+
Aa
-
like
comment

“Mỏ vàng” có thể mang về cho Việt Nam 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm

Bảo Trâm - 16/10/2023 13:26

Hãng tin CNBC cho hay, MSC – tập đoàn vận tải lớn nhất thế giới – đang tích cực đầu tư xây dựng bến cảng tại các cảng biển ở Việt Nam – một trong những quốc gia đang là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp trong xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – Ảnh nguồn: Porcoast

MSC ‘nhắm’ siêu cảng Cần Giờ

Năm ngoái, MSC đã đề xuất đầu tư chuyển khu vực cảng biển từ Singapore – là cảng trung chuyển quốc tế – sang Việt Nam, mong muốn lựa chọn vị trí Cần Giờ, thuộc địa bàn TP. HCM, với mức đầu tư rất lớn. Thông tin này đã được bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết tại Hội thảo “Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam”, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức.

Sau khi hoàn thành, cảng Cần Giờ sẽ đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đồng thời giúp TP.HCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển.

Theo CNBC, các hãng vận tải biển sẽ không đầu tư xây dựng cảng nếu không nhận thấy tiềm năng phát triển. Dự án cảng Cần Giờ sẽ được thực hiện qua 7 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu vào năm 2024 và cảng sẽ đi vào hoạt động đầy đủ trong năm 2040.

Giám đốc điều hành Soren Toft của MSC nhấn mạnh: “Việt Nam là thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi. Rõ ràng Đông Nam Á đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng”.

MSC hiện là hãng vận tải đường biển chở hàng container lớn nhất thế giới. Ảnh: Marine Link

Tập đoàn MSC (Mediterranean Shipping Company S.A) là một hãng tàu quốc tế được thành lập bởi Gianluigi Aponte tại Ý vào năm 1970, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ từ năm 1978. Hiện, MSC vẫn thuộc sở hữu của gia đình Aponte.

Theo số liệu thống kê của Công ty phân tích vận tải biển Alphaliner, tính đến tháng 11 năm 2022, MSC vận hành đội tàu gồm 712 con tàu, tổng khả năng vận chuyển lên đến 4,568,765 TEU và chiếm 17,4% thị phần trong thị trường vận tải container quốc tế. Hiện tại, đây là tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới.

Hàng năm, MSC ghé thăm 500 cảng trên hơn 230 tuyến thương mại ở 6 lục địa, chở khoảng 23 triệu TEU bằng đội tàu hiện đại, được trang bị các công nghệ xanh tân tiến nhất. Hãng có 675 văn phòng địa phương tại 155 quốc gia, với số lượng nhân sự lên đến 150.000 người.

Gianluigi Aponte – chủ tịch của MSC – từng là một thuyền trưởng. Theo dữ liệu của Forbes, tính đến ngày 18/4/2022, tổng tài sản của vị Chủ tịch MSC ước tính khoảng 17,3 tỷ USD, là người giàu thứ 102 trên thế giới.

Nhiều nhà đầu tư cảng biển lớn tìm đến Việt Nam

Không chỉ MSC, nhiều nhà đầu tư cảng biển khác cũng tìm đến Việt Nam. Tờ Financial Times cho biết, các tập đoàn vận tải và hậu cần lớn nhất thế giới đang trong cuộc chạy đua ngày càng quyết liệt nhằm tìm mua các cơ sở kho vận tại châu Á, từ đó giúp khách hàng của họ mở rộng chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc.

Các doanh nghiệp, như hãng vận tải container Hapag-Lloyd (Đức) và AP Møller-Maersk (Đan Mạch), đã bắt đầu đầu tư vào cảng biển, nhà kho và các cơ sở hạ tầng hậu cần khác. Những cơ sở này hỗ trợ việc phát triển chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp giữa các quốc gia Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia.

Cảng Cái Mép

Năm ngoái, tập đoàn Maersk đã hoàn tất việc mua lại LF Logistics – công ty hậu cần tại Hồng Kông (Trung Quốc) sở hữu 198 kho hàng trên khắp châu Á – với giá 3,6 tỷ USD. Trong năm nay, tập đoàn Đan Mạch này tiếp tục đặt kế hoạch hợp tác với Tập đoàn Hateco của Việt Nam để phát triển hai bến tàu mới tại cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng.

Trong khi đó, theo thống kê của Cục Hàng Hải Việt Nam, có thể kể thêm một số nhà đầu tư khác chuyên về khai thác cảng đang có mặt tại Việt Nam, bao gồm Tập đoàn PSA (Singapore) đang đầu tư, khai thác bến cảng SP-PSA; Tập đoàn APMT (Đan Mạch) đang đầu tư, khai thác Cảng CMIT; Tập đoàn Hutchison Port Holding (Hồng Kông, Trung Quốc) đang đầu tư bến cảng SITV. Tất cả các bến cảng kể trên đều nằm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, các hãng tàu lớn cũng tham gia đầu tư, khai thác nhiều bến cảng. Ví dụ: hãng Mitsui O.S.K line (Nhật Bản), Wanhai Lines (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư, khai thác cảng container quốc tế Tân Cảng – Cái Mép. Hay như hãng tàu MOL, NYK đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)…

‘Mỏ vàng’ của Việt Nam

Tạp chí hàng hải Lloyd’s List (Anh) từng nhận định, Việt Nam có thể phát triển cảng biển TP.HCM để bước chân vào chuỗi cung ứng chiến lược. Hiện tại, kỳ vọng lớn đang đặt vào dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Ngày 23/8 năm nay, UBND TP.HCM đã chính thức có tờ trình gửi tới Thủ tướng Chính phủ về Đề án nghiên cứu Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với tổng mức đầu tư là 129.000 tỷ đồng (tương đương gần 5,5 tỷ USD).

Theo tờ trình, cảng Cần Giờ dự kiến được xây dựng tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thanh An, huyện Cần Giờ, với tổng diện tích 571 ha, tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7km, bến sà lan khoảng 2km.

Cảng Cần Giờ hội tụ đủ các yếu tố để trở thành điểm đến mang tầm khu vực. Ảnh: Portcoast

Sau khi hoàn thành, “siêu cảng” này có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEU), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 – 65.000 tấn và sà lan tải trọng 8.000 tấn.

Đề cập tới sự tham gia đầu tư của MSC, UBND.TPHCM cho biết: “Khi có hãng tàu lớn như MSC tham gia, sẽ bảo đảm hàng hóa cho cảng với nguồn hàng hiện có của hãng tàu, là thời cơ thuận lợi để hình thành và phát triển hiệu quả cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Việc có nhà đầu tư là hãng tàu lớn nhất thế giới quan tâm hợp tác đầu tư chứng tỏ tính hấp dẫn của vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”.

Đáng chú ý, theo bản báo cáo đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gửi UBND TP.HCM trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM ước tính rằng, đóng góp của cảng Cần Giờ vào ngân sách có thể lên tới 34.000-40.000 tỷ đồng/năm, thông qua việc thu thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa.

Như vậy, Việt Nam nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn từ ‘siêu cảng’ này.

Bên cạnh đó, cảng Cần Giờ cũng sẽ tạo ra 6.000-8.000 việc làm cho nhân viên, lao động làm việc tại cảng và hàng chục nghìn lao động khác làm dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan.

Hãng tin Sputnik (Nga) nhận định, nhờ hội tụ đủ các yếu tố để trở thành điểm đến mang tầm khu vực và là động lực phát triển của cả vùng Đông Nam bộ, siêu cảng Cần Giờ được ví như “mỏ vàng” để TP.HCM cạnh tranh với Singapore.

Cảng Cần Giờ dự kiến sẽ có khả năng bốc xếp 10-15 triệu TEU một năm và trở thành siêu cảng thứ tư ở Đông Nam Á, sau Singapore (sản lượng 37,47 triệu TEU) cùng hai cảng của Malaysia là Port Klang (13,72 triệu TEU) và Tanjung Pelepas (11,20 triệu TEU).

Các chuyên gia đánh giá, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hình thành được kỳ vọng giúp TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á, đưa Việt Nam đến vị trí hàng đầu về vận tải biển.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều