+
Aa
-
like
comment

“Mệnh lệnh tiến lên” tiêu diệt virus trì trệ của Thủ tướng

Thế Khoa - 09/05/2020 14:51

Trong hơn 3 tháng cả nước gồng mình “chống dịch như chống giặc” đã đạt được những thành công rất đáng ghi nhận. Khi dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi, đất nước sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, vừa chống vừa sống chung an toàn với dịch, vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, vừa giải quyết hậu quả do đại dịch để lại. Lúc này, bên cạnh tập trung kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần xác định rằng, việc “cứu” doanh nghiệp phải gấp như cứu hỏa. Chính vì vậy, sáng nay (09/05), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến.

Liên tục kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên đến nay, Chính phủ đã có rất nhiều cuộc họp bàn, đặt quyết tâm cao nhất trong việc thực hiện cả hai mục tiêu chống dịch, dập dịch và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Những giải pháp cứu trợ đầu tiên đã được Chính phủ thống nhất thực hiện từ khá sớm, trong đó phải kể đến Chỉ thị số 11. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù Chỉ thị 11 của Thủ tướng được ban hành rất kịp thời nhưng tác động và hiệu quả đem lại vẫn rất hạn chế, chỉ như “muối bỏ bể” so với thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp đang gặp phải. Ðể duy trì hoạt động trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm chi phí, lực lượng lao động, tạm dừng hoạt động. Vì thế, đây chính là thời điểm mà như người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh: “phải vực dậy nền sản xuất để giải quyết việc làm, tăng trưởng bằng các biện pháp căn cơ, mạnh mẽ”; “phải cố gắng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch”.

William Arthur Ward – nhà văn người Mỹ từng nói rằng: “Cơ hội giống như bình minh. Nếu bạn chờ quá lâu, bạn sẽ bỏ lỡ nó”. Việc phục hồi kinh tế cũng là một cơ hội và theo các chuyên gia, chính thời điểm này, chứ không phải là khi dịch chính thức qua đi, mới là “thời điểm vàng” để chúng ta tiến hành vực dậy, phục hồi nền kinh tế. Để chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp ngày hôm nay, người đứng đầu Chính phủ cũng đã “đặt hàng” nhiều vấn đề lớn đòi hỏi các tư lệnh ngành, địa phương phải “xắn tay áo”, chuẩn bị kỹ lưỡng, có chương trình hành động cụ thể. Một thông điệp đã được Thủ tướng truyền đi từ trước đó là: “Cuộc gặp không phải là nơi doanh nghiệp “kêu khó” mà là nơi bàn giải pháp, tìm hướng đi mới cho dài hạn, những vấn đề mang tính chiến lược”. Có thể thấy, hội nghị lần này bắt buộc bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó. Và để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh, tăng tốc phát triển, tại Hội nghị người đứng đầu Chính phủ cũng đã đưa ra 5 mũi giáp công để tái khởi động nền kinh tế: “Thứ nhất, tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân. Thứ hai, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thứ ba, tăng cường xuất khẩu. Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thứ năm, khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa”.

Hàng núi công việc ngổn ngang trước mắt, phải chạy đua nước rút với thời gian để bù vào những ngày tháng do hậu quả của đại dịch bệnh để lại. Sau hội nghị này, chắc chắn sẽ có thêm những giải pháp, những chính sách mạnh mẽ và đồng bộ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi hơn cả là các giải pháp, chính sách ấy có được thực hiện đến nơi đến chốn, đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt ở tất cả các cấp, các đơn vị triển khai hay không. Mà như lời của người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo “Chúng ta đã chứng kiến tinh thần chống dịch như chống giặc, giờ đây là lúc chống trì trệ như chống dịch. Tinh thần này cần phải được thúc đẩy. Chúng tôi nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu? Đừng nhìn người khác, cơ quan tổ chức khác, bộ ngành khác, địa phương khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính chúng ta, tổ chức chúng ta, cộng đồng doanh nghiệp chúng ta”.

Lời phát biểu trên chính là “mệnh lệnh tiến lên” của người đứng đầu Chính phủ trong bối cảnh đã xuất hiện những cán bộ vô cảm, thờ ơ với công việc, lấy dịch bệnh là nguyên nhân chủ đạo để lý giải cho sự tắc trách khi xử lý nhiệm vụ. Nếu để virus trì trệ còn tồn tại, thì thiệt hại cho nền kinh tế chẳng kém gì virus corona gây ra. Thậm chí còn dai dẳng và khó trị hơn nhiều, bởi nó đã tồn tại suốt nhiều năm nay, lây lan ở nhiều nơi. Đó mới là những con virus nguy hiểm nhất, đe dọa sự tăng trưởng của nền kinh tế hiện tại và cả tương lai đất nước. Con virus này giờ đang âm thầm từng ngày phá hoại kinh tế, làm chậm trễ việc giải phóng các nguồn lực cho việc phục hồi kinh tế .

Có thể hiểu được sự nóng ruột của Thủ tướng, không thể chấp nhận tình trạng có những cán bộ không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động. Vậy nên, cần loại thuốc đắng, đặc trị để chữa dứt điểm con virus này. Thiết nghĩ, để ngăn chặn bệnh quan liêu, trì trệ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước cần có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực giám sát, kiểm soát kết quả thực thi công vụ. Có phác đồ điều trị những quan chức nhiễm virus trì trệ như phòng chống dịch, chắc chắn Việt Nam sẽ phục hồi được kinh tế sau cơn bão.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều