+
Aa
-
like
comment

Mô phỏng cuộc chiến Mỹ – Iran: Mỹ bất ngờ thua đau, tại sao ?

Cánh Én - 11/01/2020 10:24

Tướng Paul Van Riper, người “trưởng thành” ở chiến trường Việt Nam đã đóng vai chỉ huy trưởng của “Iran” trong cuộc tập trận của Mỹ diễn ra vào năm 2002.

Southfront: "Tướng Iran" trưởng thành từ Chiến tranh Việt Nam đã "quật ngã" cuộc xâm lược của Mỹ như thế nào?

Ngày 9/1/2020, tờ Southfront xuất bản bài viết United States War With Iran Simulated (tạm dịch: Mô phỏng cuộc chiến giữa Mỹ và Iran).

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn tương đối khách quan về một giả định xung đột quân sự của cả Mỹ và Iran cũng như hệ lụy của nó đối với Trung Đông trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Lầu Năm Góc: Mỹ sẽ thua trong cuộc chiến với Iran

Ngày 8/1/2020, sau khi Iran khai hỏa tên lửa vào các căn cứ Mỹ ở Iraq, trong bối cảnh cả hai nước đang trên bờ vực chiến tranh, nhiều người cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “bước thêm một bước” bằng phản ứng quân sự.

Tuy nhiên, họ đã quên rằng vào năm 2002, Lầu Năm Góc đã vận hành một “mô phỏng” lớn trong bối cảnh chiến tranh nổ ra giữa Iran và Mỹ. Và kết quả thật đáng ngạc nhiên, Mỹ đã “thua đau”.

“Thử thách thiên niên kỷ 2002” là một cuộc tập trận tiêu tốn 235 triệu USD và có sự tham gia của của tất cả các thành phần trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.

Southfront: Tướng Iran trưởng thành từ Chiến tranh Việt Nam đã quật ngã cuộc xâm lược của Mỹ như thế nào? - Ảnh 1.
Các đơn vị Quân Đỏ và Quân Xanh của Mỹ trong cuộc tập trận “Thử thách thiên niên kỷ 2002”.

Với hơn 13.500 nhân sự tham gia vào cuộc tập trận, đây là mô phỏng thực tế nhất về cuộc chiến với Iran tại thời điểm đó.

Diễn ra gần như ngay sau cuộc xâm lược Afghanistan (Chiến dịch tự do bền vững) và Iraq (Chiến dịch Tự do Iraq), rõ ràng Lầu Năm Góc muốn sử dụng cuộc tập trận nhằm lên kế hoạch tiến hành chiến tranh chống lại một đối thủ ở Trung Đông.

“Quân Xanh” trong cuộc tập trận mà người Mỹ gọi là OPFOR (lực lượng đối phương) đã được mô phỏng theo một quốc gia thực tế là Iran.

Người được chọn là chỉ huy để phát triển chiến thuật của OPFOR trong trận chiến là Cựu Trung tướng Thủy quân lục chiến Paul Van Riper.

Southfront: Tướng Iran trưởng thành từ Chiến tranh Việt Nam đã quật ngã cuộc xâm lược của Mỹ như thế nào? - Ảnh 2.
Tướng Paul Van Riper trong Chiến tranh Việt Nam và thời điểm ông “chỉ huy” OPFOR trong cuộc tập trận “Thử thách thiên niên kỷ 2002”.

Với kinh nghiệm từ CTVN, “Tổng chỉ huy Iran” đã đánh bại cuộc đổ bộ của người Mỹ?

Tướng Van Riper là một cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam, người nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong suốt 41 năm phục vụ. Vào thời điểm cuộc tập trận được chuẩn bị, ông đang cộng tác với Bộ Tư lệnh Phát triển Chiến đấu của Thủy quân lục chiến.

Ông đã tiến hành làm những việc mà các lãnh đạo trong BQP Mỹ nghĩ là không thể, đó là “đánh bại” quân Mỹ trong các cuộc tập trận với lực lượng thua kém về công nghệ nhưng có tinh thần chiến đấu và khả năng thích ứng cao.

Van Riper biết rằng có lẽ lợi thế lớn nhất mà các Mỹ có là công nghệ cao trong chỉ huy, kiểm soát và giám sát chiến trường, nhưng đó cũng là một “gót chân Achilles”.

Sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ có thể bị khai thác. Van Riper cấm các thành viên OPFOR liên lạc qua vô tuyến và dựa vào việc truyền tin bằng các phương tiện giao thông và người đi xe máy.

Ông cũng đã tiến hành giao tiếp bằng các “thông điệp mã hóa” trong những lời kêu gọi cầu nguyện của người Hồi giáo được phát trên loa suốt ngày. Kết quả là Quân Đỏ đã có rất ít thông tin về những gì Quân Xanh đã lên kế hoạch trước, trong và sau cuộc đổ bộ mô phỏng.

Một sĩ quan hành quân của Mỹ và một bản đồ mô tả hướng tấn công của lực lượng đổ bộ trong cuộc tập trận “Thử thách thiên niên kỷ 2002”.

Ngay khi Quân Đỏ triển khai trong phạm vi cho phép “Iran” tấn công, Tướng Van Riper đã ra lệnh “nổ súng”. Lực lượng OPFOR đã hủy diệt cuộc đổ bộ của hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ trong vòng 15 phút.

19 tàu chiến, bao gồm một tàu sân bay và 5 tàu ​​đổ bộ đã bị đánh chìm, và ước tính 20.000 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến đã bị thương vong.

Quân Xanh đã xây dựng một “lưới lửa” bằng hàng trăm tên lửa bờ, rocket và những chiếc cano đánh bom tự sát để đánh bại một nhóm tác chiến tàu sân bay kết hợp với một nhóm tàu đổ bộ.

Những người giám sát cuộc tập trận đã quyết định bỏ qua thất bại mà đáng lẽ là một “bài học”, họ quyết định “hạn chế” Tướng Van Riper, không cho phép OPFOR linh hoạt trong việc phòng thủ.

Nói cách khác, Quân Xanh không được phép phản ứng lại cuộc nhảy dù của Sư đoàn Dù 82 bằng “vũ khí hóa học” theo kịch bản tập trận. OPFOR không được phép “ngoan cường chiến đấu” trong các vị trí phòng thủ của họ.

Ngoài ra, Quân Xanh phải “để lộ” các hệ thống phòng không để trở thành mục tiêu dễ dàng cho Quân Đỏ. Trên hết, Quân Đỏ cũng có thể “sử dụng” các công nghệ mới và chưa thực sự hoạt động vào thời điểm đó.

Ngay cả với “năng lực vượt trội” giả tạo nói trên, kết quả vẫn không như Lầu Năm Góc hy vọng. Mặc dù cuộc xâm lược của Mỹ đã dẫn đến sự thất bại của lực lượng phòng thủ “Iran”, nhưng nó không dẫn đến sự sụp đổ mà là một cuộc chiến tranh du kích.

Van Riper rõ ràng đã thu thập được rất nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam và trong các cuộc chiến ở Trung Đông. Ông biết rằng lợi thế công nghệ không bao giờ có thể “đè bẹp” được một đối phương thông minh, tàn nhẫn và có tinh thần chiến đấu.

Southfront: Tướng Iran trưởng thành từ Chiến tranh Việt Nam đã quật ngã cuộc xâm lược của Mỹ như thế nào? - Ảnh 5.
“Thất bại” của lực lượng Mỹ trong “Thử thách thiên niên kỷ 2002” đã là đề tài của nhiều bài báo đả kích sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ.

Xung đột quân sự Mỹ-Iran sẽ diễn ra như thế nào?

Kết quả của “Thử thách Thiên niên kỷ 2002” đã khiến giới lãnh đạo quân sự Mỹ học được một bài bài học vào thời điểm đó là nên tránh xa Iran.

Có vẻ sau 18 năm kể từ sau cuộc tập trận, Tổng thống Trump và các cố vấn của ông cũng đã rút ra bài học từ cuộc tập trận. Có vẻ như chiến tranh toàn diện sẽ không diễn ra nhưng cách thức tiến hành xung đột những năm 2020 sẽ rất khác so với cuộc tập trận đổ bộ những năm 2000.

Học thuyết quân sự hiện tại của Mỹ giao “chiến tuyến” cho lực lượng đặc biệt được cơ động nhanh, các hệ thống không người lái – robot, cũng như các cuộc “phủ đầu” lớn bằng vũ khí có độ chính xác cao, chiến tranh điện tử và chiến tranh thông tin.

Do đó, kịch bản của một cuộc xung đột Mỹ-Iran có thể sẽ khác với kịch bản năm 2002. Các hoạt động đổ bộ quy mô lớn sẽ không diễn ra và mục tiêu chính của quân đội Mỹ sẽ là cơ sở hạ tầng và các cá nhân lãnh đạo chính trị và quân sự của Iran.

Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran sẽ không phải là một cuộc “dạo chơi”. Iran phản ứng lại bằng các chiến thuật “bất đối xứng” và theo cách mà các căn cứ quân sự Mỹ có thể không dự đoán được.

“Bài học” do Tướng Van Riper dạy có thể sẽ được các “cái đầu nóng” ở Washington học lại trong nỗi cay đắng và ê chề.

Đồ họa của Southfront minh họa cho bài viết.

(Theo Southfront)

Bài mới
Đọc nhiều