+
Aa
-
like
comment

Mỏi mệt lắm rồi. Cầu xin hai chữ: Bình yên!

20/02/2020 10:39

Thầy cô mệt mỏi. Học trò mệt mỏi. Phụ huynh mệt mỏi. Có lẽ, nên gác lại những “phát minh”, “sáng kiến”, nhất là của các nhà quản lý ngoài ngành. Xin hãy tạm để cho mọi người hai chữ: Bình yên!

Mỏi mệt lắm rồi. Cầu xin hai chữ: Bình yên! - 1

Một thông tin gây khá nhiều tranh cãi những ngày qua, đó là chiều ngày 14/2, trong cuộc họp ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP đã đề nghị Sở GD-ĐT đề xuất Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch và tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm như một số quốc gia khác.

Ông Chung cho rằng nếu có 4 kỳ nghỉ thì tổng thời gian vẫn là 3 tháng. Trong đó, nghỉ hè 35 ngày, tết cả âm, dương lịch khoảng một tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần.

Việc này còn đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, phân bố lại tình hình giao thông của thành phố.

Ngay lập tức, ý kiến này nhận được sự phản hồi từ hai phía: Đồng tình và không.

Trên Vietnam Net, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng kỳ nghỉ hè 3 tháng hiện nay có nhiều nhược điểm như thời gian nghỉ dài khiến kiến thức của học sinh “rơi vãi”, bị mờ đi. Việc khởi động năm học sau sẽ là một sức ì lớn, do đó rất vất vả cho giáo viên.

Bà Lê Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An – Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng “Khoảng thời gian Tết Nguyên đán, thời tiết thường mưa rét, có hôm dưới 10 độ C, học sinh phải nghỉ học. Do đó, việc tính toán, phân chia lại các đợt nghỉ cũng tương đối hợp lý”.

Vẫn theo Vietnam Net, một vị hiệu trưởng một trường tiểu học quận Đống Đa không đồng tình.

Vị này nói: “Việc giảm thời gian nghỉ hè là không nên, bởi tháng 6, tháng 7 là thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong năm. Nhiệt độ ngoài trời khi ấy có những hôm tăng lên hơn 42-43 độ C. Tan học, phụ huynh đi đón con cũng “quay cuồng” vì mặt đường nhựa nóng hầm hập”.

Trên báo Dân trí, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, không thể bố trí nghỉ xuân thay nghỉ hè vì một số lý do mang tính đặc thù.

“Học sinh bậc phổ thông từ lớp 1 đến 12, không phải tất cả đều giống nhau. Học sinh cuối cấp buộc phải có kỳ thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia, không thể lùi đến sang năm được. Vì vậy, chúng ta phải tính đến các mốc thời gian này, cần tính toán lùi hơn năm học trước nhưng không ảnh hưởng lớn các năm tiếp theo”. Ông Thành nói.

Về quan điểm cá nhân người viết bài này cho rằng đây là vấn đề rất lớn, nhạy cảm, tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội.

Ví dụ như việc “cắt nát” niên học như vậy liệu có phù hợp với học sinh Việt Nam hay không? Rồi các phụ huynh sẽ xoay sở như thế nào với mỗi năm 4 kỳ các em nghỉ học ở nhà?

Với học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì trông coi ra sao? Với học sinh trung học thì quản lý thế nào?

Rồi với thời tiết khắc nghiệt của những ngày hè nóng bỏng, liệu có đảm bảo sức khỏe cho các em không trong khi ở nông thôn, không nói là điều hòa không khí mà cả quạt điện cũng chưa chắc đã có. Rồi khi mất điện thì sao?…

Có một lo ngại nữa, đó là tâm lý rất sợ sự “cải cách”, “đổi mới” từ ngành giáo dục của phụ huynh.

Lý do là từ nhiều năm nay, ngành giáo dục và đào tạo đã tiến hành quá nhiều các “công cuộc” nghe rất “hoành tráng” nhưng chưa đem lại hiệu quả thiết thực.

Trong khi đặc trưng của giáo dục không chỉ cần phát triển mà còn là kế thừa và ổn định thì nhiều năm qua, liên miên là những cuộc “cải cách” để rồi mỗi cuộc “cải cách”, “đổi mới”… cả thầy và trò như bị biến thành “chuột bạch”, nhảy tưng tưng.

Nói như thế không có nghĩa là giáo dục không cần đổi mới. Song, với những “cải cách”, “đổi mới” liên miên nhiều năm qua của ngành giáo dục mang lại rất ít hiệu quả đã khiến tôi (và có lẽ không chỉ có tôi) cảm thấy buồn và trùm lên tất cả là sự mệt mỏi!

Thầy cô mệt mỏi. Học trò mệt mỏi. Phụ huynh mệt mỏi.

Do vậy có lẽ lúc này, nên tạm gác lại những “phát minh”, “sáng kiến”, nhất là của các nhà quản lý ngoài ngành.

Xin hãy tạm để cho mọi người hai chữ: Bình yên!

Bùi Hoàng Tám/DT

Bài mới
Đọc nhiều