+
Aa
-
like
comment

Modern Diplomacy: Chính sách ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung

Bảo Trâm - 14/05/2021 08:02

Trang Modern Diplomacy đã có bài viết phân tích về chính sách ngoại giao vô cùng khéo léo và “lão luyện” của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo Modern Diplomacy, việc đảm nhiệm cùng lúc hai vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã giúp Việt Nam ngày càng trưởng thành và “lão luyện” hơn khi giải quyết các mối quan ngại về an ninh cũng như diễn biến chính trị ở Đông Nam Á.

Theo đó, Việt Nam rất thận trọng vì biết rằng không thể trông cậy vào Mỹ trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, trong khi cũng không thể  gây ra những xung đột quân sự không đáng có với Trung Quốc.

Nhiệm kỳ thứ ba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tạo nền tảng để Việt Nam củng cố mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo Modern Diplomacy, Việt Nam không đi theo chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đã cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn chiến lược và kinh tế.

Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam sẽ cần sự giúp đỡ của cả hai nước. Mỹ đã cam kết giúp nâng cấp các cơ sở công nghệ của Việt Nam và tạo cơ hội giáo dục tốt hơn cho sinh viên Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tỏ ra thận trọng do không muốn Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Mỹ.

Từ trước đến nay, Việt Nam luôn kiên định giữ thái độ trung lập và đã tuyên bố rõ rằng sẽ không cho bất cứ cường quốc nào thuê cảng Cam Ranh, đồng thời khẳng định nỗ lực thúc đẩy sự gắn kết tốt hơn trong các diễn đàn ASEAN.

Dù một số tổ chức tư vấn của Mỹ (RAND, Carnegie…) đánh giá rằng quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ trở nên rắc rối và phức tạp hơn, cả Việt Nam và Trung Quốc đều đưa ra các tuyên bố ngoại giao củng cố tình đoàn kết và quan hệ hữu hảo bất chấp các tranh chấp ở Biển Đông. Chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng cân bằng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác của các cường quốc châu Âu và Mỹ để các nước này quan tâm nhiều hơn đến các kiến nghị của Việt Nam liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo Modern Diplomacy.

Năm 2020, Việt Nam đã sử dụng sự khéo léo trong nghệ thuật ngoại giao cũng như các kênh truyền thông của mình để chỉ rõ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều quốc gia gồm Anh, Đức, Pháp và Mỹ cùng với các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden

Trong thời gian đảm đương chức Chủ tịch ASEAN, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử (COC) và áp dụng một quy trình hoạt động chuẩn trong trường hợp xảy ra căng thẳng giữa hai quốc gia có tranh chấp. Sự hiện diện cùng lúc của Việt Nam và Ấn Độ với tư cách là ủy viên không thường trực HĐBA khiến Trung Quốc khó chịu ở một mức độ nhất định. Trung Quốc đang tìm cách hạ thấp chính sách ngoại giao vaccine của Ấn Độ và dự kiến Việt Nam có thể sẽ mua vaccine của Ấn Độ vì giá thành rẻ và hiệu quả hơn.

Theo báo cáo của RAND, xuất bản năm 2020, nói về cạnh tranh Mỹ – Trung ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và vai trò của Việt Nam trong bối cảnh đó đề cập rõ thực tế Trung Quốc đang có ảnh hưởng ngày càng lớn ở Việt Nam so với Mỹ. Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong cấu trúc thượng tầng kinh tế của Việt Nam và quan hệ Việt – Mỹ chỉ có thể được tăng cường nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt đến ngưỡng hoặc một cuộc xung đột vũ trang nổ ra.

Báo cáo khuyến nghị, Mỹ nên áp dụng cách tiếp cận đa phương để thu hút sự tham gia của giới lãnh đạo chính trị cũng như các chuyên gia kinh tế để mang lại sự thống nhất về cam kết đối với các ưu tiên và lợi ích của Mỹ. Báo cáo cũng gợi ý, Mỹ nên cung cấp các lựa chọn thay thế để đối trọng với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Cũng theo RAND, không quân Mỹ và không quân Việt Nam cần tăng cường và hợp tác phi quân sự. Với thực tế Việt Nam được thừa nhận là một quốc gia quan trọng đối với lợi ích của Mỹ trong kế hoạch hành động Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ buộc phải lôi kéo Việt Nam và làm cho họ nhận thức được lợi ích của Mỹ đối với triển vọng an ninh của Việt Nam. Trung Quốc cũng thận trọng vì cho rằng trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông, không nên làm trầm trọng thêm vấn đề bằng một cuộc xung đột trên biển.

Quyền tự chủ chiến lược mà Việt Nam duy trì sẽ giúp kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông và duy trì tinh thần tích cực của các cuộc đàm phán đa phương theo tiêu chuẩn ASEAN.

Bảo Trâm (Theo Modern Dipomacy)

Bài mới
Đọc nhiều