Mở cửa du lịch, nữ tỷ phú Phương Thảo đón dòng tiền vào giàu chưa từng có
Cổ phiếu VietJet tăng mạnh giúp khối tài sản nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lên kỷ lục khi hàng không đón nhận thông tin tích cực khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế từ 15/3 .
Trong phiên giao dịch 14/3, cổ phiếu VJC của Hãng hàng không VietJet tăng mạnh thêm 6.500 đồng lên 145.000 đồng/cp, chỉ còn cách đỉnh kỷ lục ghi nhận hồi giữa tháng 2/2022 vài ba nghìn đồng/cp.
Cổ phiếu VJC tăng giá mạnh giúp tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, theo đánh giá của Forbes, lên đỉnh kỷ lục 3,2 tỷ USD. Với khối tài sản này, CEO của Hãng hàng không VietJet xếp thứ 942 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Bà Phương Thảo hoạt động trong nhiều lĩnh vực, gồm hàng không, ngân hàng và bất động sản. Bên cạnh là CEO và phó chủ tịch của VietJet, bà Thảo còn là Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh (HDBank) và Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico.
Gần đây, mảng bất động sản của tỷ phú Phương Thảo khởi sắc với thông tin Keppel rót 120 triệu USD (49% cổ phần) vào dự án Bắc An Khánh do CTCP Địa ốc Phú Long của bà Thảo làm chủ dự án. Giao dịch dự kiến sẽ được thực hiện vào quý 3/2022. Keppel và Phú Long có kế hoạch phát triển 1.260 căn hộ, bao gồm 1.020 căn chung cư và 240 căn thấp tầng.
Cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng tăng khá mạnh trong phiên 14/3, thêm gần 1,4% lên 26.150 đồng/cp.
Gần đây, nhóm cổ phiếu hàng không khởi sắc khi giới đầu tư kỳ vọng rất nhiều vào việc Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế từ 15/3 và trong bối cảnh Covid-19 được xem là bệnh đặc hữu. Việc di chuyển nội địa bằng đường hàng không đã nhộn nhịp trở lại kể từ Tết Nguyên đán.
Trong thời gian mới mở cửa, số khách quốc tế chưa thể đông ngay, thị trường có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực sau 2 năm gần như đóng băng vì dịch bệnh. Dự kiến thị trường sẽ bùng nổ vào cuối 2022 và đầu 2023.
Trong một dự báo gần đây, CTCK VNDirect kỳ vọng với những kế hoạch cụ thể trong việc nối lại giao thông hàng không trong nước và quốc tế, cùng với những dấu hiệu tích cực trong việc kiểm soát đại dịch và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc, hàng không trong nước và quốc tế của Việt Nam có thể dần hồi phục.
Nhóm cổ phiếu hàng không bứt phá một phần do giá dầu hạ nhiệt, thủng mốc 100 USD/thùng khi Nga và Ukraine nối lại việc đàm phán và Trung Quốc đóng cửa một số thành phố sau khi các ca mắc covid-19 tăng mạnh.
Giảm sâu, dòng tiền tham gia bắt đáy
Chỉ số VN-Index đã xuyên thủng mốc 1.450 điểm. Nhiều cổ phiếu hàng đầu giảm khá mạnh và được cho là về vùng hấp dẫn. Cổ phiếu Vinhomes xuống mức 74.000 đồng/cp, tương ứng với P/E về mức 8 lần, một chỉ số khá hấp dẫn đối với một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Việt Nam.
Thanh khoản vượt xa mức tỷ USD trên sàn HOSE cũng là một tín hiệu tích cực, đặc biệt khi nhóm cổ phiếu ngân hàng hút dòng tiền trở lại.
Cuộc chiến Nga-Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt với các tuyên bố kỳ vọng về cuộc đàm phán lần thứ 4.
Dragon Capital cho rằng, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không có tác động lớn đối với nền kinh tế Việt Nam ngoại trừ việc giá cả nguyên vật liệu tăng. Tỷ giá USD/VND sẽ không bị ảnh hưởng bởi dòng vốn FDI dồi dào, dự trữ ngoại hối cao, và dư nợ nước ngoài thấp.
Trường hợp xấu nhất là tình trạng giá hàng hóa tăng mạnh và kéo dài, dẫn tới lạm phát đình trệ tại các nền kinh tế phát triển thì Dragon Capital cho rằng Việt Nam vẫn có thể vượt trội hơn các thị trường khác nhờ các yếu tố nội tại tích cực.
Theo BSC, VN-Index đã rơi hoàn toàn khỏi đường MA100 sau phiên giảm điểm hôm 14/3. Xu hướng giảm có mặt ở hầu hết tất cả các ngành, đặc biệt là nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng hóa như dầu khí, than, thép. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 16/19 ngành giảm điểm. Cú sốc giảm điểm có lẽ sẽ tác động mạnh đến tâm lí nhà đầu tư, trong những phiên tới nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng và cơ cấu lại danh mục. Dòng tiền đang có xu hướng ủng hộ đà giảm của thị trường. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể sẽ tiếp tục lùi về ngưỡng hỗ trợ 1.440 trước khi xuất hiện dòng tiền bắt đáy.
Chốt phiên giao dịch 14/3, chỉ số VN-Index tăng 20,29 điểm xuống 1.446,25 điểm. HNX-Index giảm 5,63 điểm xuống 436,57 điểm. Upcom-Index giảm 0,32 điểm xuống 115,05 điểm. Thanh khoản đạt 31,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có 27,2 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
Minh Tú