+
Aa
-
like
comment

“Mấy ai thấy bọn em ngất xỉu, kiệt sức trên đường chống dịch?”

23/08/2021 16:55

Phúc ngất xỉu 2 lần và nhiều lần khác choáng váng vì kiệt sức. Suốt 2 tháng nay Phúc lấy xe hơi của anh đi chống dịch, chở bệnh nhân F0 đi bệnh viện, lái xe cấp cứu, chở bình oxy cho các F0 và nhiều việc khác…

Giấc ngủ vội bên đường của Phúc và đồng đội (trái) và hình ảnh của Phúc lúc mới tỉnh dậy sau một lần ngất xỉu /// Ảnh NVCC
Giấc ngủ vội bên đường của Phúc và đồng đội (trái) và hình ảnh của Phúc lúc mới tỉnh dậy sau một lần ngất xỉu

Nguyễn Hoàng Phúc, 24 tuổi, Đoàn viên P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM là tài xế taxi công nghệ, lái xe hợp đồng du lịch. Dịch Covid-19 làm anh thất nghiệp. Nhưng không thể ngồi yên nhìn anh em Đoàn thanh niên của phường vất vả ngược xuôi, Phúc lấy xe hơi của mình, bỏ tiền túi đổ xăng và kêu gọi các đồng nghiệp khác cùng lấy xe 5 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ giúp phường chống dịch.

Anh cũng gói hành lý, chuyển lên UBND phường ở suốt 2 tháng qua để thuận tiện hơn cho việc hỗ trợ bà con.

Ngủ ngay bên vệ đường

Khuya 20.8 chúng tôi mới nói chuyện được với Phúc qua điện thoại, chàng trai kể đang úp vội tô mì. Mấy ngày rồi, anh chỉ uống sữa, ăn bánh và liên tiếp mì gói, chưa biết mùi vị hạt cơm thế nào.

“Sáng nay tôi đi chở các bác sĩ tới điểm tiêm vắc xin cho bà con, sau đó đi đón đoàn y tế từ Hà Nội hỗ trợ tổ phản ứng nhanh trên địa bàn phường. Xong xuôi là đi chở bình oxy tới các F0 đang cách ly tại nhà; thu hồi bình và nạp thêm oxy; vận chuyển F0 đi cấp cứu tại bệnh viện; chở các F0 đã khỏi bệnh về nhà. Ở phường có những người xấu số không thể vượt qua, chúng tôi cũng tới nhà tang lễ, chở các hũ tro cốt về trao tận tay cho người thân…”, Phúc kể một hồi.

Ngất xỉu, kiệt sức trên đường chống dịch - ảnh 1
Những chàng trai như Phúc đã quen với việc ăn vội, uống vội và ngủ vội, đặt lưng xuống vệ đường, ghế đá đều có thể chợp mắt ít phút Ảnh NVCC

Có những đêm Phúc nghỉ chưa đầy 3 tiếng đồng hồ thì lại nghe đồng đội gọi, cần khẩn cấp chở bình oxy tới nhà cho các F0. Tùy địa hình tới nhà người bệnh, Phúc và anh em sẽ chạy xe máy hoặc xe hơi. Những ca F0 nặng cần phải chở tới bệnh viện gấp, anh và đồng đội vội mặc đồ bảo hộ rồi lái xe tới, làm sao để tới được nhà bệnh nhân nhanh nhất. P.Bình Trị Đông có một xe cấp cứu, cũng đích thân Phúc cầm lái, anh cùng với các y bác sĩ từng phút giành giật sự sống cho người bệnh.

Làm việc bất kể giờ giấc, Phúc và các đồng đội vận chuyển F0 đã quen với ăn vội, uống vội và ngủ vội ngay bên vệ đường. “Trong lúc chờ lực lượng y tế vào sơ cứu, đưa bệnh nhân lên xe, lúc này không khí trên xe còn sạch, tôi uống vội hộp sữa, cắn vội miếng bánh. Khi bệnh nhân lên là tuyệt đối không được mở khẩu trang ra nữa. Có hôm chuyển bệnh nhân tới bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức xong thì 5 giờ sáng, mấy anh em, với nguyên xi khẩu trang, đồ bảo hộ, cứ thế nằm vật ra ngay trên đường ngủ nửa tiếng. Rồi lại xoay vòng về phường, chở thêm vài ca nữa như thế”, Phúc nói.

Ngất xỉu, kiệt sức trên đường chống dịch - ảnh 2
Phúc và anh em ngủ ngay bên đường sau một lần vận chuyển F0 tới bệnh viện dã chiến. Mọi người ngủ ít phút trước khi quay lại phường đón thêm F0 khác Ảnh NVCC

Phúc có đầy đủ các trang phục bảo hộ, bộ màu xanh cấp độ 1 chỉ mặc khi đưa đón các y bác sĩ, còn khi lái xe cấp cứu, vận chuyển F0, anh phải mặc bộ màu trắng, cấp độ 4. Bộ đồ dày như áo mưa, không thấm cũng không thoát nước, mặc lâu khiến ai cũng nổi mụn ngứa khắp người.

Ròng rã hơn 2 tháng làm đủ nhiệm vụ chống dịch, Phúc sụt 10 kg. Chàng trai cao 1,7 m, từng nặng tới 101 kg cho hay anh nhiều lần bị ngất xỉu vì kiệt sức. Một lần là vận chuyển một ca cấp cứu F0, quay về phường là 2 rưỡi sáng, vừa mở cửa xe bước xuống, anh ngã lăn.

Lần khác, buổi sáng Phúc được tiêm vắc xin, đáng lẽ được về nghỉ ngơi nhưng không đành lòng thấy công việc còn ngổn ngang, Phúc hỗ trợ đội tình nguyện viên tới 11 giờ đêm thì ngất xỉu luôn. Vậy mà khỏe lại một chút, tới 4 giờ sáng hôm sau, Phúc lại lên đường, tiếp tục công việc.

Vừa lo việc gia đình, vừa chống dịch

Hơn 2 tuần trước, 5 trong tổng số 8 thành viên của gia đình của Phúc dương tính với Covid-19. Mọi người đi cách ly tập trung, Phúc ở ngoài vừa đi chống dịch, vừa lo việc tiếp tế thuốc men, nhu yếu phẩm cho người nhà.

Bình thường, mọi người động viên Phúc để anh giữ gìn sức khỏe, còn bây giờ, Phúc khích lệ tinh thần cả nhà. Đặc biệt là mẹ anh, bị tiểu đường và hay suy nghĩ. “Bà ngoại và em trai tôi đã âm tính và được xuất viện. Mẹ tôi và các dì cũng đang bình phục dần, tôi mừng lắm”, Phúc tâm sự.

Ngất xỉu, kiệt sức trên đường chống dịch - ảnh 3
Phúc (phải) và người đồng đội trong phút giải lao, xe cấp cứu của họ đậu trên con đường ngập nước sau cơn mưa lớn Ảnh NVCC
Ngất xỉu, kiệt sức trên đường chống dịch - ảnh 4
Có những khoảnh khắc tim Phúc đau thắt lại, anh và đồng đội đưa tro cốt người mất vì Covid-19 về gia đình

Hơn 3 năm nay, Phúc là đội phó Biệt đội SOS Sài Gòn, những ngày chưa có dịch, mỗi đêm anh và các đồng đội trực điện thoại và hỗ trợ mọi người gặp tai nạn, hỏng hóc xe cộ trên khắp các nẻo đường. Bây giờ, chàng trai là Đoàn viên năng nổ của P.Bình Trị Đông ròng rã đi chống dịch. Những ngày tháng này cho anh trân trọng hơn những phút giây được sống và làm điều có ích cho cộng đồng.

Phúc kể, anh sẽ chẳng thể nào quên được những chuyến xe chở các F0 đã khỏi bệnh về nhà, lấy hành lý xong ai cũng cúi gập người xuống cảm ơn Phúc, anh dặn dò mọi người giữ gìn sức khỏe. Rồi những ngày Phúc nhận được những tin nhắn cảm ơn nhờ anh chở họ đi cấp cứu, bây giờ họ khỏe mạnh rồi…

Ngất xỉu, kiệt sức trên đường chống dịch - ảnh 5
Những ngày tháng này sẽ sớm qua đi, bình yên sẽ trở lại, những người trẻ P.Bình Trị Đông luôn tin như thế Ảnh NVCC

Nhưng cũng có những ngày, Phúc thấy tim mình đau, F0 mà các anh chở đi cấp cứu đã mất khi xe vừa tới cổng bệnh viện. Hay hũ tro cốt được các anh trao tới người thân, mọi người lặng lẽ khóc. Những lần ngất xỉu, kiệt sức trên đường chống dịch của Phúc không thấm tháp gì với những mất mát ấy. Những nỗi buồn này rồi sẽ qua đi, TP.HCM sẽ chiến thắng đại dịch, Phúc và đồng đội đều có một niềm tin như thế…

Thúy Hằng

Bài mới
Đọc nhiều