+
Aa
-
like
comment

Miền Tây ‘chìm’ trong nước nhưng có nguy cơ hạn mặn khốc liệt

21/10/2020 08:14

Theo ghi nhận của PV, từ ngày 17 – 20.10, liên tiếp những đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch dâng cao khiến nhiều khu vực đô thị và dân cư ven sông vùng ĐBSCL ngập nặng.

Người dân Cần Thơ gặp nhiều khó khăn khi triều cường gây ngập nặng những ngày qua /// ĐÌNH TUYỂN
Người dân Cần Thơ gặp nhiều khó khăn khi triều cường gây ngập nặng những ngày qua

Tại Cần Thơ, tình trạng ngập đúng vào giờ cao điểm sáng – chiều đã khiến cuộc sống ở nội ô thành phố đảo lộn, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Tương tự, các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… triều cường kèm theo mưa lớn kéo dài cũng gây ra nhiều thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề đến việc buôn bán, kinh doanh cũng như sản xuất nông nghiệp. Ở Sóc Trăng, nước dâng cao làm 15 đoạn đê, bờ bao, đường nông thôn bị vỡ, hơn 70 ha hoa màu của người dân H.Cù Lao Dung bị ngập úng. Còn Cà Mau có khoảng 16.000 ha lúa hè thu chìm trong nước…

Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), tình trạng ngập úng nặng nói trên đơn thuần do mưa nhiều từ ảnh hưởng của bão kết hợp đợt triều cường tháng 9 âm lịch. “Cảnh báo nguy cơ hạn mặn gay gắt như mùa khô năm 2019 lặp lại với người dân miền Tây vẫn còn đó. Người dân không nên thấy nước ngập nhiều mà có tâm lý chủ quan, cần phải chủ động các giải pháp trữ nước cho sản xuất và sinh hoạt”, PGS-TS Lê Anh Tuấn nói và cho biết trong mùa khô hạn, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về hạ lưu. Tuy nhiên, tình trạng khô hạn kéo dài ở thượng nguồn sông Mê Kông, nhất là vùng thượng Lào, đông bắc Thái Lan, cùng với đó là thủy điện tích nước đã khiến mực nước sông Mê Kông tiếp tục ở mức thấp lịch sử. Điều này khiến nguồn nước từ Mê Kông về Biển Hồ rất hạn chế, trong khi đây lại là nguồn cung cấp nước chính cho ĐBSCL vào mùa khô.

Mặc dù những ngày qua, theo ghi nhận của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, xảy ra mưa lớn ở khu vực hạ Lào và bắc Campuchia nhưng vẫn chưa đủ để khỏa lấp lượng nước thiếu hụt từ thượng nguồn Mê Kông về hạ nguồn. “Biển Hồ như một túi nước điều hòa, trữ nước vào mùa mưa và nhả dần cung cấp cho hạ nguồn ĐBSCL vào mùa khô, thế nên khi lượng nước tích trữ ở đây giảm dẫn đến tình trạng nước lũ không về. Đó cũng là tín hiệu dự báo xâm nhập mặn sẽ gay gắt vào mùa khô”, ông Tuấn cho biết thêm.

Trước đó, Văn phòng Thường trực Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam cũng cho biết qua theo dõi mức độ lũ ĐBSCL giai đoạn nửa cuối tháng 9 vừa qua thì năm 2020 có mực nước và tổng lượng lũ từ thượng nguồn Mê Kông về ĐBSCL thấp nhất trong 10 năm qua.

PV/TN

Bài mới
Đọc nhiều