+
Aa
-
like
comment

Mỗi năm có khoảng 50 nghìn tỷ tiền ngân sách bị chi tiêu không đúng

19/11/2020 11:54

Mỗi năm, ngành thanh tra và Kiểm toán Nhà nước phát hiện khoảng 5% ngân sách quốc gia bị chi tiêu không đúng quy định (45 đến 50 nghìn tỷ đồng) và hàng nghìn ha đất sử dụng không đúng mục đích.

Thông tin trên được Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) – Nguyễn Văn Thanh cho biết tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành thanh tra góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân” do TTCP tổ chức ngày 18/11.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, thống kê 5 năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước và ngành thanh tra mỗi năm phát hiện khoảng 5% ngân sách quốc gia bị chi tiêu không đúng quy định, rơi vào khoảng 45 -50 nghìn tỷ cộng với hàng nghìn ha đất được giao quản lý sử dụng không đúng. Cùng với kiến nghị xử lý, thu hồi các khoản chi tiêu không đúng, các cơ quan thanh tra đã kiến nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thanh cũng thẳng thắn chỉ ra bất cập trong hoạt động thanh tra hiện nay, điển hình là sự chồng chéo của các cơ quan thanh tra chuyên ngành như trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai và tài chính, điều này đã gây không ít phiền hà cho đối tượng bị thanh tra và doanh nghiệp. Ông Thanh cho biết, dự thảo luật thanh tra sửa đổi sẽ có những quy định cụ thể nhằm “loại bỏ” sự chồng chéo này.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đưa ra những ý kiến, quan điểm nhằm đổi mới công tác tổ chức cán bộ ngành thanh tra; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng thể chế của TTCP cũng như yêu cầu đổi mới trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tại bài tham luận gửi tới hội thảo, ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng, Trưởng ban tiếp công dân Trung ương (TTCP) cho rằng cần phải thẳng thắn nhận thấy hoạt động tiếp công dân còn có những vấn đề cần sớm được khắc phục.

Điển hình việc lãnh đạo nhiều địa phương còn ngại, né tránh trong việc tiếp công dân định kỳ theo quy định của pháp luật (theo báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ tiếp dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đạt bình quân 48% so với quy định, việc uỷ quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh).

Bên cạnh đó, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương còn hạn chế, có những vụ việc của công dân kéo dài mấy chục năm chưa được giải quyết dứt điểm nhưng việc bố trí cán bộ làm công tác này lại hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều nơi cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo lại thiếu thân thiện, thiếu tôn trọng, thiếu lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân…

Dương Lê/TP

Bài mới
Đọc nhiều