+
Aa
-
like
comment

Mạng lưới ‘bất khả xâm phạm’ của Huawei khiến tình báo Mỹ thất nghiệp

21/07/2019 13:33

Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei đang ra sức truyền bá công nghệ lượng tử như một nỗ lực xây dựng mạng lưới liên lạc “bất khả xâm phạm”.

Chú thích ảnh
Mạng 5G và công nghệ lượng tử của Huawei có thể chấm dứt tình trạng nghe lén. Ảnh: AFP

Trong một bài xã luận gần đây đăng trên tạp chí The Asia Times, tác giả David P. Goldman – một nhà kinh tế người Mỹ – cho biết sự dẫn đầu về mạng 5G và công nghệ lượng tử của Huawei có thể khiến “Mỹ chấm dứt tình trạng nghe lén” cũng như cơ quan tình báo nước này “thất nghiệp”.

Một trong những ứng dụng quan trọng của công nghệ lượng tử mà Trung Quốc muốn phát triển là mã hóa. Máy tính lượng tử với khả năng xử lý vô cùng mạnh mẽ có thể tạo ra những mã hóa không thể bị phá vỡ. Máy tính lượng tử thực sự sẽ trở thành một vũ khí mạnh mẽ trong các cuộc chiến công nghệ cao. Nó không chỉ là bức tường phòng thủ vững chắc, mà còn là một thứ vũ khí sắc bén giúp tấn công vào các hệ thống máy tính khác.

Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là liệu “ông lớn” Huawei có thực sự sử hữu loại công nghệ tối tân như vậy.

“Rất có khả năng họ có năng lực đó. Ngành máy tính lượng tử là một lĩnh vực mới vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và đòi hỏi người có trình độ nghiên cứu cũng như thiết bị đắt đỏ để phát triển. Tuy nhiên, sản phẩm sẽ không sớm được ra mặt thị trường hoặc sản xuất hàng loạt”, Graeme Batsman – một cố vấn an ninh dữ liệu làm việc cho trang Chuyên gia An ninh Dữ liệu – nhận định.

Vị chuyên gia trên cũng chỉ ra rằng một số quốc gia khác, dùng tiền chính phủ đầu tư cho các trường đại học, âm thầm nghiên cứu và phát triển công nghệ lượng tử chứ không rầm rộ như Trung Quốc.

Theo tác giả Goldman, ít nhất có ba đơn vị đang tích cực phát triển ứng dụng mật mã lượng tử cho băng thông rộng 5G, cụ thể là Đại học Bristol (Anh), SK Telecom (Hàn Quốc) và Toshiba Research (Nhật Bản).

Không chỉ vậy, nhiều quốc gia khác tại Ấn Độ – Thái Bình Dương “cũng tham gia cuộc đua phát triển các công nghệ liên quan đến lượng tử”, bao gồm Đại học Quốc gia Singapore, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia Nhật Bản (NICT), Viện Nghiên cứu Raman của Ấn Độ…

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là quốc gia đầu tiên thành lập một mạng lưới lượng tử, đặt biệt là sau màn kết nối thành công giữa Trái Đất và vệ tinh Micius vào tháng 6/2017. Sau khi kết nối thành công, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc họp qua video với Áo ứng dụng công nghệ hóa mã lượng tử đầu tiên trên thế giới.

Chia sẻ suy nghĩ về công nghệ lượng tử có tác động tới tình báo Mỹ, Matthew Hickey – nhà nghiên cứu bảo mật và đồng sáng lập của công ty an ninh mạng Hacker House – cho hay mặc dù Trung Quốc có thể phát triển nghiên cứu máy tính lượng tử song công nghệ này khó có thể khiến SIGINT trở nên lỗi thời. SIGINT là viết tắt của cụm từ tình báo tín hiệu. Đây là nhiệm vụ chính của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) có nhiệm vụ chặn thu và xử lý thông tin liên lạc, mật mã, giải phá mật mã và bảo mật thông tin nhằm ngăn chặn tin tặc nước ngoài lấy trộm thông tin mật.

“Phân tích và thu thập tín hiệu khó có thể biến mất ngay cả trong trường hợp một phương pháp như mật mã lượng tử được áp dụng”, chuyên gia Hickey lưu ý.

Công nghệ lượng tử – con dao hai lưỡi

Các chuyên gia mạng cho rằng công nghệ lượng tử là một con dao hai lưỡi.

Theo Daniel Tobok – Giám đốc điều hành công ty an ninh mạng Cytellect kiêm chuyên gia kỹ thuật số và an ninh mạng được quốc tế công nhận, máy tính lượng tử có thể cung cấp “quyền truy cập vào mọi dữ liệu, hành vi trực tuyến và dấu vết kỹ thuật số”. “Hiện tại, dấu vết kỹ thuật số của một người có thể được phát hiện và sử dụng cho mục đích tốt hoặc xấu. Thế giới sẽ càng thay đổi hơn khi sự riêng tư của mỗi người thu hẹp dần. Sự riêng tư sẽ trở thành điều xa xỉ”.

Trong khi chuyên gia tư vấn bảo mật dữ liệu Graeme Batsman tin rằng công nghệ lượng tử sẽ giúp giải mã “các tin nhắn được mã hóa từ khủng bố hoặc trùm ma túy”, thì cựu đặc vụ FBI Rossini cảnh báo các công nghệ truyền thông tiên tiến cũng tạo điều kiện cho các phần tử xấu liên lạc trong bí mật”.

“Truyền thông lượng tử là tương lai mang theo cả lợi ích và hiểm họa. Tôi hy vọng rằng công nghệ này không được sử dụng cho mục đích bất chính, vì cuối cùng tất cả chúng ta đều thua cuộc”, cựu đặc vụ FBI Rossini nhấn mạnh.

Chuyên gia Tobok tin rằng công nghệ lượng tử thực sự có thể trở thành một yếu tố đổi cuộc chơi. “Đây có thể là một tác động lớn gây ra những thay đổi chiến lược và quan trọng hơn là nó mở đường cho các sáng kiến mới”.

(Theo Tin Tức)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều