+
Aa
-
like
comment

Mệnh lệnh của sự phát triển

sông trà - 05/01/2021 15:44

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tụt hậu, đang là vùng trũng của phát triển doanh nghiệp, đứng thứ 2 từ dưới lên so với các vùng, chỉ hơn miền núi phía Bắc. Chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ cũng đang là một thách thức… Nếu có cách để khơi thông các điểm nghẽn, khơi dậy tiềm năng thì ĐBSCL có thể vượt lên trong thời gian tới.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm được khởi công, khánh thành cũng chính à mệnh lệnh của sự phát triển cho ĐBSCL

“Điểm tựa” mới cho phát triển

ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố, hiện là vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước. Nhiều năm nay, hạ tầng giao thông  xuống cấp, thiếu kết nối đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng.

Cả vùng mới chỉ có hơn 40 km đường cao tốc là tuyến TP HCM – Trung Lương, trong khi khoảng 80% lượng hàng hóa của các địa phương phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại TP HCM. Hệ thống giao thông đường thủy được đánh giá là lợi thế của ĐBSCL nhưng thực tế phát triển còn manh mún, không đồng cấp về độ sâu.

Gần đây, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được đầu tư mở ra cơ hội giao thương lớn cho các tỉnh, thành ĐBSCL, đáp ứng niềm mong chờ của hơn 20 triệu người dân trong vùng. Chẳng hạn:

Mới đây, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã di chuyển thực nghiệm trên toàn tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và dự lễ cắt băng thông tuyến cao tốc này.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khởi công từ tháng 11/2009. Sau gần 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10% thì đến tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Sau hơn 18 tháng tái khởi động, Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện theo cam kết với Thủ tướng Chính phủ về việc phải thông tuyến dự án vào cuối năm 2020.

Sáng 4/1, tại xã Thuận An (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công xây dựng dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn 1.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có chiều dài 22,97 km, trong đó 10,44 km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, còn lại là trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Điểm đầu của dự án nằm tại phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Điểm cuối của dự án tại nút giao cầu Chà Và (kết nối Quốc lộ 1), thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.826 tỉ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Theo Bộ GTVT, đến nay, dự án đã bàn giao 17,8/22,97 km. Giải ngân chi phí giải phóng mặt bằng trên kế hoạch vốn đã bố trí đạt 100%.

Được biết, trong năm 2021, Bộ GTVT sẽ triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư, dự án khả thi để tiếp tục khởi công đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển của các tỉnh ĐBSCL với chiều dài khoảng 400 km. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT sớm khởi công tuyến tránh Long Xuyên, tỉnh An Giang với số vốn gần 1.500 tỉ đồng.

Thực tế cho thấy, cơ hội mở ra nhiều kỳ vọng để vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản lớn nhất nước này đóng góp nhiều hơn nữa và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Cơ hội này bắt đầu từ giao thông được “mở”.

Với hàng loạt dự án giao thông cho ĐBSCL được cắt băng thông khánh thành, khởi công… Chắc chắn sẽ sớm xóa bỏ được tình trạng “đói” đường cao tốc, “khát” đường giao thông trong thời gian dài vừa qua của Miền Tây.

Đánh thức mảnh đất “Chín Rồng”

ĐBSCL luôn được ví như là “vựa lúa”, “vựa trái cây” và “vựa thủy sản” của cả nước. Kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, vùng đất giàu tiềm năng được mệnh danh là “Chín Rồng” có gần 20 triệu dân này liên tục đổi thay, chuyển mình, góp phần quan trọng vào diện mạo tươi đẹp của cả nước nói chung.

Hằng năm, toàn vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước, sản xuất hơn 53% sản lượng lúa, cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, đóng góp khoảng 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Là vùng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đi lên chủ yếu bằng nông nghiệp. Do vậy, để ĐBSCL phát triển, cần sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào 3 sản phẩm mũi nhọn của vùng là lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, khai thông các kênh tín dụng (vốn ngân sách, ODA, FDI, vốn DN tham gia và vốn tín dụng ngân hàng) và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các sản phẩm mũi nhọn này.

Bên cạnh đó, ĐBSCL còn là một trong những trung tâm năng lượng lớn (nhiệt điện, điện gió, khí) của cả nước; và là cửa ngõ giao thương quan trọng, đưa hàng hóa của Việt Nam tiếp cận với thế giới, nhất là các nước Đông Nam Á.

Thế nhưng, vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Mặc dù trong 20 năm trở lại đây, ĐBSCL duy trì được tỉ trọng trên dưới 18% trong tổng GDP quốc gia, song chỉ bằng 2/3 của mức đóng góp 27% của năm 1990. Vào năm 1990, GDP của TP HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL nhưng 2 thập niên sau, tỉ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến nay.

Song song, tình trạng di cư của người dân vùng ĐBSCL về TP HCM và miền Đông Nam Bộ đáng báo động, mà nguyên nhân chính là thiếu việc làm, mà việc làm lại phụ thuộc vào… giao thông.

Nói cách khác, khi giao thông cách trở thì ảnh hưởng đầu tiên là thiếu thu hút đầu tư từ nước ngoài. Kể cả đầu tư trong nước cũng không nhiều tập đoàn lớn, công ty có quy mô sản xuất lớn để giải quyết việc làm. Doanh nghiệp bên ngoài không vào do cơ sở hạ tầng kết nối kém.

Điều đó đã và đang khiến cho ĐBSCL từ một vùng đất giàu tiềm năng phát triển, bỗng trở nên ì ạch, không thể bứt tốc. Dù ĐBSCL có lợi thế nằm kế TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động và phát triển, song không được hưởng lợi để phát triển.

Nói như TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “ĐBSCL đang tụt hậu, đang là vùng trũng của phát triển doanh nghiệp, đứng thứ 2 từ dưới lên so với các vùng, chỉ hơn miền núi phía Bắc. Chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ cũng đang là một thách thức… Nếu có cách để khơi thông các điểm nghẽn, khơi dậy tiềm năng thì ĐBSCL có thể vượt lên trong thời gian tới”.

Mục tiêu cơ bản để phát triển kinh tế vùng là tối thiểu phải kết nối 2 trung tâm là TP Cần Thơ với TP HCM. Rất vui mừng vì bức tranh giao thông ĐBSCL gần đây đã tạo ra được các điểm sáng với hệ thống đường dọc, trục ngang, các cầu vượt sông lớn, cụm cảng và luồng, các sân bay trong vùng được đầu tư.

Đặc biệt là việc khởi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là điểm mấu chốt giải quyết bài toán phát triển của trung tâm vùng là Cần Thơ cũng như cho sự phát triển chung của ĐBSCL.

Tất cả minh chứng một điều, không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua nếu có ý chí, sự quan tâm chung, đoàn kết phấn đấu từ Trung ương tới địa phương. Cho đến khả năng tổ chức thực hiện của tỉnh, các đơn vị có liên quan, sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật cần thiết.

Có thể nói, nhiều quyết sách liên quan đến ĐBSCL gần đây của Chính phủ đã góp phần tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông, khơi thông “điểm nghẽn về giao thông” và đang mang đến kỳ vọng cho hơn 20 triệu người dân vùng châu thổ này.

Chính những chủ trương, chính sách, quyết sách đó mang theo mệnh lệnh của sự phát triển. Nó sẽ đánh thức mảnh đất “Chín Rồng” sau một thời gian tạm “ngủ đông”.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều