Mảng màu sáng dành cho kinh tế Việt Nam những ngày cuối năm

Bước vào những ngày tháng cuối cùng của năm 2021, kinh tế Việt Nam dường như đang trên đà khởi sắc trở lại sau những khủng hoảng do biến chủng Delta quét qua. Điều này thể hiện vô cùng rõ nét thông qua các số liệu kinh tế, cũng như những bài viết được truyền thông quốc tế đăng tải.

Đầu tiên, “Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi đáng kinh ngạc” chính là bài viết thể hiện rõ nét nhất tình hình kinh tế hiện tại của Việt Nam sau khoảng thời gian dài chịu sự khủng hoảng do giãn cách, đã được trang Daily Sun đăng tải tuần qua.

Trong bài viết được Daily Sun đăng tải đã đưa ra nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi, bắt đầu từ quý 4/2021, có thể đạt tăng trưởng GDP 2,5% trong năm nay và 6,6% trong năm 2022.

Trang Daily Sun đã trích nhận định của ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, với nhận định nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi đáng kinh ngạc, bắt đầu từ quý 4/2021, có thể đạt tăng trưởng GDP 2,5% năm nay và 6,6% năm 2022.

Không những thế, trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered: “Future of Trade 2030: Trends and markets to watch” (Tương lai thương mại 2030: Các xu hướng và thị trường cần quan tâm), Việt Nam được nhận định “đã và đang” đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bất chấp đại dịch.

Theo đánh giá của Standard Chartered, có 41% số doanh nghiệp toàn cầu được khảo sát cho là đang sản xuất hoặc có kế hoạch sản suất tại Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới. “Điều này cho thấy Việt Nam sẽ là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại toàn cầu trong 10 năm sắp tới”, báo cáo của Standard Chartered nhấn mạnh.

“Chúng tôi rất lạc quan với triển vọng tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong tương lai, luôn nỗ lực tận dụng lợi thế của mình về mạng lưới quốc tế và sự am hiểu sâu sắc về thị trường trong nước để hỗ trợ quá trình này”, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định.

Riêng Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD lại đưa ra dự báo về lượng kiều hối về Việt Nam. Trong đó thông tin bất ngờ nhất là kiều hối về Việt Nam vẫn tăng mạnh bất chấp nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng nặng nề.

Cụ thể, theo báo cáo mới cập nhật của World Bank và KNOMAD, lượng kiều hối dự báo về Việt Nam năm nay có thể đạt khoảng 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và thứ ba ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Được biết, trước đó, trong năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam cũng duy trì ở mức cao, đạt 17,2 tỷ USD, xếp hạng thứ 11 toàn cầu. Với lượng kiều hối chảy về tương đương 5% GDP năm 2020, Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm 10 nước tại Đông Á – Thái Bình Dương có tỷ trọng kiều hối trên GDP cao nhất.

Cũng trong báo cáo trên, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra nhận định, Việt Nam vẫn là một trong số rất ít các nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong năm qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Không những dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và bức phá, trang ThaiPublica vừa qua đã có bài viết nhận định Việt Nam hiện là một chuỗi cung ứng sản xuất quan trọng của thế giới, với cơ hội vươn mình trở thành “Đặc khu kinh tế Thâm Quyến” quyền lực thứ 2 tại Châu Á.

Trong bài viết, trang ThaiPublica trích lời Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội Adam Sitkoff nói rằng, mặc dù thừa nhận dịch Covid-19 đang cản trở Việt Nam gia tăng vai trò trong chuỗi cung ứng, nhưng Việt Nam vẫn đang thu hút đầu tư. Ông đề cao việc Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất châu Á vào năm 2020, với mức tăng trưởng 2,9%.

Theo trang ThaiPublica, đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã làm gián đoạn kế hoạch mở rộng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức 2 con số trong 9 tháng năm 2021.

Vì thế, ngay cả khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn, nền kinh tế phải đóng cửa vì Covid-19, Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cung ứng nhiều hàng hóa cho các thị trường lớn trên toàn cầu như Mỹ và Châu Âu, trang ThaiPublica nhận định.

Gần đây, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, giới quan sát lo sợ biến thể này sẽ một lần nữa khiến kinh tế thế giới đình trệ trở lại sau thời gian dài phục hồi. Tuy nhiên, trang Wall Street Journal lại có bài viết phân tích những lí do khiến doanh nghiệp Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á sẽ ‘ít bị tổn thương’ trước biến chủng Omicron, mặc cho những dự đoán về sự nguy hiểm của biến chủng mới này đối với thế giới.

Theo Wall Street Journal, các quốc gia trong khu vực như Việt Nam và Malaysia đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm và chuẩn bị tốt hơn cho làn sóng mới của dịch Covid-19, khi biến chủng Omicron có nguy cơ lan ra toàn cầu.

Trang Wall Street Journal nhận định, một trong những nhân tố giúp chuỗi cung ứng ít bị gián đoạn hơn bất kỳ đợt lây nhiễm nào trong tương lai, chính là Việt Nam – quốc gia đã chuyển hướng sang thích ứng với đại dịch, kết hợp với những phản ứng nhanh nhạy từ phía nhà chức trách và chiến dịch tiêm chủng rộng rãi và nhanh chóng tránh đi những tổn thương đến từ Covid-19 như trước kia.

Thực hiện : Bảo Trâm
Đồ họa: M.N