“Mấy thầy, mấy cậu với mấy cô – Rủ nhau đi mở cái Đông Đô…!”
Về phía Đông Đô, hãy đứng dậy từ chính “vũng bùn” mà mình “ngã xuống” để câu “ca dao” trên mãi mãi đi vào quá khứ…!
Hàng trăm tấm bằng đã được “bán ra” với giá từ 28-35 triệu đồng (nếu qua “cò”, số tiền có thể lên tới từ 50-150 triệu đồng). Cùng với đó là hàng trăm sinh viên khác tiền mất, tật mang đang khẩn thiết đòi bồi thường tổn hại.
Đó là thực trạng đang diễn ra tại Đông Đô, một trong những trường đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam.
Trên trang Bách khoa toàn thư mở (WikipediA) cho biết, Đại học Đông Đô được thành lập cách đây đã ¼ thế kỉ (1994) với “quy trình đào tạo nhằm tạo ra những con người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có sức khoẻ, được trang bị kiến thức cơ bản, kỹ năng thực hành và năng lực thích ứng với thực tiễn. Sinh viên có khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm, sinh viên tốt nghiệp của trường luôn đáp ứng hai yêu cầu cơ bản: sáng tạo trong tư duy, năng động trong thực tiễn…”.
Tuy nhiên kể từ khi thành lập, trường đã không ít điều tiếng mà gần đây nhất, là vụ “bán bằng” và vụ “nợ bằng” nói ở trên.
Đáng lo ngại hơn là theo thông báo từ nhà trường, 10 giờ ngày 25.8.2019 vừa qua sẽ có cuộc “đối thoại” với hàng trăm sinh viên tại Hải Phòng xung quanh chuyện “nợ bằng”. Phía nhà trường sẽ có ông Lê Ngọc Tòng – Phó hiệu trưởng, bà Trần Kim Oanh- Phó hiệu trưởng và cô Nguyễn Thị Thảo.
Tuy nhiên, đến hơn 11 giờ cuộc đối thoại vẫn chưa được tiến hành và thất vọng hơn nữa, cả hai vị Phó Hiệu trưởng nói trên đều không có mặt mà chỉ có cô Thảo và một người tên Nghiệp, một người tên Hiệp.
Tất nhiên, cuộc “đối thoại” ấy chỉ có “đối” mà không có… “thoại”. Những câu hỏi của sinh viên như họ đã học hai năm, đã thi xong tốt nghiệp, vậy họ có được cấp bằng không? Văn bằng của họ có được công nhận không? Nếu không được công nhận thì số tiền họ bỏ ra để học suốt hai năm qua có được hoàn lại không?… đều không có câu trả lời.
Lý do, đại diện phía nhà trường không phải là người có thẩm quyền và vị thế nên tất nhiên, kết quả cuối cùng là tập hợp để… báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Công bằng nhìn lại, ngành giáo dục đào tạo gần đây có nhiều vụ “lùm xùm”. Song, vụ việc ở Đại học Đông Đô là tích tụ của nhiều năm trước.
Xin nhắc lại, cách đây 15 năm (2004) cũng tại trường này, TAND Tối cao tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù treo với bị cáo Trần Văn Đắc (quyền hiệu trưởng) và Phan Văn Hạp (uỷ viên HĐQT) lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281, Bộ luật hình sự) đến mức dư luận khi đó xuất hiện câu “ca dao”: “Mấy thầy, mấy cậu với mấy cô…” nói ở trên.
Cuối cùng, câu trả lời cho vụ việc này sẽ như thế nào? Đây là câu hỏi mà không ai khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tìm lời giải.
Người viết bài này chỉ có đôi lời với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rằng tuy đứng cuối cùng trong đợt lấy phiếu tín nhiệm tại nghị trường vừa qua, song gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều nỗ lực và đã có những kết quả mà thành công của kỳ thi Trung học Phổ thông vừa qua là một minh chứng.
Song, một trong những việc cần làm ngay, đó là Bộ cần khẩn trương chấn chỉnh lại hoạt động của các trường ngoài công lập để từ đó, thực hiện đạt tỉ lệ 40% loại hình đào tạo này theo Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (1986).
Về phía Đông Đô, hãy đứng dậy từ chính “vũng bùn” mà mình “ngã xuống” để câu “ca dao” trên mãi mãi đi vào quá khứ…!
Bùi Hoàng Tám