+
Aa
-
like
comment

Mô hình giáo dục “trong mơ” của học sinh Việt Nam

Huy Hoàng - 21/03/2022 07:19

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, Phần Lan từ lâu đã nổi tiếng nhờ cách giáo dục “không giống ai”: Có rất rất ít các bài thi, kiểm tra. Trong suốt 12 năm học, tất cả học sinh Phần Lan chỉ có một kỳ thi bắt buộc, đó là Bài Thi Đại Học Quốc Gia (National Matriculation Examination). Một chế độ thi cử “trong mơ” với nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam. 

Phần Lan từ lâu đã nổi tiếng nhờ cách giáo dục “không giống ai”.

Vì sao thi cử lại không được xem trọng ở Phần Lan trong khi đó là “thước đo căn bản” của cả thế giới?

Nếu giống với thế giới, Phần Lan đã không thành công được như ngày hôm nay. Cũng chính vì sự “kỳ lạ” trên mà chất lượng giáo dục Phần Lan đã đi từ con số 0 vươn lên xếp trên cả các nước phương Tây và chỉ có một vài nước châu Á mới đạt được thành tích tương tự.

Vào đầu những năm 1970, Phần Lan có một hệ thống giáo dục bị xuống cấp trầm trọng. Thứ duy nhất nuôi sống nền kinh tế Phần Lan khi đó là lâm nghiệp. Người dân dựa vào một sản phẩm duy nhất là gỗ và cứ thế, họ chặt cây với tốc độ chóng mặt. Song, chính phủ Phần Lan cũng hiểu rằng chặt gỗ chẳng thể đưa họ đi tới đâu…

Những năm 1970, thứ duy nhất nuôi sống nền kinh tế Phần Lan là sản xuất gỗ.

Chính phủ Phần Lan đã tiến hành chính sách tuyển chọn và đào tạo những giáo viên tương lai của họ. Yêu cầu quan trọng nhất được đặt ra là tất cả giáo viên được chọn đều phải có bằng Thạc sĩ và phải được đào tạo trong cùng một chương trình giáo dục chất lượng cao.

Tất cả giáo viên phải có bằng thạc sĩ mới được đứng lớp giảng dạy. Với cấp tiểu học (lớp 1-6), giáo viên phải có bằng thạc sĩ giáo dục trở lên. Ở cấp trung học cơ sở (lớp 7-9), ngoài bằng thạc sĩ giáo dục, giáo viên phải còn phải có bằng thạc sĩ chuyên ngành mà họ giảng dạy. Các chương trình giảng dạy đều rất khó, trường đào tạo giáo viên cũng rất kén thí sinh. Hằng năm, chỉ có khoảng 10% thí sinh thi đậu vào khoa sư phạm của các trường đại học Phần Lan.

Tất cả giáo viên Phần Lan phải có bằng thạc sĩ mới được đứng lớp giảng dạy.

Chất lượng tay nghề giáo viên Phần Lan không chỉ là chuyên môn, mà nó còn bao hàm cả kiến thức về xã hội, tâm lý và rất nhiều lĩnh vực khác. Chính vì vậy, không phải ai cũng đủ khả năng để dấn thân vào ngành sư phạm ở quốc gia này. 10% là con số cực kỳ ít ỏi.

Đến năm 1998, Luật Giáo dục Phần Lan tiếp tục cải cách, thông qua quyết định cho phép các trường đặt học sinh vào trung tâm, việc giảng dạy hướng đến mục tiêu giúp các em học cách chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình. Hướng việc giảng dạy chủ tâm vào việc “đào tạo con người” thay vì “học để thi”.

Phần Lan cũng định nghĩa lại những gì cần phải học. Đó không phải là chương trình dựa trên việc học thuộc lòng, mà phải dựa trên sự suy nghĩ và tư duy. Bên cạnh phổ cập kiến thức khoa học tự nhiên, trẻ em Phần Lan cũng được tiếp nhận thêm kiến thức xã hội, văn hóa, nhận thức. Điều đó không chỉ giúp các học sinh có được kiến thức phổ thông trong suốt quá trình học mà còn trở thành một công dân có trách nhiệm cao cho đất nước.

Các học sinh Phần Lan không chỉ học kiến thức phổ thông mà còn trở thành một công dân có trách nhiệm cao cho đất nước.

Nhờ có nguồn giáo viên giỏi mà Phần Lan cũng có cơ sở để hiện thực hóa chính sách trên. Các giáo viên được phép lên giáo trình giảng dạy của riêng mình, thay vì phải tuân theo giáo trình từ nhà trường. Việc đánh giá cũng do giáo viên phụ trách thay vì bị kiểm soát theo một quy tắc chung. Những kiến thức học được sẽ được đánh giá qua thực tế, và chỉ những giáo viên thực sự giỏi mới đủ năng lực đánh giá được điều đó. Chính cột mốc này dần khiến cho bài thi trở nên vô nghĩa. Nhờ việc cá nhân hóa, hướng tới từng học sinh, bài thi vốn mang tính chất đánh giá chung chung trở nên “không còn cần thiết” trong nền giáo dục Phần Lan.

Lợi ích của việc này chính là học sinh Phần Lan bớt đi gánh nặng thi cử. Học sinh sẽ không chỉ có kiến thức phổ thông mà thấu hiểu được chính bản thân mình, nhận thức và trách nhiệm xã hội cũng được nâng cao đáng kể trong suốt 12 năm học.

Nói cách khác, không phải là nền giáo dục Phần Lan xem các “bài thi” là vô nghĩa, mà là chính là lực lượng “giáo viên” quá tốt đã khiến việc thi cử nhiều trở nên “không cần thiết”.

Tuy nhiên, mô hình giáo dục thành công của Phần Lan không nghĩa là việc thi cử không có giá trị. Ở một số quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và cả Hàn Quốc, Nhật Bản… hệ thống giáo dục vẫn đặt nặng vấn đề thi cử.

Có thể nói, thi cử là một hình thức “đãi cát tìm vàng”, sàng lọc từ số lượng đông đảo học sinh mỗi năm để tìm ra những cá nhân thật sự xuất sắc để trau đồi và phát huy năng lực trong công cuộc kiến thiết xã hội. Tuy nhiên, nó  không hướng tới việc tìm kiếm và khai thác tiềm năng tất cả con người.

Hệ quả tất yếu của nó là một tình trạng phân hóa giàu nghèo đã trở thành vấn nạn dai dẳng ở nhiều quốc gia châu Á. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đang “gồng gánh” nhiều nhất. Chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đánh giá, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, đang gây ảnh hưởng rất lớn tới đất nước cả về kinh tế lẫn chính trị. Có nhiều lý do khiến cho xã hội Trung Quốc bị phân hóa, nhưng nền giáo dục bất cập vẫn là một trong những nguyên nhân chính. Không thể có bình đẳng khi một bên được xã hội ưu ái, còn một bên là bơ vơ, không được định hướng một cách rõ ràng.

Có nhiều lý do khiến cho xã hội Trung Quốc bị phân hóa, nhưng nền giáo dục bất cập vẫn là một trong những nguyên nhân chính.

Tương tự, ở Việt Nam, sau 12 năm trên ghế nhà trường và qua các cuộc thi cử, một số ít tiềm năng sẽ đạt được những thành tích cao. Số còn lại, hoặc phó mặc tương lai cho “nghiệp gia đình” (chọn ngành học theo nghề nghiệp của người thân để dễ có việc làm sau khi ra trường) bất kể tố chất của bản thân, hoặc hoàn toàn lạc lõng. Một nghịch lý tồn tại là số ít các học sinh nổi bật thường tự mình bộc lộ định hướng nghề nghiệp từ rất sớm. Trong khi đó, số lượng đông đảo các học sinh bình thường hơn – người cần được định hướng nhất – lại không có ước mơ và lý tưởng rõ ràng. Đó là lý do hằng năm, cứ đến mùa thi cử là câu hỏi “Học đại học có quan trọng không?” lại ồn ào trên khắp các mạng xã hội. Các bài thi đã gạn lọc được những nhân tài kiệt xuất cho đất nước, nhưng lại không giúp ích được nhiều một bộ phận lớn “những người bình thường”.

Các bài thi đã gạn lọc được những nhân tài kiệt xuất cho đất nước, nhưng lại không giúp ích được nhiều một bộ phận lớn “những người bình thường”.

Dĩ nhiên, không có bất kỳ một mô hình nào, ở bất kỳ quốc gia nào, có để được tùy tiện bắt chước một cách máy móc mà không nhìn vào thực tế tình hình xã hội. Đặc biệt là khi Phần Lan khác biệt rất lớn so với các quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ… nhất là về dân số. Phần Lan chỉ có vỏn vẹn 5,5 triệu dân, thấp hơn nhiều so với quy mô 100 triệu người của Việt Nam. Cho nên, dù có muốn học hỏi, đó cũng là việc không thể làm trong một sớm một chiều. Song chúng ta cũng không thể phủ nhận những nguy cơ đối với xã hội, chính trị, kinh tế từ một hệ thống giáo dục chưa bám sát vào việc “đào tạo con người”. Mà thực tế, nhưng tác động tiêu cực đó đang ngày càng hiện rõ ở các quốc gia láng giềng của Việt Nam.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều