho mỗi quốc gia là có hạn, trong khi chủ trương của chính phủ hướng đến có vắc-xin để phục vụ cho toàn dân, đặt ra nhu cầu tự làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19. Vaccine Covid-19 “made in Viet Nam” có ý nghĩa đáp ứng nhu cầu trong nước, tự chủ, làm nền tảng để phát triển vaccine đối phó các chủng virut corona khác trong tương lai.

Trong một cuộc chiến khốc liệt chống lại dịch bệnh đợt 1 và đợt 2, Việt Nam đã làm rất tốt, hạn chế tối thiểu thiệt hại tính mạng cho người bệnh. Đồng thời, trong quá trình xét nghiệm và điều trị bệnh, các y bác sĩ cũng đã nắm rõ được phần nào cách thức hoạt động của virut từ đó đưa ra các kháng thể phù hợp nghiên cứu vaccine. Mặc khác, khi nhập nhậu vaccine từ các nhà sản xuất trên thế giới, các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ có thêm tư liệu cụ thể để điều chỉnh vaccine phù hợp. Đến khi hoàn thiện, có thể sản xuất đại trà đến tay người dân cả nước, ai ai cũng được tiêm ngừa.

Chúng ta vẫn đang tiếp tục trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm vaccine trong nước ở giai đoạn II (thử nghiệm trên chuột). Theo dự kiến, hiện tại có 2 nhà sản xuất vaccine là Ivac và Nanogen được đánh giá tiềm năng, sẽ có kết quả test thử vào đầu tháng 12 và sẽ thử nghiệm trên người vào đầu năm 2021, nếu mọi việc đều suôn sẻ thì đến cuối năm mọi người đã có thể sử dụng vaccine “Made in Viet Nam”. Tuy quá trình sản xuất vắc xin thật sự còn có nhiều khó khăn nhất định, không hề dễ dàng vì vắc xin đòi hỏi tính ổn định, tính hiệu suất cao, chất lượng phải đảm bảo. Quá trình để nghiên cứu thành công một loại vắc xin thông thường phải mất từ 7-10 năm. Nhưng trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn tiến phức tạp nên Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cũng có các chính sách để rút ngắn một số giai đoạn. Dù vậy vấn đề chất lượng luôn phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình nghiên cứu.

Trong thời gian này, chủ trương vẫn là nhập khẩu vaccine từ các nhà sản xuất nước ngoài vì dịch bệnh không chờ đợi một ai cả. Đặc biệt trong thời gian cuối năm, thời tiết thuận lợi để virut này phát triển, khả năng sẽ lại bùng phát đại dịch lần 3.

Tuy rằng Việt Nam trong 60 ngày qua không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, nhưng nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam, chuyên gia về nước. Trong đó có các chuyến bay thương mại quốc tế, trong khi số lượng ca mắc trên thế giới liên tục gia tăng. Việc nghiên cứu Vaccine trong nước không chỉ giúp Việt Nam tự chủ, đáp ứng được nhu cầu của người dân mà sẽ một lần nữa khẳng định những tiến bộ của nền Y học Việt trên trường quốc tế. Khi nào vaccine chưa được công bố chính thức an toàn, hiệu quả khi đó người dân vẫn phải luôn nâng cao ý thức và tinh thần cảnh giác vì “Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh”.

Như Yên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều