+
Aa
-
like
comment

Dùng smartphone làm ‘bảo mẫu’: Tặng rác cho con trẻ

Trang Lê - 17/04/2021 14:57

Gần đây, vụ việc một bé gái 5 tuổi tại TP. HCM tử vong được cho là bắt chước clip dạy tự tử “thắt cổ” nhưng không chết trên mạng gây xôn xao cho các bậc phụ huynh có con em nhỏ. Phải chăng đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những cha mẹ có thói quen dùng smart phone làm “bảo mẫu” cho con em mình.

Những nội dung độc hại đang tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.
Những nội dung độc hại đang tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.

Khi chủ kênh bất chấp tất cả để kiếm tiền

Facebook, Youtube, Tiktok… đang là những mạng xã hội sở hữu lượt người dùng đông đảo tại Việt Nam. Mỗi ngày có hàng vạn clip được truy cập bằng một cái click chuột. Bởi quá dễ dàng để sử dụng, cho cả người xem và người tạo nội dung, nhưng video được sản xuất với tốc độ tăng theo cấp số nhân từng giờ, từng phút, mà một trong những hậu quả là chúng cũng dễ dàng trở nên mất kiểm soát và xử lý bởi các cơ quan chức năng. Hiện nay bên cạnh các video được đầu tư kĩ lưỡng về hình ảnh, âm thanh, nội dung, thì trên không gian mạng xuất hiện ngày một nhiều các video có nội dung nhảm nhí, vô bổ, thậm chí độc hại cho trẻ. Dạy trẻ làm những điều điên rồ, nguy hiểm mà cha mẹ ngăn cấm như: Dạy trộm tiền, ném hàng trăm con dao từ trên tầng xuống, thắt cổ mà vẫn thở,… Đặc biệt không chỉ dạy trẻ làm những việc nguy hiểm, trên mạng xuất hiện rất nhiều những clip “thử thách” những trò điên rồ, vô nghĩa như: “Thử thách 24h làm heo”, một bạn trẻ đã… chui vào chuồng lợn 24h, thực hiện những hành động, cách sống của một chú lợn trong 24h, rồi quay lại clip, sau đó đăng tải lên Youtube. Clip này thu hút tới 16.000 lượt xem.

Tương tự là các thử thách như “Thử thách 24h làm chó”, nguy hiểm hơn là “Thử thách 24h sống trong quan tài”, “Thử thách 24h sống trong nhà dưới đất”, “Thử thách bơi trên sông bằng túi nilon”, khủng khiếp hơn là “Thử thách uống dung dịch vệ sinh phụ nữ”. Cụ thể, có đoạn clip với tiêu đề “Uống nước nhà vệ sinh ngon như nước lọc”, trong đó có quay cảnh múc nước từ bồn cầu nhà vệ sinh vào ly, sau đó người trong video tham gia chơi để xem ai là người phải uống nước trong cốc nước đó. Điều đáng nói là đoạn clip kì quặc thu hút tới 160.000 người xem.

Đây là điều rất đáng lo ngại khi mà hiện nay, trẻ nhỏ ngày càng có nhiều thời gian tiếp xúc với mạng xã hội.

Hiểm họa khôn lường cho trẻ nhỏ từ “video rác”

Thời gian qua, nhiều hậu quả không mong muốn đã xảy ra khi các em ngây thơ, bắt chước theo mà không lường được nguy cơ. Cách đây không lâu, tại TP.HCM, một bé gái 5 tuổi được người thân cho biết là tử vong vì học theo trò thắt cổ trên YouTube, khiến nhiều người bàng hoàng. Trước đó, trung tâm y tế huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ cấp cứu một bé trai 9 tuổi bị ho nhiều, đau bụng. Ngay lúc đó, các bác sĩ đã nội soi gắp ra dị vật là chiếc bấm móng tay. Cháu bé kể lại rằng, cháu đã nuốt chiếc bấm móng tay do hay xem các video trên YouTube hướng dẫn nuốt đồ vật và làm theo.

Trẻ nhỏ còn ngây thơ và non nớt, nhận thức chưa toàn diện và đang trong quá trình phát triển nhân cách. Chúng sẽ bắt chước và làm theo những gì chúng thấy mà không nhận thức được tính đúng sai của hành vi đó. Từ sự vô tri đó mà gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Theo khảo sát năm 2019 của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tại Việt Nam, 66,1% trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet, trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày từ 1 – 3 tiếng đồng hồ. Và như vậy, có rất nhiều thứ trẻ nói theo, học theo, làm theo đến từ những gì chúng xem được và thích thú trên không gian mạng đầy rẫy “rác rưởi”.

Những video nhảm nhí và độc hại trên mạng xã hội.
Những video nhảm nhí và độc hại.

Tất nhiên, không thể không nhắc đến sự thờ ơ, thậm chí là vô trách nhiệm của một số phụ huynh, những người đã giao phó nghĩa vụ làm cha mẹ cho mạng xã hội. Vì cuộc sống mưu sinh, vì bộn bề công việc, và vì hàng trăm lý do khác, bằng một cách nào đó, mạng xã hội được những người cha mẹ biến thành “bảo mẫu @”, bỏ mặc cho những đứa trẻ với những kênh Youtube vô bổ, độc hại, mà chẳng hề để tâm. Chỉ đến khi hậu quả ập đến, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má, âu cũng đã quá muộn màng…

Cần xử lý triệt để như mọi loại rác gây ô nhiễm khác

Chúng ta đang sống trong một xã hội biến động khôn lường với đầy đủ các hiện tượng, trào lưu tốt xấu nổi lên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người hay các cơ quan chức năng. Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xử lý các video nhảm nhí, vô bổ, câu like trên mạng xã hội. Và trăn trở được đặt ra, phải chăng chúng ta chỉ lên án mạnh mẽ khi những hành vi vô đạo đức gây ra những hậu quả đáng tiếc và các cơ quan có chức năng chỉ ra mặt và lên tiếng khi đứng trước áp lực của cộng đồng, dư luận?

Phải chăng sẽ không có vụ bé gái, bé trai nào phải thiệt mạng khi “video rác” chưa phổ biến và thịnh hành đến thế? Và các cơ quan chức năng, họ đã làm gì từ khi “video rác” manh nha bước vào đời sống người Việt đến khi trở thành “bảo mẫu của thế kỉ 21” của trẻ?

Một nội dung nhảm nhí khác.
Một nội dung nhảm nhí khác.

Xử phạt và kiểm soát chỉ là những giải pháp tạm thời và hời hợt, chỉ có giáo dục mới là biện pháp gốc rễ giải quyết được vấn nạn này. Giáo dục trẻ về cách sử dụng mạng xã hội, uốn nắn trẻ biết sống, biết nghĩ cho mọi người, đừng để chúng sống ích kỉ, dạy dỗ trẻ biết phân biệt đúng sai, tốt xấu khi đứng trước cám dỗ của cuộc sống… Cha mẹ cần quan tâm đến con hơn, chơi đùa cùng con, tập cho chúng những thói quen tốt và những thú vui lành mạnh để chúng đã trở nên cứng cáp, vững vàng trước những tư tưởng rẻ mạt, thiếu tính nhân văn đầy rẫy trên mạng ảo chỉ trực tiêm nhiễm vào con trẻ. Như thế, đó lại cả là câu chuyện của giáo dục.

Trang Lê

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều