+
Aa
-
like
comment

Mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM

18/11/2020 09:52

Ba thành phố lớn ở ba miền sẽ xây dựng chính quyền đô thị từ tháng 7/2021 nhằm tinh gọn bộ máy và giải quyết nhanh chóng các vấn đề của người dân.

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua nghị quyết xây dựng chính quyền đô thị ở TP HCM. Trước đó, tháng 11/2019 và tháng 6/2020, Quốc hội cũng đã lần lượt thông qua hai nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và TP Đà Nẵng.

Nếu Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện thí điểm, TP HCM lại được bắt tay ngay vào xây dựng mô hình chính quyền đô thị không qua thí điểm. Lý do của việc này chủ yếu do trước đây chưa đủ cơ sở pháp lý nên phải thí điểm, còn đến nay quy định hiện hành đã cho phép.

Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, mô hình chính quyền đô thị ở cả ba thành phố có điểm chung là tinh gọn bộ máy, không tổ chức Hội đồng nhân dân một số cấp nhằm mục đích tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của đô thị.

“Trước đây TP HCM có hơn 6 năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên toàn địa bàn, cho thấy nhiều kết quả tích cực, như tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách… Đây cũng là nguyên nhân giúp thành phố không cần thí điểm”, ông Tuấn nói.

Đều là chính quyền đô thị, ba mô hình ở ba thành phố lại có những điểm khác nhau. Cụ thể, Hà Nội chỉ bỏ HĐND phường (các phường thuộc khu vực đô thị quận, thị xã); Đà Nẵng và TP HCM bỏ cả HĐND ở phường và quận. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình chính quyền hai cấp đô thị (thành phố, quận), còn TP HCM và Đà Nẵng là chính quyền địa phương một cấp (thành phố).

“Đây chính là khác biệt đáng kể nhất của mô hình chính quyền đô thị ở ba thành phố. Khi bỏ HĐND ở cấp khác nhau, thẩm quyền của UBND các cấp của mỗi thành phố sẽ khác nhau”, ông Tuấn nói.

Phối cảnh Khu đô thị sáng tạo - Thành phố Thủ Đức theo phương án quy hoạch của Công ty Sasaki - enCity - đơn vị được UBND TP HCM chấm giải Nhất. Ảnh: Sasaki
Phối cảnh Khu đô thị sáng tạo – Thành phố Thủ Đức theo phương án quy hoạch của Công ty Sasaki – enCity – đơn vị được UBND TP HCM chấm giải Nhất. Ảnh: Sasaki

Ở Đà Nẵng và TP HCM, khi không tổ chức HĐND cấp quận và phường nhằm phù hợp với tính chất, đặc điểm trong quản lý đô thị mà không làm giảm vai trò của cơ quan dân cử. Vai trò của HĐND và mỗi đại biểu HĐND thành phố tiếp tục được củng cố, đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng. Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, các đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện vai trò giám sát, đại diện cho cử tri thành phố, qua đó bảo đảm quyền đại diện và phát huy dân chủ của người dân.

Việc thực hành quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn tiếp tục được thực hiện thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở và thông qua vai trò của cả hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Để tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực với chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp ở quận, Nghị quyết đã bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân quận. HĐND thành phố có thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm với chủ tịch UBND quận.

Ở hai thành phố có chính quyền đô thị một cấp này, UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND quận là người đứng đầu UBND quận, chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận.

Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính cấp phường ở ba thành phố khá tương đồng. Theo đó, lãnh đạo cấp phường ở TP HCM gồm chủ tịch và không quá 2 phó chủ tịch; còn Đà Nẵng và Hà Nội, Ủy ban nhân dân phường loại I và loại II có không quá 2 phó chủ tịch; phường loại III có 1 phó chủ tịch.

UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận hoặc trước Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của phường.

UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND quận hoặc UBND thành phố thuộc thành phố; đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công với cấp trên quản lý trực tiếp… Ủy ban nhân dân phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cấp quận ở TP HCM không quá 3 phó chủ tịch. Ở Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân quận loại I có không quá 3 phó chủ tịch; quận loại II có không quá 2 phó chủ tịch.

Hồ Hoàn Kiếm - một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
Hồ Hoàn Kiếm – một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Điểm khác biệt lớn nhất của chính quyền đô thị TP HCM với chính quyền đô thị ở Hà Nội và Đà Nẵng là mô hình thành phố thuộc thành phố.

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM. Tới đây, Hội đồng nhân dân thành phố thuộc Thành phố có trách nhiệm quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của phường trực thuộc… UBND và chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn tương tự cấp quận.

Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, “thành phố trong thành phố” sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức nhằm biến nơi đây thành hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ.

Dù thời gian thông qua khác nhau, Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM sẽ cùng bắt đầu xây dựng chính quyền đô thị từ tháng 7/2021.

Hoàng Thùy/VNE

Bài mới
Đọc nhiều