+
Aa
-
like
comment

Mỗi người dân hãy là một liều vắc-xin ngăn ngừa dịch Covid-19

30/03/2020 11:27

Trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19, mọi nỗ lực đều đổ sông đổ biển nếu mỗi chúng ta bỏ qua bài học ý thức.

Ở nhà, hạn chế ra ngoài là một trong những cách mà mỗi người dân có thể làm để chung tay cũng đất nước chống dịch.

Việt Nam đã, đang rất nỗ lực để chống giặc COVID-19. Thành công lớn nhất đến lúc này là chưa có trường hợp tử vong. Các nước trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh của chúng ta. Một số nước xem Việt Nam là hình mẫu có thể áp dụng vào đất nước mình. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gần đây rằng: “Làm tốt các hướng dẫn, chấp hành nghiêm các chỉ thị, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh”.

Điều khiến dư luận quan tâm vào lúc này, đó là ý thức của mỗi người dân trước dịch bệnh. Ý thức kém của một số người đi từ vùng dịch về, như không trung thực khai báo lịch trình đi lại, để là nguồn cơn làm lây sang người nhà và những người có tiếp xúc. Rồi chuyện những người trốn cách ly. Hay người phải cách ly tập trung đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực khi làm việc với cơ quan chức năng, phàn nàn về điều kiện sinh hoạt ở khu cách ly không như…ở nhà.

Bất chấp dịch bệnh, người dân vẫn đổ xô về Phủ Tây Hồ để vái vọng hôm mùng 1 tháng 3 âm lịch.

Gần đây chính quyền nhiều địa phương đã có quyết định tạm dừng đóng cửa các cơ sở kinh doanh như quán bar, karaoke, mát-xa… nhưng thực tế còn “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Phủ Tây Hồ ở Hà Nội, trong ngày đầu tháng ba âm lịch này vẫn đông nghịt người đến cúng vái. Quán Bar 3.14 Lounge, khi cơ quan chức năng kiểm tra đã phát hiện 34 chai rượu và 17 nhân viên cùng 35 khách, trong đó có 5 đối tượng dương tính với chất ma túy. Hoặc sự việc một siêu thị ở Quảng Ngãi tổ chức lễ khai trương vào sáng 26/3, hàng ngàn người đến mua sắm như mở hội. Bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng và ngành y tế, nhiều người dân vẫn không đeo khẩu trang khi ra đường, không giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét ở nơi công cộng; nhiều quán trà đá vỉa hè vẫn còn những người túm 5 tụm 3 trong những làn khói thuốc lá,…

Dịch bệnh diễn ra nhưng cách đây vài ngày quán bar Buddha vẫn hoạt động và trở thành ổ dịch.

Trong khi cả nước đồng lòng dồn mọi nguồn lực để kiểm soát, phòng chống Covid-19 thì luôn có những “loài giặc” nói trên phá hoại nỗ lực của chúng ta. Nếu ban đầu chỉ là che giấu lịch sử đi lại thì sau đó là khai báo nhỏ giọt hoặc cố tình đến nơi đông người thì bây giờ đã có nhiều trường hợp cố tình khai báo gian dối, đi lại lung tung, trốn cách ly như trường hợp bệnh nhân 178 khai báo gian dối, người đàn ông ở Tây Ninh trốn khỏi khu cách ly huyện Châu Thành,… Nếu bỏ qua những trường hợp này thì sẽ gây tâm lý nhờn luật, cố tình vi phạm giải pháo phòng chống dịch vì cho rằng Nhà nước không dám xử phạt. Quan trọng hơn là những kẻ đó đang trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng và tính mạng đồng bào, nếu không xử lý chúng thì chính là có lỗi với Tổ quốc và dân tộc Việt Nam.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân số 178 (khai báo vòng vo, thiếu trung thực) để răn đe giáo dục. Người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 5 thành phố lớn về phòng, chống dịch Covid-19 hôm 29/3 vừa qua. Bởi bệnh nhân 178 là nhân viên Công ty Trường Sinh (cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai) đã trở về quê ở Thái Nguyên nhưng khai báo không trung thực về lịch trình di chuyển của mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xử lý bệnh nhân 178 để răn đe, giáo dục nhiều người khác.

Được biết, một số quốc gia cũng đã có những hình thức xử phạt đối với người dân, nếu họ không tuân thủ các quy định của Chính phủ trong việc ngăn chặn dịch Covid-19. Chẳng hạn tại Ấn Độ, quốc gia này đã phong tỏa toàn quốc, người dân ra đường mà không đeo khẩu trang sẽ bị cảnh sát dùng… gậy baton nhắc nhở, hoặc phạt người vi phạm tập thể dục, hít đất ngoài đường. Tại Australia, các cá nhân không chấp hành lệnh của chính quyền trong trường hợp khẩn cấp về y tế sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 5.500 AUD (3.700 USD) đến 50.000 AUD (36.000 USD) và phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm. Chính phủ Ả-rập Xê-út cũng vừa chính thức thông báo phạt những người trốn hoặc khai báo không trung thực về thông tin sức khỏe y tế như lịch sử đi lại trước khi nhập cảnh vào quốc gia này, với mức phạt hành chính là 133.000 USD (khoảng 3 tỷ VND) mỗi người…

Ý thức với nhiều người ở nước ta vẫn là điều gì đó khá xa xỉ. Virus lan nhanh không hẳn là do chúng ta chưa có thuốc chữa mà do chính những thành viên trong cộng đồng chúng ta vô ý thức, vô tâm, thiếu trung thực, ích kỷ đến mức trở thành những kẻ độc ác với cộng đồng. Đất nước này đã khốn khổ với dịch bệnh lắm rồi. Làm ơn hãy chấp hành nghiêm chỉnh các giải pháp và chị thị phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Hãy ngồi yên và biết nói lời từ chối đi, để không trở thành kẻ có tội với đất nước với cộng đồng xung quanh.

Trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19, mọi nỗ lực đều đổ sông đổ biển nếu mỗi chúng ta thiếu ý thức và trách nhiệm công dân với đất nước. Một lời nói hay, một hành động tốt và ý thức cảnh giác, không lơi là với dịch bệnh lúc này sẽ là một liều “vắc – xin” đặc hiệu để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Mỗi người dân là một liều vắc-xin ấy, tại sao không?

Hạ Trắng (TH)

Bài mới
Đọc nhiều