+
Aa
-
like
comment

Miền Trung mưa xối xả, kè biển oằn mình trước sóng lớn đón bão số 5

30/10/2019 22:22

Mưa liên tục cả ngày, gió lớn rít từng cơn, sóng biển dữ dội – đó là thời tiết hiện tại ở xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) khi bão số 5 đang vào gần.

Miền Trung mưa xối xả, kè biển oằn mình trước sóng lớn đón bão số 5 - Ảnh 1.
Sóng biển dữ dội, táp mạnh vào kè biển xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi – Ảnh: TRẦN MAI
Miền Trung mưa xối xả, kè biển oằn mình trước sóng lớn đón bão số 5 - Ảnh 2.
Cây đổ trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Xuân Cảnh, Sông Cầu, Phú Yên – Ảnh: DUY THANH

Lúc 21h tói 30-10, Chủ tịch Phú Yên cho biết chưa có thiệt hại cụ thể về người và tài sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương có mặt tại thị xã Sông Cầu, vùng tâm bão số 5, lúc 21h ngày 30-10 và cho hay bão đang đổ bộ.

Trả lời báo chí, ông Dương cho biết đến hiện tại chưa có thông tin thiệt hại về người và tài sản do bão số 5 gây ra. Ông cho hay đã giao các địa phương khẩn trương ứng phó bão, giúp dân khắc phục ngay hậu quả do cơn bão gây ra, đồng triển khai nhanh phương án “4 tại chỗ”, “4 sẵn sàng” để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước trước nguy cơ mưa lũ được dự báo có diễn biến phức tạp sau bão.

Trong chiều cùng ngày tôi trực tiếp đi kiểm tra các điểm trọng yếu có nguy cơ hứng bão, nhất là khu vực các cảng cá và các làng chài ven biển. Công tác chống bão diễn ra khẩn trương. Đến thời điểm này chưa có thiệt hại gì. Tuy nhiên tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động ứng phó, trực 24/24 kịp thời hỗ trợ, ứng cứu người dân khi bão vào.

Ông Nguyễn Tăng Bính, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiêm trưởng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi

Chiều 30-10, lượng mưa ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi vào khoảng 90mm, dự kiến sẽ tăng dần trong tối nay và sáng mai. Hiện tối 30-10, biển động dữ dội với những cột sóng cao đến 5m.

Tại bờ kè và cửa biển Sa Huỳnh, nhiều người dân đang tích cực chằng chống nhà cửa, thu dọn ngư cụ từ ngoài biển vào. Nhiều chiếc tàu vào muộn “lâm nguy” khi sóng xô nghiêng ngả dù cách cảng chừng 500m.

Ông Cư – một người dân sống ở Phổ Thạnh – cho biết đây là trận mưa kèm sóng dữ lớn nhất từ đầu năm đến giờ. Với kinh nghiệm của mình, lão ngư này cho rằng bão sẽ không đổ bộ trực tiếp vào Phổ Thạnh.

Tuy nhiên, hoàn lưu của bão sẽ ảnh hưởng cực lớn. “Nếu không chủ động sẽ gặp rủi ro rất lớn. Từ sáng đến giờ cả làng chỉ lo ứng phó bão và cập nhật thời tiết liên tục”, ông Cư nói.

Miền Trung mưa xối xả, kè biển oằn mình trước sóng lớn đón bão số 5 - Ảnh 6.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, sóng gió hiện tại ở tỉnh giật cấp 9 – Ảnh: TRẦN MAI

Theo tin báo bão khẩn cấp phát đi từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi vào 17h cùng ngày, nhiều khu vực trong tỉnh Quảng Ngãi như huyện đảo Lý Sơn, huyện Đức Phổ sức gió đo được ở mức cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 5 đến 7m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Lượng mưa hiện tại đo được ở tỉnh Quảng Ngãi khoảng 60-90mm. Nhiều khu vực dự báo sẽ tăng lên khoảng 400-600mm. Ông Nhâm Xuân Sỹ, giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết:

“Cần đề phòng lũ ống, lũ quét ở miền núi. Khu vực biển sẽ có gió giật cấp 9, cấp 10, bà con cần chằng chống nhà cửa và không ra khơi ở vùng biển. Đối với miền núi, khẩn cấp rời khỏi những khu vực có nguy cơ sạt lở”.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lúc 19h tối nay 30-10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,3 độ vĩ Bắc; 110,1 độ kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa khoảng 80km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75 – 100km/h), giật cấp 12. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ khoảng 10 – 15km/h.

Miền Trung mưa xối xả, kè biển oằn mình trước sóng lớn đón bão số 5 - Ảnh 8.
Ngư dân dầm mưa thu dọn ngư cụ, đối phó với bão số 5 – Ảnh: TRẦN MAI

Tính đến 17h cùng ngày, tỉnh Quảng Ngãi còn 418 tàu với 5.050 lao động còn đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, tại quần đảo Hoàng Sa có 11 tàu cá với 820 lao động, quần đảo Trường Sa 118 tàu cá với 2.626 lao động. Hiện bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đang theo dõi bão và giữ liên lạc, thông báo để ngư dân trên biển nắm tình hình.

Địa phương đầu tiên xuất hiện sạt lở núi là huyện Ba Tơ. Ông Trần Trung Triết – chủ tịch UBND huyện Ba Tơ – cho biết sáng nay địa phương đã sơ tán hàng chục người dân vùng nguy cơ sạt lở núi ở xã Ba Giang đến nơi ở an toàn. Khoảng 300 học sinh các cấp ở huyện này được nghỉ học để tránh bão số 5.

Sông Cầu – Phú Yên mưa lớn, gió giật mạnh

Khoảng 18h, tại trung tâm thị xã Sông Cầu, nơi dự báo bão số 5 đổ bộ đêm nay, mưa trở nên nặng hạt.

Gió giật mạnh, rít từng cơn. Đến 19h, các xã phía bắc thị xã là Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Thịnh bị mất điện. Theo ông Đào Mỹ – chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, là do sự cố trong mưa bão, không thể khắc phục ngay được. Khả năng đến sau bão mới sửa chữa.

Quy Nhơn: cây bật gốc

Tại TP Quy Nhơn (Bình Định) vào 19h30 tối 30-10, gió lốc kèm theo mưa dông bắt đầu rít liên hồi.

Ghi nhận trên các tuyến đường An Dương Vương, Xuân Diệu, Nguyễn Huệ… gió lớn đã khiến nhiều cây ven đường bật gốc nằm la liệt.

Gió lớn cũng khiến nhiều xe trên đường di chuyển rất khó khăn và nguy hiểm. Nhiều xe máy không thể di chuyển được phải chạy vào các nhà hàng gần đó để trú ẩn.

Biển Quy Nhơn ảnh hưởng bão số 5 cũng khiến sóng biển dâng cao quăng quật nhiều biển báo ven bờ biển.

Bệnh xá Sơn Ca cứu một ngư dân bị nạn trong bão số 5
Ngày 30-10, Bệnh xá đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) cho biết đã cứu kịp thời 1 ngư dân bị nạn trong bão số 5. Trước đó, ngày 29-10, ngư dân Lê Văn Long (53 tuổi, trú huyện Hoài Nhơn, Bình Định) bị tai nạn khi tàu đang trên đường tránh bão ở đông bắc đảo Sơn Ca.

Cán bộ, chiến sỹ đưa ngư dân Long lên đảo để chữa trị - Ảnh: NGUYỄN NINH
Cán bộ, chiến sĩ đưa ngư dân Long lên đảo để chữa trị – Ảnh: NGUYỄN NINH

Sau khi tiến hành sơ cứu cho ông Long, thuyền trưởng Nguyễn Hữu Tuấn (33 tuổi, trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã đưa ông Long vào đảo Sơn Ca. Thời điểm tàu vào đảo biển động rất mạnh. Lúc này, do không thể dùng xuồng để đón bệnh nhân nên các bác sĩ quân y đã phải dùng dây cứu hộ kéo thuyền thúng từ tàu cá vào đảo.

Bệnh nhân Long nhập viện trong tình trạng đa vết thương phần mềm 2 bàn chân. Vết thương mặt trong mu và gan bàn chân phải, bị bóc da búp ngón 2 bàn chân trái, lộ xương ngón chân. Các quân y của đảo đã tiến hành cầm máu, rửa vết thương, chống nhiễm trùng và khâu vết thương cho bệnh nhân.

Hiện tại bệnh nhân Long đã ổn định, bệnh xá đảo tiếp tục theo dõi và điều trị bằng thuốc kháng sinh.

TRẦN MAI – DUY THANH – THÁI THỊNH/Tuổi Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều