Mô hình kinh tế hiện đại đã thất bại như thế nào?
Đại dịch COVID-19 làm bộc lộ nhiều thứ, trong đó rõ nét nhất là sự thất bại của mô hình kinh tế mà nhiều nước đang theo đuổi.
Đó là một mô hình quá chú trọng đến lợi nhuận, hay nói đúng hơn, đến gia tăng giá trị cho cổ đông thông qua công cụ tài chính mà bỏ quên các hoạt động sản xuất cơ bản và bỏ quên công nhân.
Lao động thiết yếu chăm sóc xã hội và sự lãng quên có hệ thống
Trong cuộc sống giãn cách xã hội, người ta chợt nhận ra có những người làm những nghề không thể thiếu, nay gọi là hoạt động kinh tế thiết yếu. Đó có thể là người bán hàng ở siêu thị, người lấy rác, công nhân lo chuyện điện nước, lái xe, giao hàng, nhân viên y tế…
Khó có ai yên tâm tự cách ly ở nhà nếu không có những người duy trì hoạt động của siêu thị và đội ngũ giao hàng tận nhà. Trước đây và bây giờ cũng vậy, họ là những người được trả lương thấp, không bằng một góc những loại hình công việc văn phòng khác.
Mô hình kinh tế hiện nay phân phối thu nhập không đồng đều: rất thấp cho lãnh vực nông nghiệp và các hoạt động sản xuất trực tiếp; rất cao cho những công việc ở chuỗi giá trị bên trên, dù không tạo ra giá trị thực tế.
Nói cách khác, cách biệt giữa giá trị xã hội rất lớn của các hoạt động “thiết yếu” so với giá trị thị trường rất nhỏ của chúng là một khoảng cách mênh mông. Vì thế hiện nay chúng ta cứ đọc những tin như cam chín không có người hái, nông sản không người thu hoạch, sữa phải đổ xuống cống – một phần do chuỗi cung ứng, vận chuyển, tiêu thụ bị đứt quãng nhưng lý do chính là vì công nhân nhập cư, những người chịu làm các “hoạt động thiết yếu” để nhận đồng tiền công thấp, đã không thể quay về tiếp tục bán sức lao động.
Hãy nhìn vào Singapore với thu nhập bình quân đầu người vào loại cao nhất thế giới, đất nước này vẫn có hàng trăm ngàn công nhân nhập cư, sống trong điều kiện tồi tệ, nhận đồng lương thấp, làm những loại công việc người Singapore chê không làm. Mô hình kinh tế hiện nay tạo điều kiện cho ra đời tầng lớp lao động chẳng khác gì lao động nô lệ ngày xưa, chỉ khác ở chỗ “lao động thiết yếu” tranh nhau tự nguyện bán sức lao động giá rẻ.
Điều làm nhiều người ở châu Âu và Mỹ bất bình là bởi “lao động thiết yếu” tiếp tục đi làm, chịu nhiều rủi ro mà vẫn nhận lương thấp, trong khi lao động không thiết yếu vẫn nhận đủ lương khi làm việc từ nhà hoặc nếu thất nghiệp thì trợ cấp mất việc cũng cao hơn lương theo giờ của “lao động thiết yếu”. Người bán hàng, người giao hàng còn khiến người thân cùng nhà cũng phơi nhiễm rủi ro cùng họ khi phải ra bên ngoài và tiếp xúc nhiều.
Quá phụ thuộc vào một số “công xưởng” của thế giới
Dịch bệnh cho thấy các nước phương Tây đã buông các hoạt động sản xuất cho các nước đang phát triển, để rồi nay lúng túng tìm cách sản xuất thay thế khi nguồn cung ứng hàng bị ngắt quãng. Từ các vật dụng rất thông thường như khẩu trang y tế, các loại quần áo bảo hộ đến máy thở, thuốc men… các nước từng phó mặc cho Trung Quốc bởi họ xem giá trị tăng thêm của các hoạt động này là không đáng kể.
Bản thân việc sản xuất một loại thuốc nào đó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá thành sau cùng của nó; phần các nước phương Tây giành lấy là phân phối, tiếp thị, đưa vào bệnh viện, định giá cao. Nay thuốc không có trong tay lấy gì thu lợi nhuận từ các hoạt động khác?
Mô hình sản xuất như thế là dựa vào mô hình giao thương dựa trên lý thuyết lợi thế cạnh tranh của nhà kinh tế học người Anh David Ricardo vào thế kỷ 19. Ông cho rằng các nước chỉ nên tập trung sản xuất các loại hàng hóa họ có lợi thế so sánh; chẳng hạn, thợ may Mỹ có năng suất gấp đôi thợ may Việt Nam nhưng những người thợ này đưa sang huấn luyện để lắp ráp ôtô thì còn tạo ra năng suất gấp 10 lần.
Thế là Mỹ nên để Việt Nam may mặc, còn họ lắp ráp ôtô, tiến lên một nấc là chuyển qua lắp ráp robot hay máy móc tinh vi khác để hưởng lợi thế so sánh đó. Tất cả quá trình xác định lợi thế so sánh này rồi phân công vai trò trong các khâu sản xuất, định giá từng khâu là do thị trường cung cầu quyết định, nhà nước rất ít can thiệp.
Hậu quả là giới chủ ngày thêm giàu nhờ chiếm phần trị giá gia tăng cao; công nhân ngày càng vất vả nhưng thu nhập giữ nguyên trong mấy chục năm qua. Đến khi có dịch bệnh, dây chuyền cung ứng cho kiểu sản xuất theo lợi thế cạnh tranh bị tắc nghẽn, các nước từng từ bỏ các loại công việc có lợi thế cạnh tranh thấp nay cũng không thể xoay xở kịp để sản xuất các vật dụng thông thường như trang thiết bị y tế.
Tài chính ăn hết lợi nhuận
Mô hình kinh tế hiện nay chú trọng vào tìm kiếm cơ hội, luôn coi trọng nâng cao giá trị cho cổ đông, bỏ qua rủi ro. Mặt khác, hai mảng Main Street (sản xuất thật) và Wall Street (kinh doanh tài chính) ngày càng tách biệt nhau, cái sau chỉ dựa vào kết quả của cái trước để đánh cược nên thường khuếch đại kết quả của cái trước lên bội lần.
Câu chuyện giá dầu là một ví dụ điển hình. Giá dầu vừa qua dù sụt giảm nhưng thực tế không đến mức âm gần 40 đôla/thùng, bởi chi phí trữ dầu vào thời điểm diễn ra mức giá âm kỷ lục vào tuần trước cũng chỉ vài ba đôla/thùng.
Mức giá méo mó đó là do những tay tài chính đánh cược lên giá dầu bị thua và bị đẩy vào chỗ phải chấp nhận mức thua cao hơn thực tế nhiều lần. Ở các lĩnh vực khác cũng vậy, bán lẻ giảm chừng 8% thì giá cổ phiếu của các công ty liên quan đến bán lẻ có thể sụt 30-40%.
Tài chính, nguyên thủy là công cụ giúp doanh nghiệp hoạt động trôi chảy, giờ trở thành mục tiêu tối hậu. Cổ đông, giới đầu tư tài chính, các CEO được liên tục cổ xúy để nâng giá trị thị trường của doanh nghiệp bất kể giá trị sổ sách.
Lấy ví dụ giữa năm 2018, giá trị sổ sách của Microsoft chỉ là 82 tỉ đôla trong khi giá trị của nó trên thị trường chứng khoán lên đến 768 tỉ đôla, gấp hơn 9 lần giá trị thật! Cuộc khủng hoảng 2008 tưởng sẽ xóa bớt cách biệt này nhưng do chính phủ các nước liên tục tung tiền giá rẻ ra giải cứu, giá cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng như cũ và toàn thế giới gánh những khoản nợ khổng lồ. Tổng nợ của thế giới tăng từ mức 97.000 tỉ đôla năm 2007 lên 169.000 tỉ đôla năm 2017.
Động lực lớn nhất của dòng chảy tài chính là lợi nhuận. Chính vì thế tiền rót vào như nước cho các startup thua lỗ triền miên chỉ vì kỳ vọng giá trị cổ phiếu sẽ tăng vọt. Tiền nghiên cứu và phát triển chảy vào các món thời thượng như điện thoại gập, xe không người lái, hệ thống trí tuệ nhân tạo, phát triển tiền ảo… trong khi các món không có tiềm năng đem lại lợi nhuận như vaccine cho bệnh SARS hay bệnh MERS, các xét nghiệm với độ chính xác cao, hệ thống y tế dự phòng… không ai màng đến.
Xác định một mô hình khác
Chắc chắn sẽ không có chuyện từ nay nước nào tự lo sản xuất đủ mọi mặt hàng tiêu dùng của nước đó. Toàn cầu hóa đã ăn sâu vào cách tổ chức sản xuất kinh doanh, nên khó lòng rút ra trở về thời tự cung tự cấp. Nhưng cũng chắc chắn họ sẽ tổ chức lại các chuỗi cung ứng để không phụ thuộc quá nhiều vào một nước duy nhất, như với Trung Quốc trong phần lớn trường hợp.
Các hiệp định thương mại tự do khu vực nay sẽ phát huy tác dụng; việc phân bổ lại vai trò sản xuất giữa các nước có mối dây liên kết sẽ được triển khai nhanh chóng.
Dù muốn dù không, các nước cũng phải tính đến phương án dự phòng như tổ chức kho dự trữ quốc gia các mặt hàng thiết yếu hay tự sản xuất một phần. Các loại thuốc chữa bệnh là ưu tiên hàng đầu vì Mỹ sẽ không thể nào yên tâm khi đến 80% lượng dược phẩm, 90% kháng sinh tiêu thụ trên nước Mỹ do Trung Quốc sản xuất.
Tất cả sẽ phải để lên bàn cân để tính toán, trong đó bên cạnh các yếu tố lợi nhuận sẽ phải bổ sung yếu tố rủi ro. Những lập luận kiểu như thâm hụt mậu dịch không quan trọng sẽ phải nhường chỗ cho việc cân nhắc xem mình có món gì quan trọng mà đối tác cần để làm đòn bẩy thương thảo mua hàng thiết yếu.
Các chuỗi cung ứng sẽ được thiết kế lại để đơn giản hơn so với trước. Những khái niệm như sản xuất tinh gọn, hàng tồn kho đủ dùng (just-in-time) sẽ giảm bớt tầm quan trọng khi các nước nhấn mạnh đến yếu tố phòng ngừa rủi ro. Các nước sẽ áp dụng một chính sách tạm gọi là bảo hộ chiến lược để duy trì an toàn về nhiều lãnh vực.
Tuy nhiên, nếu không có những chính sách đồng bộ, doanh nghiệp, vì động cơ lợi nhuận, sẽ đi theo con đường cũ bởi con đường mới sẽ khó khăn, giảm lợi nhuận, tăng phúc lợi cho công nhân hơn so với trước.
Chẳng hạn sẽ không có doanh nghiệp nào có động cơ tích trữ thuốc men, trang thiết bị y tế cho một đại dịch khác vì không có lợi cho họ – chính phủ phải đảm đương chuyện đó hoặc có chính sách thích hợp. Chính sách đó phải mang tính “tạo ra thịnh vượng cho mọi người”, chứ không phải “vắt kiệt thịnh vượng ở nơi đâu dễ vắt nhất”. ■
Mức độ méo mó của thị trường tài chính rõ nhất là khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào chỗ đông cứng do dịch bệnh mà giá cổ phiếu vẫn tăng; có lúc được báo chí lý giải vì có tin tìm ra thuốc này thuốc nọ. Trên thực tế, đây chỉ là cách mà giới tài chính đánh cược họ sẽ nhận được phần lớn các gói giải cứu mà nhiều nước tung ra.
Thư Kỳ/TTO