Miền Trung ngập lụt diện rộng có phải do thủy điện xả lũ?
Đại diện Bộ Công thương cho rằng quy kết thủy điện xả lũ, cùng tình hình mưa lớn kéo dài nên gây ngập lụt nặng ở miền Trung là chưa toàn diện, không đúng.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 và mưa lớn do Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra ngày 11-10, đại tá Nguyễn Hữu Hùng – phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn – cho rằng dù mưa lớn nhưng hiện nay các hồ chứa, hồ thủy điện ở khu vực miền Trung vẫn còn dung tích để cắt lũ.
Tuy nhiên, việc xả lũ liên quan rất nhiều đến hệ thống về điều tiết xả lũ. Do đó, ông Hùng đề nghị phải xả lũ theo đúng quy trình và có thông báo để an toàn, báo động cho người dân và các lực lượng đang tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Đại diện Bộ Công thương cho biết bộ nhận định đặc điểm đợt mưa lũ này tập trung ở đồng bằng ven biển và vùng trung du các tỉnh Trung Bộ. Còn khu vực giúp các hồ tích được nước ở vùng núi thì không giữ được nước nên mưa lúc nào xuống lúc đó. Vì thế Bộ Công thương cùng các tỉnh cố gắng điều hành các hồ để vừa đảm bảo không ngập lụt ở hạ du vừa đảm bảo vận hành đúng theo mùa lũ.
“Nhận định thủy điện xả lũ gây ngập lụt là chưa toàn diện, không đúng” – đại diện bộ Công thương phản ứng.
Theo đại diện Bộ Công thương, các hồ thủy điện xả lũ căn cứ vào lượng mưa lũ về và vận hành theo đúng thời gian mùa lũ để làm sao đảm bảo an toàn.
“Ví dụ hồ thủy điện Bình Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), lưu lượng về chỉ 700m3/s, nhưng xả 1.500m3 để đón lũ. Hồ thủy điện Hương Điền chúng tôi luôn phải giữ dưới mực nước dâng bình thường 58m. Hồ thủy điện A Vương (tỉnh Quảng Nam) cương quyết đảm bảo mực nước nhỏ hơn 380m, hiện đang duy trì 373m.
Tại thủy điện Quảng Trị, chúng tôi duy trì ở ngưỡng 477,5m, dưới ngưỡng dâng bình thường là 480m. Chúng tôi vẫn vận hành như vậy để có dư địa cho các đợt mưa lũ sau” – đại diện Bộ Công thương giải thích.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết khu vực miền Trung có hai hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Hương (Huế) rất quan trọng trong việc điều tiết, vận hành xả lũ.
“Ngày đêm chúng tôi cập nhật, tính toán để vận hành. Chúng tôi phải tính toán làm sao để chấp nhận ở một thời điểm nếu nước hạ du cho phép thì sẽ xả ngay. Để có dung tích dự phòng đón lũ. Đây là nguyên tắc vận hành” – ông Hiệp nói
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, các hồ chứa, hồ thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn và sông Hương thông tin chưa đầy đủ tới Ban chỉ đạo để tính toán vận hành.
“Một số hồ như Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền (Thừa Thiên Huế) chưa có trên hệ thống theo dõi. Hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn các hồ thủy điện Sông Tranh, A Vương… cũng không có.
Nếu có số liệu trên bản đồ thì có thể tính toán vận hành ngay trong thời gian ngắn. Nếu không có sẽ rất khó trong công tác tính toán, vận hành xả lũ. Công tác vận hành xả lũ trong 5-10 ngày tới đóng vai trò quyết định” – ông Hiệp nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng mưa lũ còn diễn biến phức tạp ở miền Trung, đặc biệt các hồ lớn hết sức lưu ý, Ban chỉ đạo và Bộ Công thương phải tập trung điều hành xả lũ khoa học, nhuần nhuyễn và có thực tiễn, nếu chủ quan là “gay”.
“Công tác vận hành liên hồ chứa tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Nam cần đặc biệt chú ý điều hành, điều tiết, cắt lũ phải điều hành rất ‘nghệ thuật’. Thảm họa hay không là công tác điều hành, vận hành ở các trục hồ rất lớn” – ông Cường nhấn mạnh.
CHÍ TUỆ/ TTO