Máy xét nghiệm COVID 7,2 tỷ xuống 4,8 tỷ: Bị lỗ… cớ sao Cty Giải Pháp Việt phải hạ giá?
Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt đã cho biết sẽ giảm giá hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động cho Quảng Nam từ 7,23 tỷ xuống còn 4,85 tỷ đồng. Bị lỗ vốn nhưng vì sao công ty này phải hạ giá?
Mới đây, bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt cho biết, giá đầu vào theo chào hàng lần đầu từ Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông đối với riêng hệ thống máy xét nghiệm là 5,2 tỷ đồng, chi phí hóa chất ước tính 550 triệu đồng, chi phí kỹ sư, chuyên gia và các chi phí khác ước tính 50 triệu đồng.
Khi bán máy cho tỉnh Quảng Nam với giá 7,23 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của công ty bà là 1,43 tỷ đồng. Sau khi nộp hơn 382,5 triệu đồng tiền thuế, công ty bà thu lợi nhuận hơn 1,04 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận gần 14,5%).
Tại buổi làm việc của UBND tỉnh Quảng Nam với các Sở, ban ngành liên quan chiều 29/4, bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Giải Pháp Việt đã giải thích về lý do giảm giá từ 7,23 tỷ còn 4,853 tỷ đồng.
Bà Tuyến chia sẻ 3 lý do “về lý”, “về tình”. Thứ nhất, công ty nhập khẩu đồng ý giảm giá sau khi thương thảo lại. Thứ hai, chi phí rủi ro thực tế khi thực hiện hợp đồng thấp hơn so với chi phí rủi ro mà công ty bà tính toán. Thứ ba, công ty giảm lãi suất xuống 0% với mong muốn “đóng góp nhỏ bé để cùng Quảng Nam chống dịch”.
Tuy nhiên, nếu giảm xuống mức 4,85 tỷ, dư luận cho rằng, Công ty Giải Pháp Việt sẽ lỗ và đặt câu hỏi: “Vì sao phải hạ giá?”.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Công ty Giải Pháp Việt đột ngột giảm giá hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR cho Quảng Nam sau khi xảy ra vụ việc tại CDC Hà Nội là dấu hiệu bất thường.
Luật sư Cường phân tích, về nguyên tắc trong kinh doanh là doanh nghiệp luôn hướng đến lợi nhuận. Khi giao dịch thành công, hợp đồng được ký kết và thực hiện. Không có lý do gì doanh nghiệp lại từ bỏ lợi nhuận, lợi ích của mình trừ trường hợp giao dịch đó có sai phạm hoặc không thể thực hiện được vì lý do khách quan.
Bởi vậy, việc các bên thực hiện chỉ định thầu, ký kết hợp đồng bán thiết bị, bàn giao thiết bị là trách nhiệm của các bên. Việc sửa đổi nội dung hợp đồng sau khi đã được ký kết thực hiện để giảm giá là hành động của hai bên. Tuy nhiên, sự việc này có hợp pháp hay không, có sai phạm hay không, trách nhiệm pháp lý đến đâu thì cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ. Nếu có sai phạm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.
“Trong trường hợp quá trình xác minh thông tin từ các chứng từ nhập khẩu, giá cả thị trường, các giao dịch mua đi bán lại trước khi bán cho trung tâm kiểm soát bệnh tật mà có căn cứ cho thấy giá cả trong hợp đồng đã bị đẩy lên so với giá trị thực tế nhằm trục lợi thì sai phạm cũng giống như ở CDC Hà Nội mà cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố” – luật sư Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, trường hợp các bên có hành vi vi phạm sau đó giảm giá bán, thậm chí hủy bỏ hợp đồng hoàn trả lại tiền cũng không phải là cách để rũ bỏ trách nhiệm pháp lý.
“Ve sầu thoát xác không phải là một kế sách có thể sử dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra. Nếu có hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra, việc thực hiện các hành vi sau đó (như giảm giá, hủy bỏ giao dịch…) chỉ có thể là các biện pháp khắc phục hậu quả để giảm nhẹ một phần trách nhiệm pháp lý chứ không phải trách nhiệm theo kiểu: Nếu không ai phát hiện thì chiếm đoạt, phát hiện sẽ trả lại là xong…!” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Đồng thời cho rằng, nếu hành vi vi phạm xảy ra thì hành vi cấu thành tội phạm từ thời điểm các bên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật – ký kết hợp đồng với giá không đúng giá trị thị trường. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ có dấu hiệu nâng giá để trục lợi hay không, nếu có thì sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/5, thông tin thêm về việc điều tra sai phạm tại CDC Hà Nội trong việc nâng khống tiền mua máy xét nghiệm COVID-19, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, ngày 22/4, cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội. Đồng thời, ra quyết định khởi tố 7 bị can, trong đó bắt tạm giam 6 bị can, 1 bị can cho tại ngoại.
Kết quả bước đầu xác định các đối tượng cùng các công ty cấu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm COVID-19 lên gấp 3 lần, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thi hành các quyết định khởi tố theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội và cũng tự nguyện khắc phục hậu quả và hoàn tiền. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tập trung khẩn trương làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản Nhà nước và tiến hành điều tra mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Qua nắm tình hình thì vừa qua nhiều địa phương trên cả nước cũng mua các thiết bị, hóa chất và khẩu trang y tế để phòng chống dịch COVID-19. Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định và thanh tra các địa phương đã vào cuộc để thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, nhất là các gói thầu mua sắm máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế hóa chất vật tư tiêu hao.
Nếu sau thanh tra mà có dấu hiệu vi phạm thì lúc đó cơ quan Công an sẽ tiếp nhận và xử lý theo quy định.
Hải Ninh/Kiến Thức