+
Aa
-
like
comment

“Mất hết niềm tin vào nền tư pháp” hay những chiêu trò chống phá đã bị vạch trần?

Bảo An - 31/05/2021 15:56

Những ngày qua, thông qua mạng xã hội, các “nhà dân chủ” râm ran câu chuyện liên quan đến Lê Văn Hòa – một thành viên trong “hợp tác xã luật sư kịch khung” – bỏ nghề, biến đây trở thành một cái cớ để tấn công nền tư pháp của Việt Nam nói riêng cũng như chống phá chế độ nói chung.

Thông tin Lê Văn Hòa từ bỏ nghề luật sư được RFA rêu rao.
Thông tin Lê Văn Hòa từ bỏ nghề luật sư được RFA rêu rao.

“Hợp tác xã luật sự kịch khung” không phải là cái tên mới lạ ở Việt Nam. Đây là cụm từ được mọi người đặt cho một nhóm luật sư chuyên tham gia bào chữa cho các đối tượng “dân chủ” phạm tội. Thực tế, quyền được bào chữa là điều mà tất cả những người bị buộc tội đều được hưởng. Tuy nhiên, một số đối tượng lại đang cố tình sử dụng quyền này để rêu rao, lan truyền những thông tin sai lệch, xuyên tạc bản chất vụ án hình sự, bao biện cho sai phạm, “đổi trắng thay đen” nội dung vụ việc, tạo cớ chống phá đất nước. Thậm chí, một số người dưới danh nghĩa luật sư đã lợi dụng các phiên toà, coi đây trở thành một “diễn đàn” để công khai cổ suý, tung hô các quan điểm, nhận thức sai trái, ủng hộ hành vi phạm tội của các đối tượng bị tuyên án, đổ lỗi cho các cơ quan tư pháp, đánh lừa nhận thức dư luận.

Quay lại với câu chuyện của Lê Văn Hòa tuyên bố từ bỏ nghề luật, có thể nói đây là một trường hợp khá “tréo ngoe”. Trước khi đi vào con đường “hợp tác xã luật sự kịch khung”, Lê Văn Hòa từng là một cán bộ chủ chốt trong cơ quan Nhà nước, là chuyên viên cao cấp bậc 5/6, hàm Vụ trưởng Vụ 4, Ban Nội chính Trung ương; nguyên Phó vụ trưởng Vụ Nội chính – Văn phòng Trung ương. Ấy vậy nhưng sau khi nghỉ hưu, Lê Văn Hòa đã nhanh chóng “trở cờ”, “đổi màu”, đi theo con đường luật sư bào chữa cho các đối tượng “dân chủ”.

Trong “bản tuyên bố từ bỏ nghề luật sư” được Lê Văn Hòa đăng tải, lý do được đưa ra là “mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam”. Lạ lùng, xảo trá, điêu ngoa và xảo quệt là những gì chúng ta có thể nói về “bản tuyên bố từ bỏ nghề luật sư” của Lê Văn Hòa. Và nực cười thay, “ăn theo” sự kiện bỏ nghề luật sư của Lê Văn Hòa, hàng loạt “con buôn dân chủ” đã nhao nhao lên mạng xã hội tung ra các thông tin thiếu chính xác, lệch lạc, trái chiều. Trong đó, những luận điệu xấu, độc hại có thể kể đến như: “Khi mà luật biểu tình chưa được thừa nhận trên xứ sở lắm bất công này thì để tránh làm anh hề hay kẻ tiếp tay bất đắc dĩ cho cái ác, thì “bỏ nghề” là hành động không những cần thiết mà còn là cấp thiết nữa”, “Lâu nay, nhìn là thấy, luật sư ở Việt Nam xuất hiện nhiều trường hợp chỉ làm đẹp thôi chứ không còn tác dụng hay ý nghĩa gì”, “Ai cũng buồn, cũng tức giận nếu thấy tòa án không có công lý, không minh bạch”…

Nói tóm lại, đằng sau những lời lẽ đầy hoa mỹ, các “nhà dân chủ” đang cố tình hướng lái xuyên tạc rằng luật sư ở Việt Nam không có vai trò gì, nền tư pháp ở Việt Nam không hề có dân chủ. Vậy điều này có đúng hay không? Câu trả lời chắc chắn là không đúng. Tất cả những luận điệu trên chỉ là sự xuyên tạc một cách trắng trợn.

Theo thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, số lượng luật sư thành viên của Liên đoàn là 15.107, tăng 1.248 người so với năm 2019 (13.859 luật sư). Nếu nói luật sư ở Việt Nam không có vai trò gì như luận điệu của các “con buôn dân chủ” thì liệu rằng số lượng luật sư có nhiều như trên hay không?

Thực tế, việc các “luật sư kịch khung” cảm thấy “bất lực” trước các phiên toà cũng là điều dễ hiểu. Thân chủ của các luật sư này chẳng phải là người hiền lành, tử tế gì mà đều là các đối tượng “con buôn chính trị”, “dân chủ nửa mùa”. Đây là những đối tượng có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam. Vì vậy, việc các đối tượng bị đưa ra xét xử nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng. Chính vì hành vi phạm tội đã rõ nên dù các “luật sư kịch khung” có bao biện thế nào thì các thân chủ cũng sẽ bị nhận một bản án thích đáng với hành vi phạm tội đã thực hiện. Việc các đối tượng “dân chủ” bị tuyên án là hoàn toàn khách quan, dân chủ, đúng người, đúng tội; mức án được đưa ra là tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của các đối tượng, không hề có sự thiếu dân chủ, không khách quan như luận điệu được những đối tượng đang đưa ra.

Nền tư pháp của Việt Nam là hoàn toàn dân chủ, khách quan. Chúng ta không bao che, thoả hiệp với tội phạm. Và cũng cần nói thêm, không ít kẻ núp bóng luật sư đã lợi dụng hiểu biết pháp luật để mớm cung, hướng lái thân chủ làm việc thiếu trung thực với các cơ quan tư pháp nhằm bao che cho các sai phạm. Tuy nhiên, “vải thưa không che được mắt thánh”, đằng sau những màn ủ mưu giữa các “luật sư kịch khung” và những thân chủ “dân chủ nửa mùa” là những hành vi phạm tội rõ ràng, chứng cứ đầy đủ, khách quan không thể chối cãi. Có lẽ cũng chính vì việc càng bào chữa, mức án của thân chủ càng “kịch khung” nên Lê Văn Hòa đã tuyên bố từ bỏ nghề luật sư.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, thay vì đổ lỗi cho nền tư pháp thì Lê Văn Hòa phải tự xem lại chính bản thân mình, xem lại hành vi phạm pháp của thân chủ mà mình bào chữa để hiểu rõ bản chất vấn đề, đừng bao giờ cố tình đổi trắng thay đen, bao che cho hành vi phạm tội.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều