+
Aa
-
like
comment

Mang nhiệm mầu đến nơi chiến tuyến chống dịch khốc liệt nhất

Thái Thanh - 22/07/2021 16:23

Hình ảnh đẹp vào sáng nay của 299 tình nguyện viên là tu sĩ và tín đồ các tôn giáo được trao hành trang, đến các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, tiếp sức nhân viên y tế và hỗ trợ người bệnh đang điều trị, đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân thành phố. Đặc biệt với bệnh nhân, sự hiện diện của tu sĩ trẻ tại nơi bệnh viện dã chiến còn có nghĩa quan trọng, không chỉ là tiếp sức, chăm sóc mà còn là điểm tựa cho bệnh nhân – những người đang cần nâng đỡ về tinh thần

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, 612 tăng ni, phật tử đã đăng ký phục vụ tại các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19.

Dù biết bệnh viện dã chiến là nơi mà nguy cơ lây nhiễm bệnh và áp lực khi làm việc trong môi trường có các bệnh nhân mắc Covid-19 là rất cao. Nhưng trước tình hình lực lượng y bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến hoạt động vất vả vì số bệnh nhân tăng, thậm chí nhiều bệnh viện dã chiến, y bác sĩ kiêm luôn các việc phát cơm nước cho bệnh nhân, quá căng thẳng và vất vả. Lời kêu gọi tôn giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn thành phố được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM phát đi 5 ngày, hiệu ứng đã có hơn 1.000 tu sĩ và tín đồ đăng ký tham gia. Nguyện vọng của tất cả mọi người là muốn cống hiến, muốn tiếp sức sẻ chia, dù biết nơi điều trị bệnh sẽ có nhiều khó khăn và nguy hiểm.

Trong tinh thần phụng sự cho dân tộc, nhiều nữ tu đã đăng ký tham gia tiếp sức cho tuyến đầu và chăm sóc tinh thần cho người đang điều trị bệnh. Nữ tu Matta Nguyễn Thị Kiều Oanh, Bề trên dòng Chúa Giêsu Hài Đồng cho biết: “Ban đầu, nhà dòng xin phép cho 6 sơ được tham gia nhưng vì điều kiện là dưới 40 tuổi, nên chỉ còn 5 sơ. Các chị em, người có chuyên môn y tế thì xin chăm sóc người bệnh trực tiếp, còn lại đăng ký hậu cần”.

Hay đơn thuần như Nữ tu Maria Nguyễn Thị Kim Phượng, 37 tuổi, dòng Thánh Phaolô Sài Gòn cho hay, tại nhà dòng, khi được phổ biến thông tin, các chị em đã nhiệt tình xung phong và Sơ quyết định tham gia vào nhóm tuyến đầu phòng dịch vì “tôi thấy mình được thôi thúc để phục vụ”.

Một số nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện quận 11.

Tinh thần đóng góp, chung sức vì cộng đồng, tiếp sức và chia lửa với nơi điều trị bệnh Covid-19 lan tỏa khắp các tôn giáo trên địa bàn TP.HCM. Trong dòng người tình nguyện viên sáng nay đến với bệnh viện dã chiến, khá nhiều người nhận ra Đại đức Thích Minh Tiến (thế danh Nguyễn Đăng Thục, sinh năm 1983), từng việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cách đây 3 năm, hôm nay đã quay trở lại, khoác trên người chiếc áo tình nguyện viên, đến bệnh viện dã chiến giúp người.

Trong số 299 tình nguyện viên phân bổ về các bệnh viện dã chiến sáng nay, cũng không thiếu hình ảnh tu sĩ trẻ, tuổi đời vừa tròn 21, 22 vừa tốt nghiệp trung cấp dược mang trong mình nhiệt huyết cống hiến cho người dân mình, giúp cho người dân mình trong hoàn cảnh khắc khổ và khó ngặt. Sự xung phong của tu sĩ trẻ đến bệnh viện dã chiến càng cho thấy rõ chân lý: Xuất gia, đi tu – không có nghĩa là người tu sĩ bỏ lại hết tất cả ở phía sau, điều đó không chỉ đúng ở quá khứ khi biết bao tu sĩ “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, mà ở ngay thời đại hôm nay, khi đất nước cần thì điều đó càng thêm được minh chứng.

Trong số tu sĩ, tín đồ tôn giáo tham gia làm tình nguyện viên, có người đăng ký tình nguyện một tháng, có người đăng ký hai tháng và có người vô thời hạn. Nhưng dù đăng ký với thời gian bao lâu thì tất cả đều có một điểm chung: Toàn tâm, toàn ý phát nguyện đến bệnh viện dã chiến chia sẻ, tiếp sức với trái tim dạt dào yêu thương. Trong tâm thế cống hiến, họ luôn hết mình, và chấp nhận tuân thủ những quy định khắc khe tại các bệnh viện dã chiến.

Đại đức Thích Minh Tiến (SN 1983), bác sĩ đa khoa, có kinh nghiệm 5 năm làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng đăng ký phục vụ ở các bệnh viện dã chiến theo phân công

Nhiều y bác sĩ đã xúc động khi nghe nữ tu Dòng tu Thánh Tâm truyền Giáo Osaka, chị Nguyễn Thị Thu Hà tâm sự, dù chưa có kinh nghiệm y tế nhưng chị khát khao, mong muốn tham gia đoàn tình nguyện phục vụ tuyến đầu chống dịch, muốn chia sẻ bớt gánh nặng của y bác sĩ khi vừa chữa bệnh, vừa kiêm luôn các việc phát cơm nước cho bệnh nhân.

“Mình có thể giúp được điều gì nơi bệnh viện dã chiến lúc này, việc gì cũng xin giơ tay thực hiện” – lời chia sẻ của chị Hà càng cho thấy rõ hơn về tinh thần sẻ chia, tiếp lửa của người công dân có đạo đang sinh sống ở TP.HCM bao la nghĩa tình này.

Từ những chi tiết này càng thấy rõ hơn về tinh thần tôn giáo, tinh thần phụng sự nhân sinh, sống tốt đời đẹp đạo và phúc âm trong lòng dân tộc của những tín đồ – người có đạo. Nơi họ đến là bệnh viện dã chiến, là nơi có nhiều ca F0 bệnh nặng, và là nơi có nhiều rủi ro, hiểm nguy nhưng điều đó không thể cản trở tình yêu thương của người có trái tim ấm và dạt dào lòng yêu thương.

Dịch bệnh đem đến cho con người nhiều nỗi sợ hãi nhưng tin rằng, khi trái tim yêu thương của những người có ý chí mạnh mẽ, đặc biệt sự hiện diện của “chiếc áo người tu” nơi tuyến đầu tin rằng sẽ tiếp thêm năng lượng, nâng đỡ tinh thần, giúp người yếu thế bước qua nỗi lo và chiến thắng sự sợ hãi mà căn bệnh đem đến cho con người nhiều nỗi đau, làm khánh kiệt sức người và đảo điên cuộc sống của biết bao người.

Bắt đầu từ hôm nay, tất cả các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến trên khắp địa bàn TP.HCM, ngoài đội ngũ y bác sĩ luôn túc trực điều trị, thì họ còn có sự đồng hành của các tu sĩ và bạn đồng tu. Trong thời khắc đấu tranh, chống đỡ bệnh tật, họ không chỉ được chăm sóc về y tế, mà còn được nâng đỡ về tinh thần. Với tình yêu thương và tiếp sức này, càng có thêm nhiều động lực để tin rằng chúng ta rồi sẽ sớm vượt qua tất cả, chiến thắng nỗi sợ hãi và rút gần thời gian chiến thắng dịch bệnh.

Cùng nhau, chúng ta rồi sẽ chiến thắng đại dịch. Trong ảnh: đội ngũ y tế lên đường chống dịch COVID-19, trời mưa không kịp trở tay, cả đội ôm nhau với quyết tâm cùng nhau chiến thắng dịch bệnh

Có câu: “Công đức không chỉ đặt ở đền chùa, giáo đường mà chủ yếu đặt ở trong dân” – trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, sự dấn thân của tu sĩ và tín đồ các tôn giáo nơi tuyến đầu chống dịch, tham gia trực tiếp vào quá trình chữa trị, nâng đỡ tinh thần cho người trong hoàn cảnh bệnh tật, ốm đau, càng cho thấy rõ triết lý đó.

Chính những hành động chân ái này của nguời tu sĩ càng làm sáng hơn tinh thần đoàn kết, phụng sự, giúp ích cho đời và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần nhân văn, nhân ái của người Việt. Trong khó khăn của dịch bệnh, tình người càng tỏa sáng và trong bất kỳ thời kỳ nào của đất nước, tinh thần dân tộc như là chất keo, kết tinh, kết nối người Việt Nam lại với nhau, làm nên biết bao điều kỳ diệu.

Thái Thanh

Bài mới
Đọc nhiều