Mở cửa nhập cảnh: Biện pháp cứng rắn và cần thiết để bảo vệ người dân
Từ ngày 15/9 các chặng bay thương mại tới 6 quốc gia là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào và Campuchia đã được phép hoạt động trở lại. Quyết định thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch và vừa bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Mặc dù, mở lại đường bay quốc tế, nhưng không đồng nghĩa với chủ quan, mà các cơ quan chức năng vẫn nghiêm túc thực hiện việc kiểm dịch, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, phá đi thành quả mà người dân và hệ thống chính trị đã đạt được trong thời gian qua.
Từ việc yêu cầu các hãng bay đưa khách về Việt Nam chỉ được đặt chỗ, bán vé cho những người nào cung cấp đầy đủ thông tin gồm họ tên, số điện thoại liên lạc khi ở Việt Nam; Rồi trong quá trình làm thủ tục check – in, hành khách phải có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp PCR trong vòng 3 ngày, giấy xác nhận âm tính phải được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam xác nhận; Hãng bay phải đo thân nhiệt hành khách và từ chối vận chuyển người có thân nhiệt vượt quá 37,5 độ C… Đặc biệt, trước khi lên máy bay, hành khách phải đeo khẩu trang, cài đặt ứng dụng di động “Vietnam Health Declaration”, “Bluezone” và thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc.
Việc Chính phủ đưa ra những quy định như trên cũng là điều dễ hiểu. Khi mà bài học về bệnh nhân số 17 vẫn còn đó, (cô N.H.N ở Trúc Bạch, Hà Nội) nhập cảnh từ nước ngoài về khai báo không trung thực, hành động thiếu trách nhiệm, đi ngược lại nỗ lực của cả cộng đồng, khiến cho việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn, vất vả hơn. Khi mà tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, thì không thể chỉ trông chờ vào ý thức của mỗi người mà đi kèm đó vẫn phải có những quy trình đưa ra, để ngăn chặn dịch bệnh.
Ấy thế mà, trên trang “Người Việt” dẫn lời của kỹ sư Dương Ngọc Thái cho rằng “cài Bluezone sẽ rò rỉ thông tin cá nhân. Máy chủ có toàn quyền quyết định lấy dữ liệu bất kỳ lúc nào mà không cần có sự đồng ý của người dùng”; “Bluezone không chỉ là công nghệ mà còn là sự nghiệp chính trị của nhiều người”. Mang danh là một kỹ sư, chuyên gia an ninh mạng, vậy mà ông Dương Ngọc Thái lại phát ngôn một cách hồ đồ như vậy ư? Được biết, người dùng Bluezone sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra. Và ứng dụng Bluezone chỉ lưu trữ dữ liệu trên máy chủ người dùng, không đưa lên sever, không thu thập vị trí, ứng dụng này cũng chỉ ghi nhận việc mọi người gặp nhau vào lúc nào, trong bao lâu chứ không hề định vị được vị trí chỗ nào. Không biết là ông Thái không biết hay cố tình lờ đi, dẫn dắt, hướng lái dư luận hiểu sai vấn đề?
Đồng ý mở cửa đường bay để phục hồi kinh tế, nhưng không có nghĩa là mở toang, đưa dịch vào nhà. Vậy nên, nhập gia phải tùy tục, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện đúng theo những bước, quy trình mà Chính phủ Việt Nam đặt ra. Có lẽ không cần nói nhiều, người dân và cả thế giới đều thấy công tác phòng, chống dịch của Việt Nam trong thời gian qua đã quyết liệt, hiệu quả như thế nào. Nếu làm tốt trong lần “thí điểm” này, chúng ta có thể nghĩ tới chuyện khởi động lại các hoạt động du lịch, qua đó vực dậy ngành hàng không và cả nền kinh tế đang tổn thương.
Suy cho cùng việc Chính phủ Việt Nam đưa ra những quy trình trên trước tiên là để bảo vệ sức khỏe của chính hành khách, sau đó là người dân, phục vụ chung cho toàn xã hội chứ chẳng hề liên quan đến sự nghiệp chính trị của lãnh đạo này, hay cán bộ kia như lời của Dương Ngọc Thái xuyên tạc. Có thể thấy, khi người dân Việt Nam chống dịch với tinh thần cảnh giác, đoàn kết thì bên cạnh đó cũng còn một số kẻ, bới móc, suy diễn, cố tính đưa sai sự thật nhằm công kích chính phủ, khiến người dân mất niềm tin vào công cuộc phòng, chống dịch của đất nước.
Thế Khoa