Mở hay không mở “cửa bầu trời” vào đầu tháng 7?
Vietnam Airlines dự kiến sẽ bay thương mại đến các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, dự kiến từ 1.7. Đây cũng là thời điểm Bamboo Airways lên kế hoạch bay quốc tế trở lại. Tuy nhiên, vấn đề này đang gây tranh cãi lớn trong 2 ngày qua.
Kỳ thực, mở cửa bầu trời hay không vẫn đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Bởi phục hồi trở lại các đường bay quốc tế đồng nghĩa với việc đối diện nguy cơ “nhập dịch”.
Tại Việt Nam, do dịch bệnh bùng phát, các hãng hàng không đã chính thức đóng cửa các đường bay quốc tế từ ngày 25.3. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã nối lại đường bay với Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc với tần suất khai thác khoảng 3 – 4 chuyến 1 tuần, chủ yếu chở hàng hóa, kết hợp bán vé cho số ít khách có nhu cầu rời khỏi Việt Nam. Một số hãng hàng không nước ngoài như Korean Air và AirAsia vẫn được vào Việt Nam nhưng không được chở theo khách vào, chỉ đưa khách hoặc hàng hóa ra.
Đất nước ta đã trải qua 2 tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, các bệnh nhân nhiễm bệnh đang được điều trị đều có tiến triển tốt, công tác kiểm soát bệnh dịch ngay từ cửa khẩu đối với các công dân hồi hương cũng được thực hiện hết sức nghiêm túc… Những thành tựu trong công tác kiểm soát dịch bệnh kéo theo mong mỏi phá băng nền kinh tế sau kỳ ngủ đông.
Theo đó, đã có ý kiến cần lập tức mở dần các đường bay quốc tế trong thời gian này vì nếu tiếp tục đóng cửa thì thiệt hại kinh tế sẽ ngày càng trầm trọng. Sự cần thiết về mặt phục hồi kinh tế ai cũng thấy rõ.
Tuy nhiên, mở cửa trở lại đồng nghĩa Việt Nam phải đối mặt nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai như Trung Quốc, Nhật Bản hay một số quốc gia châu Âu đang trải qua. Có thể nói, kiểm soát dịch bệnh vẫn là yếu tố quan trọng hơn cả, cơ quan Nhà nước chỉ nên cho bay quốc tế trở lại khi mọi yếu tố về kiểm soát dịch bệnh được đảm bảo.
Đến thời điểm này, cả nước đã có 323/333 bệnh nhân mắc COVID-19 được chữa khỏi. Với 10 người còn lại, 6 người dương tính với virus SARS-CoV-2; số người âm tính lần 1 là 3 người; âm tính 2 lần trở lên là 1 người; không có ca tử vong.
Các ca nhiễm mới (193 ca) đều từ nước ngoài trở về và tất cả đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh nên không lây nhiễm ra cộng đồng. Tuy nhiên, nếu chúng ta mở cánh cửa quốc tế liệu người nước ngoài về ồ ạt, chúng ta có tự tin kiểm soát tốt? Liệu trường hợp như bệnh nhân thứ 17 có lặp lại hay không? Điều đó chưa ai có thể khẳng định được.
Dù thành tích phòng chống dịch COVID-19 rất đáng tự hào, song nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất lớn, chúng ta không được lơ là, chủ quan. Thiết nghĩ, điều cần thiết nhất của chúng ta là cảnh giác cao độ và chưa thể gỡ bỏ các hàng rào bảo vệ. Cần phải xem xét xuất xứ của du khách để biết liệu tình hình của quốc gia đó đã ổn định chưa. Cuối cùng, phải xem liệu các doanh nghiệp đã chấp nhận đón du khách tình trạng “bình thường mới” hay chưa
Ở một số nước có biên giới gần Việt Nam như Bắc Kinh, Trung Quốc tình hình đang diễn biến cực kỳ nghiêm trọng, vẫn chưa kiểm soát được ở nơi dịch đang bùng phát trở lại.
Mặc dù một số nước kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng vẫn còn khả năng rất cao có người nhiễm lên được máy bay và vào được nội địa nước ta. Chỉ cần lọt một vài trường hợp như thế sẽ lại phải khởi động bộ máy phòng chống, truy vết cách ly, thậm trí cách ly toàn xã hội thêm 1 lần nữa. Khi đó tốn kém và mệt mỏi gấp nhiều lần bây giờ.
Thế nên, thiết nghĩ, đừng vì thấy có một số nước mở cửa mà nôn nóng, để dịch bùng phát thì tổn thất gấp nhiều lần. Ngăn dịch thì phải đóng cửa sớm nhưng mở cửa muộn một chút cũng không sao, hãy quan sát kinh nghiệm những nước mở cửa trước để học hỏi kinh nghiệm, trước nhất hãy tận dụng nguồn khách nội địa trong 2 tháng tới khi học sinh nghỉ hè, đến tháng 9 thì tuỳ theo tình hình và qui trình kiểm soát có thể mở cửa lại với một số quốc gia.
Việt Nam nên tập trung phát triển kinh tế trong nước, thúc đẩy mạnh du lịch nội địa. Còn chỉ một vài ca dương tính vào Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và thiệt hại kinh tế gấp bội so với thu từ du lịch. Chỉ cần một người mắc vào Việt Nam rồi âm thầm lây trong cộng đồng thì Việt Nam sẽ lại giống như Singapore hay Ấn Độ. Như vậy, sợ rằng mọi nỗ lực chống Covid-19 mấy tháng qua sẽ đổ ra sông ra biển.
Kỳ thực, giai đoạn này có thể là mầm mống nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi hết thời gian giãn cách xã hội và mở cửa giao thương. Chúng ta cần phòng ngừa kỹ hơn các nước và xác định ứng phó thời gian dài, bởi nước ta hết dịch nhưng nước ngoài còn dịch thì cũng chưa thể yên tâm.
Theo như Bộ y tế, nếu mở cửa vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu phòng dịch, người nhập cảnh cần cách ly đủ 14 ngày, các chuyên gia đến Việt Nam làm việc cần được tổ chức lưu trú một nơi riêng biệt, đảm bảo giãn cách 2 mét khi hội họp, xét nghiệm hai ngày một lần.
Làm sao để giữ được các thành quả chống dịch 6 tháng vừa qua, rất cần sự nỗ lực của mọi người trong thời gian kế tiếp dù đây đã là thời gian có thể coi là cuối của vụ dịch ở Việt Nam. Và việc mở hay không mở “cửa bầu trời” vào đầu tháng 7 phụ thuộc cả vào chuyện tính toán đúng của các nhà chức trách. Chỉ cần một ca lây nhiễm trong cộng đồng thôi, sự lây lan đã rất khó để đo đếm được. Khi đó, Việt Nam đầu còn là một điểm đến an toàn nữa.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả