Mạo danh đền Trần nhét sắt, nhồi xi măng vào tượng Phật dát vàng
Trưởng BQL Di tích đền Trần nói: Ngày giỗ Đức Thánh Trần, khách thập phương đến đều được đón tiếp. Chúng tôi không tổ chức chương trình dâng hương báo công nào cả.
Công ty quảng cáo tổ chức dâng hương
Đơn vị đứng ra tổ chức dâng hương là công ty CP truyền thông CMA, có trụ sở ở đường Mạc Thái Tổ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Giám đốc là ông Đoàn Văn Nhiên.
Theo giấy phép kinh doanh do Sở KH&ĐT Hà Nội cấp ngày 17/4/2008, đơn vị này chỉ được hoạt động lĩnh vực quảng cáo, phát hành báo chí.
Từ năm 2014, CMA chuyển sang tổ chức sự kiện dâng hương tại các di tích lịch sử cấp quốc gia: Yên Tử (Quảng Ninh) và đền Trần, Phủ Giày (Nam Định).
Các sự kiện này được tổ chức thường niên với tên gọi: Hành trình phật tử, Doanh nhân về non thiêng Yên Tử (tháng 2); Lễ dâng hương báo công Đức Thánh Trần tại đền Trần Nam Định ngày 20/8 âm lịch; Lễ dâng hương Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Phủ Giày) vào ngày 20/10.
Để chuẩn bị cho các sự kiện này, CMA xin một “giấy phép con” có dấu của Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam kèm trong thư mời gửi khách hàng.
Ngoài việc bán các vật phẩm tượng, đồ đúc đồng, tâm linh…, tại tờ rơi chương trình 2019, công ty này chào bán hương lễ với giá 300 nghìn đồng/36 que. Khách mua từ 10 hộp sẽ được viết tặng 1 sớ lễ cho gia chủ trong chương trình.
CMA còn bán vòng tay gỗ đàn hương trắng Ấn Độ với giá 10 triệu đồng/vòng; vòng tay gỗ đàn hương đỏ 5 triệu. Nguồn gốc của những sản phẩm này không ai được biết.
Công ty này còn bán cả dịch vụ “trồng cây lưu niệm” trong các di tích Yên Tử và đền Trần với giá 35 triệu đồng với lời hứa, đại biểu sẽ được đặt bia khắc tên dưới cây lưu niệm và được BTC tặng 1 sớ lễ.
Ông Ngô Xuân Tự (cựu chiến binh, trú tại nhà số 10, tổ 1 phố Thạch Cầu, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, ông bỏ ra gần 50 triệu đồng để trồng một cây sưa đỏ tại di tích đền Trần vài năm trước, nhưng mới đây ông về thăm cây mình trồng thì không thấy bảng tên đâu.
“Chẳng biết họ có bán suất trồng cây của tôi cho ai khác nữa hay không”, ông băn khoăn.
Nhiều khách hàng cho hay, họ “được” đội ngũ nhân viên của chương trình này “chăm sóc” kỹ lưỡng. Nhiều người, để không bị “đeo bám”, đã nhận mua 1 sản phẩm có giá vài triệu cho tới chục triệu.
Một nhân viên đã nghỉ việc tại công ty CMA cho biết, mỗi lần chuẩn bị cho các sự kiện, công ty tuyển hàng chục nhân viên chuyên chăm sóc các “đại biểu” và thuyết phục họ mua hàng. Nguồn thu nhập chính của các nhân viên này là hoa hồng được trích lại.
Từ năm 2014 đến nay, CMA đã tổ chức được khoảng chục sự kiện dâng hương và đưa khách sang Ấn Độ dâng hương 2 lần.
Theo bảng tổng hợp thanh toán của Văn phòng Báo chí 1 (một trong các đơn vị đầu mối bán hàng thuê cho CMA), tổng doanh thu từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019 là hơn 3 tỷ đồng. Thu từ tiền bán các tặng phẩm tượng Phật Di lặc, tượng Phật Hoàng, vòng gỗ đàn hương và nhiều sản phẩm khác có giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Số lượng khách tham gia trong thời gian trên là gần 300 người. Những người đi cùng nhưng không mua hàng được gọi là “người tháp tùng” và phải đóng 4 triệu đồng/người/lượt.
Số tiền trích lại cho đại lý VPBC1 là hơn 837 triệu đồng, tương đương khoảng 30%.
Nhà Đền không tổ chức
Bất ngờ về sự kiện “Lễ dâng hương báo công Đức Thánh Trần” do CMA tổ chức vào ngày 20/8 âm lịch tới đây, trùng với ngày giỗ Đức Thánh Trần, Trưởng BQL di tích đền Trần Nguyễn Đức Bình khẳng định, đền không có hoạt động này trong chương trình.
“Ngày giỗ Đức Thánh Trần, nhà Đền vẫn tổ chức đúng ngày. Khách thập phương, phật tử ai có lòng thành đều được đón tiếp. Chúng tôi không tổ chức chương trình dâng hương báo công nào cả”.
Khi được hỏi về CMA, đơn vị khởi xướng buổi lễ này, ông Bình nói: “Tôi chưa nghe về đơn vị này bao giờ. Nhưng giống như đi lễ, nếu rủ nhau thành đoàn để cùng đi, tiện việc đăng ký… thì chẳng ai cấm. Nếu cần thuyết minh, hướng dẫn, nhà Đền cũng sẵn sàng hỗ trợ”, ông Bình nói.
Trước thông tin CMA tổ chức bán vật phẩm lưu niệm với giá cả trên trời, tượng đúc đồng mạ vàng hoen rỉ, nhồi sắt, xi măng, với lý do, các đại biểu “phát tâm” để xây dựng di tích, ông Bình chia sẻ: “Nhà Đền cấm kinh doanh mượn danh tâm linh dưới mọi hình thức. Đó là chưa nói đến việc mượn hình ảnh Đức Thánh Trần, Đức Thánh Gióng, Phật Hoàng… để đúc thành tượng, làm ăn giả dối để lừa khách hàng”.
Ông cũng khẳng định: Nhà Đền không liên quan gì tới các hoạt động của đơn vị có tên CMA. Việc đóng góp công đức để xây dựng, tôn tạo di tích tùy tâm mỗi người, không có quy chế nào cả.
Về việc trồng cây lưu niệm trong khu di tích với số tiền 35 triệu đồng, ông Bình ngỡ ngàng: “Di tích quốc gia đền Trần được quy hoạch và trồng cây lưu niệm theo kế hoạch. Nhà Đền không có chương trình trồng cây thu tiền, đặt biển tên người trồng dưới gốc cây.
Chỉ trong các sự kiện quan trọng do Đảng, Nhà nước tổ chức, việc trồng cây trong khu di tích mới được tiến hành, không phải ai muốn trồng cũng được, nhất là việc trồng cây phải bỏ số tiền lớn như vậy”, ông Bình nói.
Đơn vị “đỡ đầu” được tài trợ mỗi năm gần 100 triệu
Có tên trong thư mời gửi các đại biểu tham gia dâng hương do CMA tổ chức sau đó lồng ghép bán hàng là Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là người chắp bút các thư mời cho các chương trình.
Ông Bài cho hay: “Trước mỗi sự kiện thì mình viết một bài giới thiệu theo chủ đề, chuyển tải thông điệp tới các đại biểu. Mục đích của Hội là tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa, hướng dẫn các thủ tục, nghi lễ, tư tưởng để không sai với đường lối chính sách của Đảng.
Việc kinh doanh, bán hàng là việc của DN. Còn linh vật, vật kỷ niệm ai nhận là tự nguyện, ai không nhận thì thôi. Nhưng tinh thần là các ông phải làm ngay ngắn chứ đừng vi phạm pháp luật”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.
Trước thông tin hàng loạt sản phẩm tượng Phật đồng mạ vàng lõi nhồi nhét xi măng, ông Bài giật mình: “Để tôi kiểm tra”.
“Hàng năm, họ tài trợ cho các hoạt động của Hội khoảng 100 triệu đồng. Nếu đơn vị bán hàng làm sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm, chúng tôi không bao che”, ông Bài cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT công ty CP sản xuất và đầu tư phát triển Tâm Phát, đơn vị sản xuất các tượng đồng được nhắc tới trong bài lý giải:
Việc một số sản phẩm tượng có thép và bê tông bên trong là do phần khuôn trong được giữ lại để đảm bảo kết cấu và kiểu dáng của sản phẩm. Bởi đục bỏ phần này, các sản phẩm có kích thước nhỏ sẽ bị cong vênh, mất hình khối.
(Theo Thái Bình/Vietnamnet)