+
Aa
-
like
comment

Mẫu oanh tạc cơ giúp Mỹ phô diễn uy lực ở châu Á

26/05/2020 07:37

Máy bay B-1B liên tục hiện diện ở châu Á – Thái Bình Dương, thể hiện khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ trong quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc.

Sau khi rút hết oanh tạc cơ B-52 khỏi Guam và chấm dứt nhiệm vụ Hiện diện Oanh tạc cơ Liên tục (CBP) tại đây hôm 17/4, Mỹ đã khiến nhiều đồng minh, đối tác ở châu Á – Thái Bình Dương hoài nghi về cam kết của nước này với khu vực. Không lâu sau đó, đến đầu tháng 5, không quân Mỹ 4 oanh tạc cơ B-1B Lancer và 200 binh sĩ tới Guam, trong nỗ lực gia tăng hiện diện theo chiến lược mới.

Lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) cho biết phi đội B-1B sẽ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và “các sứ mệnh răn đe chiến lược” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Kế hoạch này được thiết kế nhằm di chuyển oanh tạc cơ chiến lược tới nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới, thể hiện “tính khó dự đoán trong tác chiến” của chúng, khiến đối thủ phải liên tục phỏng đoán lực lượng Mỹ đang ở đâu.

Chiếc B-1B diễn tập cùng tiêm kích F-16 Mỹ và F-2 Nhật hôm 22/4. Ảnh: USAF.
Chiếc B-1B diễn tập cùng tiêm kích F-16 Mỹ và F-2 Nhật hôm 22/4. Ảnh: USAF.

Không chỉ thực hiện những chuyến bay kéo dài hàng chục tiếng đến các khu vực khác nhau, các phi cơ B-1B đang nối lại hoạt động huấn luyện với vũ khí tiến công tầm xa có độ chính xác cao tại Thái Bình Dường, sự chuyển dịch đáng kể sau nhiều năm đội bay Lancer phải làm nhiệm vụ yểm trợ mặt đất tầm gần tại Trung Đông.

“Điều tuyệt vời ở dòng B-1B là chúng có thể mang Tên lửa Chống hạm Tầm xa (LRASM), loại vũ khí hoàn hảo cho mặt trận Thái Bình Dương”, tướng Jim Dawkins Jr., chỉ huy Trung tâm điều phối Các chiến dịch Tấn công Toàn cầu Liên quân (JGSOC) của không quân Mỹ, nhận xét.

“Chúng tôi không chỉ tái điều chỉnh tỷ lệ máy bay sẵn sàng làm nhiệm vụ và các hoạt động huấn luyện, mà còn thay đổi cách triển khai để hướng tới những cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc theo Chiến lược Phòng thủ Quốc gia (NDS)”, tướng Dawkins nói thêm.

Tỷ lệ sẵn sàng làm nhiệm vụ thể hiện số lượng máy bay có thể xuất phát vào mỗi thời điểm nhất định. Không quân Mỹ đang tìm cách cải thiện con số này, vốn đang ở mức trên dưới 50%, sau khi hàng loạt chiếc B-1B mất khả năng vận hành vì phải liên tục chiến đấu trong môi trường sa mạc khắc nghiệt.

Tài liệu NDS được chính phủ Mỹ công bố năm 2018 coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược chuyên sử dụng sức mạnh kinh tế để đe dọa các láng giềng và quân sự hóa những thực thể trên Biển Đông”. Cựu bộ trưởng không quân Heather Wilson khẳng định Trung Quốc đã trở thành “mối đe dọa ngày càng lớn với không quân Mỹ trong khu vực bởi tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng”.

Chiến lược của Lầu Năm Góc là răn đe các đối thủ bằng cách ngăn họ triển khai sức mạnh quân sự. Đó là một trong những lý do 4 oanh tạc cơ B-1B liên tục cất cánh từ căn cứ Andersen trên đảo Guam từ hôm 1/5 để thực hiện các chuyến tuần tra và diễn tập trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

“Trong một cuộc tấn công mô phỏng, tổ lái sẽ chọn mục tiêu giả định, lên kế hoạch và liên tục bay trong khu vực có thể đe dọa mục tiêu đó mà không sợ bị trả đũa. Phóng tên lửa tầm xa như JASSM-ER và LRASM đòi hỏi kỹ năng khác xa nhiệm vụ yểm trợ mặt đất tầm gần được phi đội B-1B thực hiện trong những năm qua”, tướng Dawkins tiết lộ.

Các chỉ huy Mỹ không công bố chi tiết hoạt động diễn tập của những chiếc Lancer ở Thái Bình Dương, nhưng phi đội này gần đây bắt đầu mang tên lửa hành trình tàng hình JASSM, một trong những vũ khí không đối đất tầm xa uy lực nhất của Mỹ hiện nay.

Tên lửa JASSM chuẩn bị được lắp cho máy bay B-1B ở Guam hôm 8/5. Ảnh: USAF.
Tên lửa JASSM chuẩn bị được lắp cho máy bay B-1B ở Guam hôm 8/5. Ảnh: USAF.

AGM-158 JASSM là tên lửa hành trình tầm xa phóng từ máy bay do Lockheed Martin phát triển cho không quân Mỹ. Chương trình khởi đầu từ 1995, nhưng hàng loạt vấn đề trong quá trình thử nghiệm khiến tên lửa bị chê là “đầy lỗi” và Lầu Năm Góc suýt hủy bỏ nó. Sau khi loại vũ khí này được biên chế năm 2009, Lockheed Martin đã bàn giao tổng cộng 2.000 quả đạn cho không quân Mỹ.

Loại vũ khí này lần đầu tham gia thực chiến vào ngày 14/4/2018, khi 19 quả đạn tăng tầm AGM-158B JASSM-ER được phóng từ oanh tạc cơ B-1B Lancer nhằm vào các mục tiêu ở Syria. Biến thể JASSM-ER được ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình, khiến nó khó bị phát hiện và đánh chặn hơn. Quả đạn có tầm bắn hơn 900 km, so với 370 km của mẫu AGM-158 nguyên bản.

Trong khi đó, AGM-158C LRASM là tên lửa chống hạm được phát triển từ nền tảng JASSM nhằm tạo ra loại vũ khí lấp chỗ trống của tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon. Các loại vũ khí chống hạm đã bị Mỹ bỏ quên từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc khiến Lầu Năm Góc không thể ngồi yên.

Tên lửa LRASM được trang bị đầu dò vô tuyến đa chức năng cùng đường truyền dữ liệu (datalink) tiên tiến. Sau khi rời bệ phóng, nó sẽ nhận dữ liệu mục tiêu từ tàu chiến hoặc máy bay, sau đó tiếp tục nhận thông tin cập nhật về mục tiêu qua kết nối với vệ tinh. Lầu Năm Góc cho biết LRASM có tầm bắn trên 370 km, trong khi các chuyên gia ước tính con số này có thể đạt mức 560 km.

Mỗi oanh tạc cơ B-1B có khả năng mang tối đa 57 tấn vũ khí, gấp đôi những chiếc B-52 hay B-2 Spirit, cho phép chúng mang tới 24 quả JASSM-ER hoặc LRASM trong một nhiệm vụ.

Diện tích rộng lớn của Thái Bình Dương rất phù hợp với nhiệm vụ huấn luyện sử dụng các dòng tên lửa tầm xa, điều khó thực hiện khi những chiếc B-1B diễn tập ở bờ biển Mỹ. “Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể diễn tập hiệp đồng với các đồng minh khu vực, đồng thời tập bay tầm xa và tiếp dầu trên không”, tướng Dawkins nói.

Một chiếc B-1B hồi cuối tháng 4 từng thực hiện chuyến bay dài 30 tiếng từ bang Nam Dakota đến Nhật Bản và trở về Mỹ. Tổ bay đã hội quân và diễn tập cùng 6 tiêm kích F-16 Mỹ, cùng 15 máy bay F-2 và F-15 Nhật Bản ở thao trường gần thành phố Misawa trong hoạt động này.

“Phi đội B-1B có thể trở thành khuôn mặt đại diện của Mỹ tại Thái Bình Dương trong tương lai gần”, tướng Dawkins nói, thêm rằng các nhiệm vụ hiện nay sẽ mở đường cho nỗ lực tích hợp tên lửa siêu vượt âm vào kho vũ khí của dòng Lancer.

Oanh tạc cơ B-1B phóng thử tên lửa LRASM cuối năm 2017. Ảnh: US Navy.
Oanh tạc cơ B-1B phóng thử tên lửa LRASM cuối năm 2017. Ảnh: US Navy.

Bộ tư lệnh Tấn công Toàn cầu của không quân Mỹ (AFGSC) hồi năm ngoái giới thiệu gói nâng cấp cho dòng B-1B, cho phép chúng mang đến 40 tên lửa và bom các loại, cũng như những vũ khí với khối lượng tới gần 2,5 tấn, trong đó gồm cả tên lửa siêu vượt âm.

AFGSC khẳng định giải pháp này này dựa trên thiết kế có sẵn của dòng B-1B, không đòi hỏi chỉnh sửa khung thân và bảo đảm tuân thủ Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START).

“Chúng tôi đang theo đuổi giải pháp giá treo vũ khí ngoài thân, cho phép mỗi chiếc B-1B mang được 6 quả đạn Vũ khí Phản ứng nhanh phóng từ máy bay (ARRW), trong khi tên lửa LRASM và JASSM-ER vẫn sử dụng giá treo trong thân”, tướng Tim Ray, tư lệnh AFGSC, cho hay.

Vũ Anh/VE

Bài mới
Đọc nhiều