‘Mang oxy tới, hoặc đưa cha của chị về nhà đi’
Aparna Bansal nhận được điện thoại lúc sáng sớm từ bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Thông điệp cô nhận được đơn giản chỉ là: Mang oxy tới, hoặc đưa cha của chị về nhà đi.
Vào 5h sáng 24/4, tiếng chuông điện thoại của Aparna Bansal vang lên.
“Cô có thể đến đây ngay bây giờ không?”, bác sĩ của bệnh viện – nơi cha cô đang được điều trị Covid-19 – hỏi, và đưa ra một chỉ dẫn rõ ràng: Mang oxy đến đây, hoặc đưa cha cô về nhà đi.
“Mỗi khi nhận được cuộc gọi từ bệnh viện, tôi cảm thấy như tim mình muốn nhảy khỏi lồng ngực. Tôi cảm giác như mình đã bỏ mặc cha mẹ mình và để cho họ đi vào cõi chết. Họ cứ yêu cầu chúng tôi mang oxy đến, nhưng chúng tôi còn không chắc liệu nguồn oxy có được sử dụng cho cha mẹ mình không”, cô Bansal chia sẻ với Wall Street Journal.
Lựa chọn sinh tử
Cha của Bansal, ông Ravinder Sehgal, dương tính với virus SARS-CoV-2 vào lúc Ấn Độ ghi nhận hơn 260.000 ca nhiễm Covid-19 trong một ngày. Mẹ của Bansal, bà Manju Sehgal, bắt đầu có các triệu chứng khoảng 2 ngày sau đó, và xét nghiệm cho thấy bà cũng dương tính với virus.
Trong bốn ngày tiếp theo, Bansal đã có hơn 200 cuộc điện thoại và đến hơn 20 bệnh viện. Tuy nhiên, mỗi lần, cô đều nhận được câu trả lời tương tự: Các bệnh viện đều đã kín chỗ, và danh sách chờ của họ cũng rất dài.
Sau đó, một người bạn của Bansal đã giúp cô tìm được một giường bệnh trống tại một bệnh viện tư – điều đó có nghĩa là Bansal phải lựa chọn liệu cha hay mẹ cô sẽ được chăm sóc y tế.
Vào sáng 22/4, cô quyết định đưa mẹ mình nhập viện trước, và để cha cô ở nhà. Cha cô – ông Sehgal – bị gãy chân sau một cú ngã hồi vài tuần trước, và vì thế, gia đình muốn dành cho ông sự quan tâm trực tiếp nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho gia đình, họ chỉ có thể đưa thực phẩm và thuốc men vào căn phòng ông đang cách ly qua cửa sổ.
Không lâu sau khi mẹ Bansal nhập viện, lượng oxy bão hòa trong máu của cha cô giảm xuống dưới mức 80% – thấp hơn nhiều mức 95-100% của người khỏe mạnh. Ông Sehgal rơi vào trạng thái hôn mê, và cả gia đình đã phải nhanh chóng đưa ông tới một bệnh viện gần nhà.
Bệnh viện trên bảo với họ rằng không còn giường, song vào khoảng 23h cùng ngày, ông Sehgal đã được nhập viện sau khi thực hiện các kiểm tra chẩn đoán bệnh.
“Tôi không muốn cha mẹ mình chết” Vào sáng 24/4, hàng dài xe cấp cứu chờ đợi đã tạo thành một vụ kẹt xe ngay bên ngoài bệnh viện. Trong lúc đó, bảng hiệu phía trước bệnh viện đưa ra một thông điệp đầy ám ảnh: Không còn giường chăm sóc bệnh nhân Covid-19, không còn giường có máy thở oxy, và không còn giường chăm sóc đặc biệt.
Trước khu vực chăm sóc bệnh nhân Covid-19, hàng tá bệnh nhân phải nằm la liệt trên cáng và chật vật để thở. Ở bên ngoài, hàng chục thân nhân của người bệnh nằm ngay trên các ghế đá và trên sàn. Một người phụ nữ nằm trên tấm nhựa trắng và dùng một chiếc hộp giấy xếp gọn làm gối.
Chồng của cô Bansal đã phải thức dậy từ sớm và xếp hàng trước một cửa hàng bán bình oxy từ 4h sáng. Chồng cô cần mua 2 bình oxy mỗi ngày, sau đó mang đến hai bệnh viện nơi cha mẹ của họ được điều trị trong bối cảnh các cơ sở y tế thiếu hụt nguồn cung về thuốc men và oxy y tế.
Tối hôm đó, cô Bansal ngồi trên một chiếc ghế đá bên trong bệnh viện. Cô cầm theo một chiếc túi xách lớn đựng quần áo, chăn, xà phòng và bàn chải đánh răng. Cô phải đến bệnh viện vì hôm trước, cha cô đã gọi báo rằng ông không có chăn và ông bị lạnh.
Một nhân viên của bệnh viện bước ra khỏi phòng của ông Sehgal, và nói với cô rằng tình trạng của cha cô đang rất nguy kịch vì lượng oxy trong máu của ông đã giảm xuống chỉ còn 73%. Cô hỏi người nhân viên rằng mình nên liên hệ ai, song người nhân viên bảo cô chờ đợi và sẽ liên lạc với cô sau.
Đến sáng 25/4, tình hình của ông Sehgal trở nên tồi tệ hơn. Cô Bansal cố gắng để đưa cha mình đến phòng chăm sóc đặc biệt.
“Cha tôi gọi tôi liên tục. Ông kêu tôi đến gặp ông. Tất cả những gì tôi nói với cha là: ‘Đừng hoảng sợ. Con sẽ luôn ở cạnh cha’. Chúng tôi đều muốn khổ đau này chấm dứt. Tôi không muốn cha mẹ mình chết”, cô Bansal chia sẻ trong sự xúc động.
Quốc Tuệ