Mô hình kiến tạo
Trong bối cảnh Đại hội XIII, Trung ương đã có Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy của Hệ thống chính trị. Mô hình giả định về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 không nằm ngoài những vấn đề lớn chuẩn bị phục vụ Đại hội XIII.
Các bộ và cơ quan ngang bộ (sau đây viết tắt là bộ) đều được thiết kế là những cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành (trước Đổi mới), rồi đa ngành (từ Đổi mới đến nay). Với thiết kế đó, cơ cấu Chính phủ có thời kỳ đã gồm trên dưới 40 bộ chuyên ngành, và cách đây 15 năm, còn 20 bộ đa ngành. Đây là một thành tựu lớn của cải cách.
Tuy nhiên, xã hội đang kỳ vọng những thành tựu lớn hơn. Kỳ vọng này phù hợp với Nghị quyết trung ương 18, phù hợp với nhiều ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng gần đây về Chính phủ kiến tạo, về đổi tên Bộ Kế hoạch-Đầu tư thành Bộ Kinh tế và Chiến lược, hoặc Ủy ban Cải cách và Đổi mới, về đổi tên Bộ Thông tin-Truyền thông thành Bộ Thông tin và Kinh tế số.
Ý Đảng, lòng dân và gợi mở của Thủ tướng đều có chung một mẫu số, đó là Chính phủ và các bộ không chỉ là những cơ quan quản lý ngành hoặc đa ngành như đã có từ trước đến nay mà phải là những cơ quan kiến tạo, chiến lược, cải cách, đổi mới, kinh tế, kinh tế số…
Mẫu số này có nguồn gốc sâu xa từ năm 1986 khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng với chủ trương chuyển nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước và sau đó là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ 40 bộ chuyên ngành, nay còn 20 bộ đa ngành. Kết quả cải cách bộ máy Chính phủ trong vài ba thập kỷ qua tuy có nhiều thành tựu nhưng không vượt qua được tính chất của những cuộc lồng ghép, sáp nhập. Thậm chí tên của bộ mới thường phải mang tên vài ba bộ ngành cũ (như: Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Công-Thương, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch…), chỉ vài ba bộ bị bỏ tên (như: Lâm nghiệp, Thủy lợi, Vật giá…).
Số bộ cũ tuy được giảm, nhưng phần lớn lại được duy trì dưới hình thức tổng cục tại bộ mới mà người đứng đầu thường là thứ trưởng hoặc hàm thứ trưởng. Chưa bao giờ trong Chính phủ, cấp phó (từ phó phòng trở lên) lại đông đảo như hiện nay, tổng biên chế đã phình ra không ngăn lại được.
Cải cách bộ máy của Chính phủ đã ảnh hưởng quyết định đến cải cách bộ máy chính quyền các cấp ở địa phương. Trung ương có bộ ban ngành nào thì cấp tỉnh đều có sở ban ngành làm chân rết cho cơ quan trung; cấp huyện đều có phòng ban ngành làm chân rết cho cơ quan tỉnh; cấp xã đều có ban ngành làm chân rết cho cơ quan huyện với biên chế mà đông đảo là những người không chuyên trách, chỉ hưởng phụ cấp, thiếu chuyên nghiệp.
Bộ máy hành chính với cơ quan cao nhất là Chính phủ được tổ chức theo mô hình chân rết như vậy nhưng vẫn “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe”. Hiệu quả, hiệu lực hoạt động của toàn hệ thống luôn ở mức thấp hơn kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhân dân.
Nếu chỉ là sáp nhập một số bộ chuyển một số ngành từ bộ này sang bộ khác,…thì cơ cấu đó không đủ sức để cải cách hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương tới cấp xã.
Bộ quản lý ngành, tỉnh quản lý ngành, huyện quản lý ngành, xã quản lý ngành, đó là mô hình của hệ thống hành chính đã có từ thập niên 70 thế kỷ trước. Mô hình hành chính này không chỉ cũ mà còn đẻ ra những phái sinh đứng trên cả thể chế, đó là làm cấp trên trực tiếp và nhiều tầng cấp trên gián tiếp đối với doanh nghiệp, mà hệ thống lập pháp, tư pháp dẹp mãi vẫn chưa xong cho tới nay.
Khung độ cải cách cơ cấu Chính phủ trong nhiệm kỳ tới đây không phải là một cải cách ở hạn độ 5 năm, mà phải là 20 năm để đáp ứng được sự vận hành của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.
TS. Đinh Đức Sinh