+
Aa
-
like
comment

Mê cung giữa lòng thành phố

Phạm Khoa - 21/02/2023 00:27

Nhiều năm qua, mỗi khi cần ra đường liên hệ công việc, người dân TP.HCM không ít thì nhiều sẽ gặp phải những tình huống dở khóc dở cười với cùng một tên đường, nhưng khác quận.

Người dân di chuyển trong thành phố

Một ngày đẹp trời, nếu buồn buồn gõ từ khóa “đường Hoàng Hoa Thám, TP.HCM”, bạn sẽ phải bất ngờ khi có đến 5 con đường mang tên này ở 5 quận khác nhau, là: quận 1, quận Tân Bình, quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp, và quận Bình Thạnh.

Nhưng đây chưa phải trường hợp cá biệt, vì còn rất nhiều đường trùng tên ở các quận huyện của TP.HCM, như: đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, quận 10, và huyện Hóc Môn); đường An Dương Vương (quận 5 và quận Bình Tân), đường Lê Thị Riêng (quận 1 và quận 12); đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp và quận 5); đường Nguyễn Du (quận 1 và quận Gò Vấp); đường Phạm Ngũ Lão (quận 1 và quận Gò Vấp), đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh và quận Tân Bình)…

Dường như muốn thử thách thêm trí tưởng tượng và óc phán đoán của người dân, những con đường ở các quận huyện vùng ven thành phố còn được đánh số một cách khó hiểu, “bí hiểm”, không theo nguyên tắc nào, như: ĐTH 02, ĐTH 11, TMT 01, TMT 2A, TMT 05, TMT 10, TMT 13, TCH.34-35-36… ở quận 12; : XTT2, XTT5, XTT 46, XTT 19, XTT 27, XTT 6-2, XTT 6-2-1, XTT 6-2-2…ở huyện Hóc Môn,…

Trước giờ, không ai trong chúng ta đặt nặng tính khoa học, cũng như giá trị văn hóa, lịch sử đặc thù của từng quận huyện trong hệ thống tên đường có ở TP.HCM. Tình trạng đặt tên đường tùy tiện, cảm tính, “gọi riết thành tên” khiến đường xá trở thành mê hồn trận, gây khó khăn cho nhiều hoạt động liên kết, giao thương của người dân. Cho nên mới có chuyện hẹn nhau ở một con đường, nhưng kẻ ở quận Tân Bình, người ở quận Gò Vấp.

Thiết nghĩ, muốn TP.HCM trở thành đô thị kiểu mẫu, hiện đại, văn minh, chính quyền và các cơ quan chuyên môn của thành phố cần quan tâm nghiêm túc hơn đến việc sửa đổi, thay mới các tên đường một cách khoa học, hợp với văn hóa, lịch sử nước nhà, cũng như văn hóa, lịch sử. Điều này sẽ góp phần chấn chỉnh lại một vấn nạn trước giờ vẫn tồn tại song song với sự lộn xộn của tên đường, là số nhà, giúp cho việc quản lý nhân khẩu trên nhiều phường xã được tốt hơn.

Đây phải là ưu tiên hàng đầu trong những biện pháp chỉnh trang đô thị mà TP.HCM đang tích cực triển khai thực hiện. Mong sao tương lai không xa, những con đường có tên trên bản đồ TP.HCM sẽ không còn bị gọi là “mê hồn trận” hay “mê cung” nữa.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều