Chiến lược ngoại giao “win – win” khôn khéo của Việt Nam
Một trong những sự việc đáng chú ý nhất trong giới ngoại giao châu Âu trong tuần qua, là hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn làm việc cấp cao của Việt Nam thăm chính thức Pháp và làm việc tại Anh Quốc. Tại sao sự kiện này lại đáng chú ý?
Vì quan hệ giữa Anh và Pháp trong giai đoạn gần đây rất căng thẳng, từ vụ Anh – Mỹ “xúi” Úc hủy hợp đồng tàu ngầm trị giá khoảng 40 tỷ USD khiến giới chức quân sự Pháp bực tức ra mặt. Gần đây nhất là động thái liên quan đến giấy phép đánh bắt cá hậu Brexit giữa hai cường quốc lớn mạnh bậc nhất châu Âu này. Hai quốc gia này đã “cơm không lành, canh không ngọt” trong hai tháng trở lại đây, cả Pháp và Anh đều đã triệu tập đại sứ để phản đối, báo chí thì va chạm nhau không tiếc lời, giới ngoại giao thì sử dụng đầy những ngôn ngữ rất cứng rắn chưa từng xuất hiện giữa các đồng minh phương Tây với nhau.
Và tự nhiên, một quốc gia ở Đông Nam Á, thực hiện một chuyến công du kéo dài khoảng 7 ngày đến cả Anh và Pháp. Liệu việc này có khiến hai cường quốc này “phật ý”?
Nói về ngoại giao Việt Nam, có lẽ đến cả những người kỹ tính nhất cũng khó có thể tìm ra điều này để mà chê trách. Trong tháng 8 vừa rồi, chỉ 2 ngày trước khi Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam là Hùng Ba đã làm việc với phía Việt Nam về việc viện trợ 2 triệu liều vaccine Vero Cell – Sinopharm cho Việt Nam nhằm chống lại đại dịch. Tờ SCMP viết rằng đây là một động thái “phủ đầu” trước chuyến thăm của bà Harris đến Việt Nam. Trong chuyến thăm việt Nam, khi bà Kamala Harris mong muốn nâng cấp quan hệ từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược”, phía Trung Quốc cũng gần như ngay lập tức tuyên bố sẽ đặt Việt Nam vào hàng ưu tiên bậc nhất trong cuộc chiến chống đại dịch và ngoại giao.
Vào nửa cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ để tham gia Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, các hoạt động bên lề sẽ làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp và một số lãnh đạo, quan chức của Mỹ. Nhưng, ngay sau khi đến Mỹ, chuyến bay của Chủ tịch nước cùng đoàn ngoại giao lại hạ cánh tại sân bay José Martí – Havana, Cuba. Trước đó, Mỹ bị nhiều quốc gia lên án vì áp đặt lệnh cấm vận lên Cuba và Việt Nam đã có một nước cờ ngoại giao mà nhiều bên đánh giá là “mạo hiểm” khi công khai đến thăm chính thức Cuba ngay sau khi rời Mỹ. Tại chuyến đi Cuba, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố kí hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine do nước này sản xuất và có một thỏa thuận hỗ trợ Cuba trong vấn đề an ninh nội địa – có thể liên quan đến vấn đề chống cách mạng màu khi quốc gia tiến hành mở cửa rộng rãi nền kinh tế.
Quay lại chuyến thăm Anh và Pháp, tổng giá trị các hợp đồng kinh tế đã cam kết hoặc phi cam kết giữa Việt Nam và hai quốc gia trên có thể lên tới 20 tỷ đô la. Tại Anh, Việt Nam và quốc gia này thực hiện các hợp đồng, trao đổi về lĩnh vực khí hậu, giáo dục, công nghệ hàng không, bảo hiểm và phát triển bền vững… Còn tại Pháp, đó là các hợp đồng, cam kết trong các lĩnh vực như công nghiệp điện, nông nghiệp sạch, công nghiệp ô tô, công nghiệp chế tạo và có cả hàng không dân dụng… Chính vì các lĩnh vực ký kết đều tách biệt, Việt Nam cân bằng được lợi ích giữa hai quốc gia đang có những mâu thuẫn lớn về ngoại giao, không tạo ra những cuộc xung đột về lợi ích của các doanh nghiệp Anh – Pháp. Ví dụ như Vietjet ký kết các hợp đồng mua bán với cả Roll Royce và Airbus, tránh tình trạng chỉ mua từ một phía, khiến đối tác từ quốc gia khác “mất lòng”.
Pháp là thị trường lớn bậc nhất trong khối EU, là quốc gia có tác động quan trọng tới EVFTA, hay còn gọi là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Còn Anh sau khi rời Brexit, là thị trường độc lập lớn nhất tại châu Âu mà Việt Nam có được. Việt Nam không muốn bỏ lỡ bất cứ quốc gia nào và cũng không có quốc gia muốn bỏ lỡ một thị trường 100 triệu dân, dân số trẻ, có nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, có mối quan hệ hào sảng với tất cả nước.
Đứng giữa xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam sẽ làm gì để “cân bằng lợi ích” giữa các bên? Làm thế nào để tránh việc quá “ngả về một bên”? Làm thế nào để duy trì được những cam kết về kinh tế với các cường quốc, nhưng vẫn kiên định với chính sách ủng hộ quốc gia bạn bè? Câu trả lời có lẽ phần nào đã rõ ở trên. Ukraine có lẽ là một bài học mà Việt Nam luôn muốn tránh – đó là việc hướng hẳn về phương Tây rồi khiến Nga không hài lòng. Thứ mà Ukraine thu được lại qua chính sách ấy là “mất cả chì lẫn chài”, kinh tế kém đi, nền ngoại giao giảm sút, sức mạnh quân sự yếu đi thấy rõ. Còn Việt Nam, đối diện với các cường quốc, là một chính sách cân bằng “win – win”, ai cũng là người thắng cuộc.
Đặng Trường