Metro số 1 có thể lùi lịch chạy thử đến tháng 11/2024
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa báo cáo kết quả, tiến độ giải quyết khó khăn, vướng mắc của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Hiện nay dự án tuyến metro số 1 đã hoàn thành hơn 98,24% nhưng vẫn đang gặp một số vướng mắc, khó khăn, nên có thể phải tiếp tục lùi lịch chạy thử.
Vì sao lùi đến tháng 11/2024?
Theo báo cáo, thời gian qua chủ đầu tư đã tích cực đôn đốc liên danh NJPT (tư vấn chung) và nhà thầu Hitachi (thực hiện gói thầu CP3), liên danh SCC (thực hiện gói thầu CP2) phối hợp để xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể của dự án metro số 1.
Đến nay tư vấn chung vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đào tạo, bao gồm chương trình đào tạo và chuyển giao kiến thức… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm trễ.
Trong kế hoạch công việc mới nhất, nhà thầu Hitachi lại đẩy lùi các mốc tiến độ về sau. Ví dụ mốc tiến hành chạy thử đã được lùi đến tháng 11/2024, thay vì tháng 10/2024, dẫn đến việc kéo dài hơn nữa tiến độ dự án. Điều này cũng không tuân thủ công hàm của Đại sứ quán Nhật Bản gửi lãnh đạo UBND TP vào ngày 2/5.
Để giải quyết vấn đề này, chủ đầu tư đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản sớm có ý kiến đối với nhà thầu Hitachi về việc tuân thủ tiến độ mục tiêu của dự án. Đồng thời có tinh thần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong việc tiến hành các giải pháp tạm hài hòa lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm pháp lý hai bên để có thể thúc đẩy tiến độ dự án metro số 1.
“Ngoài ra hiện chủ đầu tư cũng nhận thấy tư vấn chung NJPT chưa có các biện pháp, giải pháp thúc đẩy tiến độ dự án cả về mặt kỹ thuật, thương mại, hợp đồng… Cho nên vai trò, năng lực của NJPT cần phải được củng cố hơn nữa”, công văn của chủ đầu tư nêu.
Lập ban giải quyết tranh chấp
Công ty Hitachi (Nhật Bản) là nhà thầu đang có các khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư thanh toán chi phí phát sinh, tương đương gần 4.000 tỉ đồng.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, TP.HCM cũng đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan. Qua đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường thống nhất đẩy nhanh giải pháp dùng Ban xử lý tranh chấp (DAB) theo đề xuất của nhà thầu Hitachi và phó Đại sứ quán (mục tiêu hoàn thành trong tháng 12/2024).
Lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị chủ đầu tư thảo luận về vấn đề thanh toán chi phí liên quan cho nhà thầu Hitachi để đẩy nhanh công tác đào tạo nhân sự Công ty TNHH Đường sắt đô thị số 1. Thống nhất ý kiến về nội dung hợp đồng bảo dưỡng 5 năm giữ nguyên giá cũ trên hợp đồng và sử dụng Ban xử lý tranh chấp để giải quyết chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra chủ đầu tư được yêu cầu sắp xếp bố trí thời gian phù hợp tổ chức phiên họp định kỳ 2 lần/tháng nhằm sớm xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án metro 1 này.
Ban đường sắt TP.HCM phản hồi việc bị nhà thầu Hitachi kiện
Chiều 6/6, tại họp báo kinh tế – xã hội, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã có văn bản phản hồi thông tin báo chí về việc nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) yêu cầu bồi thường gần 4.000 tỉ chi phí phát sinh khi gia hạn hoàn thành metro số 1.
Theo đó, các hợp đồng thi công metro số 1 áp dụng mẫu của hợp đồng FIDIC (Hiệp hội Tư vấn kỹ sư quốc tế). Quy định hợp đồng, nhà thầu tự cho rằng mình có quyền đòi hỏi các chi phí khi nhận thấy quá trình thi công có điểm khác biệt so với khảo sát ban đầu, hoặc nhà thầu cho rằng kế hoạch thực hiện bị thay đổi so với kế hoạch ban đầu gây bất lợi.
Việc khiếu nại này rất phổ biến trên thế giới và việc xử lý các khiếu nại luôn được quy định rõ trong hợp đồng.
Với dự án metro số 1, việc khiếu nại xảy ra ở tất cả các gói thầu từ trước đến nay. Theo trình tự, tư vấn chung (với vai trò đại diện chủ đầu tư và kỹ sư) sẽ đánh giá tính hợp lý các khiếu nại của nhà thầu.
Hiện nay đa phần các khiếu nại của nhà thầu đã được tư vấn chung bác bỏ, do không có đủ căn cứ pháp lý. Dù có khiếu nại phát sinh nhưng ban quản lý khẳng định công tác thi công tuyến metro số 1 vẫn theo tiến độ thống nhất với các nhà thầu và tư vấn Nhật Bản.
Đông Duy