Máu vẫn đổ giữa thời bình vì….rượu bia
Chỉ trong vòng 0,42 giây trên google với từ khóa “các vụ án trên bàn nhậu” đã cho ra gần 5.412.000 kết quả. Con số đó cho ta thấy tác hại của việc xử dụng bia rượu không chỉ là vấn đề tham gia giao thông.
Không phải ngẫu nhiên mà Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực kịp thời ngay thời điểm đầu năm mới 2020 và Tết cổ truyền, đem đến nhiều niềm vui lẫn kỳ vọng cho người dân vì nó sẽ góp phần giảm tai nạn giao thông, những cái chết thương tâm.
Máu đổ giữa thời bình vì….rượu bia và ma túy
Những ngày qua, dư luận bất bình vì một trung úy là thành viên trong tổ công tác 363, Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM bị một “quái xế” “đi bão” tấn công có chủ đích, khiến anh thiệt mạng khi đang thi hành công vụ.
Như tin truyền thông đưa tin, tổ cảnh sát 363 Công an huyện Hóc Môn phát hiện hơn 10 thanh niên đua xe trái phép, quậy phá trên quốc lộ 22, rạng sáng 31/12. Vừa thấy cảnh sát, nhóm này quay đầu bỏ chạy, riêng Nguyễn Thành Long (22 tuổi) chở Huỳnh Ngọc Chung (27 tuổi) lao thẳng xe vào tổ công tác.
Cú tông mạnh trúng trung uý Nguyễn Phạm Thành Nhân, hất anh văng xa, ngất xỉu. Hai thanh niên bỏ xe chạy bộ khỏi hiện trường. Được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng anh Nguyễn Phạm Thành Nhân đã tử vong do chấn thương sọ não.
Nhìn rộng hơn, những năm gần đây, có không ít cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng quân đội, công an đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu phòng, chống tội phạm để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Chẳng hạn, cùng vào thời điểm cuối tháng 7/2019, dư luận phẫn nộ với việc một CSGT bị tông hất văng ở Gia Lai và khi kiểm tra thì tài xế dương tính ma túy đá;, Đại úy CSGT Mai Hùng Sơn Hà Nội bị người vi phạm đánh phải nhập viện; Hoặc, Thiếu tá Vi Văn Nhất, cán bộ thuộc Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thanh Hóa (6/2019). Trước nữa, Thượng tá Cao Đăng Cường và Đại úy Nguyễn Thành Chủng (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa) hy sinh năm 2017; Thượng úy Lưu Minh Thức, Công an huyện Yên Minh (Hà Giang) hy sinh năm 2018…
Có thể nói, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi khi được giao nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ dù là công an hay quân đội luôn luôn thực hiện với tinh thần hết mình vì công việc. Giữa thời bình nhưng máu của các anh vẫn đổ. Các anh nằm xuống trong lòng đất mẹ để giữ cho cuộc sống thanh bình, để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Sự hy sinh đó thực sự thiêng liêng!
Luật phòng chống tác hại rượu bia rất cần ở thời điểm hiện nay
Chỉ trong vòng 0,42 giây trên google với từ khóa “các vụ án trên bàn nhậu” đã cho ta 5.412.000 kết quả. Con số đó cho ta thấy tác hại của việc xử dụng bia rượu không chỉ là vấn đề tham gia giao thông.
Quy định mới về luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực ngày 1/1/2020 đang khiến dư luận trong nước bàn tán xôn xao. Họ ủng hộ về chủ trương nhưng bất đồng về mức độ phạt. Điều đáng nói ở đây, họ quên mất rằng việc uống rượu, bia không chỉ là gây tai nạn mà còn là hậu quả của các vụ xung đột dẫn đến thương vong rất nhiều.
Một điểm chung ai cũng thấy là các lái xe uống bia rượu, dùng ma tuý hầu hết đều hạn chế khả năng điều chỉnh hành vi, cá biệt có trường hợp thiếu kiềm chế, mất tự chủ dẫn đến thái độ không chấp hành, kháng cự lại lực lượng chức năng.
Có nhiều người cho rằng người làm ra Luật phòng chống tác hại rượu bia chắc là một người đàn bà vì những cái nhỏ nhặt nhất của việc “cụng ly” cũng bị phạt, đi xe đạp mà có nồng độ cồn cũng bị phạt, rồi họ còn nói ‘không biết khi nào đi bộ có nồng độ cồn cũng sẽ bị phạt’.
Theo đó, mức xử phạt về nồng độ cồn tại Việt Nam mới đây thì cũng khá cao so với trước. Đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 – 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg /1l khí thở. Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 nghìn đồng…
Xem mức phạt mới này có thể cao thật, nhưng nếu so sánh với một số nước trên thế giới thì vẫn chưa đủ độ nghiêm. Thí dụ: Ở Anh, người điều khiển phương tiện giao thông bị kết tội lái xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.35mg/1 lít khí thở có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 6 tháng, nộp phạt 2.500 bảng Anh hoặc cấm lái xe ít nhất 1 năm. Người từ chối cung cấp mẫu máu, hơi thở hoặc nước tiểu để đo nồng độ cồn có thể bị tù 6 tháng, bị phạt tiền hoặc cấm lái xe ít nhất 1 năm.
Tại Australia, từ ngày 20/5/2019, các vi phạm như nồng độ cồn từ 0.15 mg/1 lít khí thở trở lên, từ chối đo khí thở, xét nghiệm máu hoặc nồng độ cồn trong máu sẽ bị phạt 3.300 đô la Australia nếu vi phạm lần đầu, phạt 5.500 đô la nếu vi phạm từ lần 2 trở đi, phạt tù từ 18 tháng đến 2 năm, tước bằng lái từ 1-2 năm. Với các tài xế có nồng độ cồn từ 0.08 đến dưới 0.15 mg/1 lít khí thở chịu mức phạt từ 2.200 đến 3.300 đô la, phạt tù từ 9 tháng đến 12 tháng, tước bằng lái từ 6 tháng đến 12 tháng.
Theo pháp luật Trung Quốc, những trường hợp có nồng độ cồn dưới 80 mg/100 ml máu sẽ bị phạt từ 1.000 nhân dân tệ đến 2.000 nhân dân tệ (3 triệu – 6 triệu đồng) và đình chỉ giấy phép lái xe trong 6 tháng. Trường hợp nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu bị phạt tối đa 3 năm tù và bị cấm lái xe trong vòng 5 năm.
Sự “ồn ào” của một số người không ủng hộ Luật phòng chống tác hại rượu bia được đẩy lên đỉnh điểm khi theo quy định mới, xử phạt nồng độ cồn được áp dụng vào đúng ngày đầu tiên của năm mới và cũng bên thềm của Tết Nguyên đán. Họ đặt ra câu hỏi: Với một phong tục tập quán và một nền văn hóa lâu đời như Việt Nam thì Tết năm nay có còn vui khi không uống bia rượu?
Mà thực tế phần lớn người dân chúng ta vẫn đang di chuyển bằng phương tiện cá nhân, đến nhà người ta chúc tết, nâng chén rượu nhạt xong không nhẽ để xe lại đó để… bắt taxi về. Mà nếu cố tình đi xe về, rủi một chút bị công an giữ lại thổi nồng đồ cồn thì cả gia đình coi như… mất Tết.
Thế nhưng, chúng ta hãy nhớ lại “lệnh” cấm đốt pháo khi xưa. Khi lệnh cấm đốt pháo được thực hiện triệt để thì Tết cũng có thay đổi, hụt hẫng hơn, không còn không khí như trước nhưng rồi mọi người cũng thích nghi dần và lựa chọn những cách thức khác để vui Tết.
Hơn nữa, một Tết Nguyên đán Canh Tý có vui không còn phụ thuộc vào mỗi gia đình và hoàn cảnh. Dù như thế nào thì Tết cũng sẽ đến trong ít ngày nữa và rồi cũng sẽ trôi qua đi. Việc xử phạt người uống rượu, bia khi tham gia giao thông mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, song hãy cứ thực hiện đi, tuân thủ đi, ít nhất là nó phù hợp ở thời điểm hiện tại. Bởi, nếu không làm nghiêm việc xử phạt nồng độ cồn thì sẽ có rất nhiều con người mãi mãi không bao giờ được đón thêm một cái Tết nữa.
Sông Trà