Mọi ánh mắt đang đổ dồn tìm kiếm điện gió của Việt Nam!
Trước tình hình ngày càng nhiều nước Châu Âu tái kích hoạt nhà máy điện than, trong khi vẫn nghiêm ngặt ràng buộc các doanh nghiệp phải sản xuất bằng năng lượng tái tạo. Việt Nam nhờ có tiềm năng to lớn về điện gió, điện mặt trời đã trở thành điểm nóng tranh nhau của các nhà đầu tư.
Mọi ánh mắt đang đổ dồn về phía Việt Nam.
Từ cuối năm 2021 đến nay, hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất cho phép nghiên cứu đầu tư dự án điện gió. Trong số này có GE Việt Nam (Mỹ), Công ty TNHH Baywa r.e. Projects Việt Nam, Tập đoàn Trung Nam, Europlast, Tập đoàn Hà Đô, Công ty CP năng lượng An Xuân, TRE…
Lạng Sơn hiện đã trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư điện gió, ước tính hiện đang có hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ tư nhân đang nằm chờ quyết định từ Lạng Sơn để được khảo sát cũng như nằm chờ quy hoạch điện 8 được chính phủ thông qua để đầu tư vào điện gió.
Đáng nói, bất chấp việc quy hoạch điện 8 vẫn còn nhiều nút thắt chưa thể tháo gỡ nhưng một số nhà đầu tư đã không chờ nổi mà đã tranh nhau để được cấp phép khảo sát, đo gió. Vừa qua một vụ tranh chấp còn đã xảy ra giữa tập đoàn GE và TRE.
Mà cũng chẳng riêng gì Lạng Sơn, trải dài từ Bắc Trung Nam, từ đất miền núi ra đến biển, hàng loạt nhà đầu tư cũng đã gửi đơn xin thăm dò, cũng như đang cầm tiền đợi sẵn, đợi quy hoạch điện 8 thông qua là có thể giải ngân được dòng vốn.
Làn sóng đầu tư điện gió lan rộng bất chấp tương lai bất định liên quan đến giá mua điện
Tại hội nghị COP26 năm 2021 cho thấy điện than hiện nay vẫn chiếm 36,4% trong tổng nguồn cung năng lượng toàn thế giới. Con số này bắt đầu nhích tăng khi Châu Âu trở lại với nhiệt điện than trong năm 2022. Nhìn chung thế giới vẫn là đang phụ thuộc vào than đá khá nhiều. Ngay cả ở những nước đã cam kết cắt giảm khí thải, nhiệt điện vẫn rất quan trọng. Nhật Bản đang xây thêm 7 nhà máy nhiệt điện để bù đắp năng lượng thiếu hụt sau khủng hoảng hạt nhân Fukushima, trong khi Úc cũng khẳng định sẽ không từ bỏ than. Vấn đề là các doanh nghiệp nước ngoài hay các các tập đoàn đa quốc gia từ lâu do bị ràng buộc bởi các yêu cầu từ nước nhà và đã cam kết hoạt động 100% bằng năng lượng tái tạo, nên càng về sau này họ càng buộc phải rời bỏ nhiều quốc gia thất bại hoặc không có được lợi thế về năng lượng tái tạo như Việt Nam.
Ở Việt Nam nhiệt điện cũng chiếm đến 66% sản lượng nhưng với dòng vốn đầu tư đang cực kỳ hưng phấn hiện nay cho thấy đây là cơ hội để Việt Nam giải quyết triệt để nguy cơ thiếu điện trong nước cũng như kích hoạt một ngành công nghiệp mới, giữ chân các nhà đầu tư, thu hút dòng vốn, đưa đất nước vươn lên dẫn đầu trong một lĩnh vực chủ chốt của tương lai.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam là quốc gia có những điều kiện tự nhiên tốt nhất ở Châu Á để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cũng như trên đất liền. Với đường biển dài hơn 3.000km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam được ước tính nằm trong khoảng từ 160 GW đến gần 500 GW. Đó là còn chưa tính hết công suất nếu đặt tại những vị trí như ở vùng núi cao các tỉnh miền bắc Việt Nam.
Hiện nay giá cả đang được xem là nút thắt lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nếu giải quyết sớm được ngày nào, cũng như sớm hoàn thiện các cơ chế quản lý đầu tư cho thật hoàn chỉnh, thì Việt Nam càng xích gần hơn với mục tiêu dẫn đầu một ngành công nghiệp mới của thế giới. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh khi chỉ đạo nghiên cứu triển khai các dự án điện gió, “giá điện không thể nào gấp đôi giá các nguồn điện khác”.
Huy Hoàng