+
Aa
-
like
comment

Màn đối chất của Con gái ông Nguyễn Bắc Son tại cơ quan điều tra

Tùng Anh - 03/09/2019 16:43

Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai được Phạm Nhật Vũ hối lộ 3 triệu USD, số tiền này đã đưa cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000 – 400.000 USD. Tuy nhiên, con gái ông Son lại phủ nhận lời khai này của bố. 

Theo kết luận điều tra vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành, sau khi hoàn thành dự án Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đến nhà riêng ông Nguyễn Bắc Son tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đưa cho ông Son 3 triệu USD.

156748500235919437371821
Ông Nguyễn Bắc Son (ảnh bên trái), Bà Phạm Thị Phương Anh (ảnh nhỏ bên phải)

Đối chất giữa ông Son và con gái số tiền 3 triệu USD

Ông Son nhận thức việc ông Vũ đưa tiền vì cựu bộ trưởng đã chỉ đạo thực hiện xong dự án mua cổ phần của AVG.

Ông Son khai sau khi nhận tiền đã đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H. khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000 – 400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.

Cơ quan điều tra đã làm việc với con gái ông Son để làm rõ lời khai trên.

Làm việc với cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Thu H. thừa nhận có ra Hà Nội thăm bố mẹ vài lần. Ông Son cùng vợ cũng vào TP.HCM thăm con gái nhưng không nhớ rõ thời gian cụ thể.

Bà H. khai không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Bắc Son. Cơ quan điều tra đã cho đối chất. Kết quả, bà H. vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền.

Kết luận điều tra cũng xác định căn cứ tài liệu chứng cứ và lời khai những người liên quan chưa có chứng cứ và tài liệu trực tiếp chứng minh việc Nguyễn Thị Thu H. nhận và sử dụng tiền của ông Son.

Do vậy, “không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với bà Nguyễn Thị Thu H.”.

Đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ cho 2 cựu bộ trưởng

Cơ quan điều tra xác định ngoài tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” thì hành vi nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ của ông Son đã phạm vào tội “Nhận hối lộ” quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cơ quan điều tra cũng cho rằng quá trình điều tra, ông Son đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, hợp tác với cơ quan công an.

Quá trình công tác, cựu bộ trưởng có nhiều thành tích được tặng thưởng bằng khen, giấy khen và hiện ông Son đang điều trị bệnh tim mạch và huyết áp.

“Hậu quả của hành vi làm trái đã được khắc phục hoàn toàn, ngoài ra ông Nguyễn Bắc Son có mong muốn nộp khắc phục số tiền nhận từ Vũ. Do đó, cơ quan điều tra đề nghị quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi lượng khung hình phạt đối với ông Nguyễn Bắc Son”, kết luận điều tra nêu.

Con gái ông Nguyễn Bắc Son phủ nhận việc nhận 3 triệu USD từ bố - Ảnh 1.
Ông Trương Minh Tuấn (trái) và ông Nguyễn Bắc Son.

Tuy nhiên, cũng theo kết luận điều tra, ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục hậu quả. Cơ quan điều tra đã phong tỏa tài khoản số tiền này.

Tương tự, cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn khai nhận từ Phạm Nhật Vũ số tiền 200.000 USD. Cũng giống như ông Son, cơ quan điều tra cho rằng bị can Tuấn đã thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong quá trình công tác.

Do đó, cơ quan điều tra cũng đề nghị quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với bị can Trương Minh Tuấn.

Nữ cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone được bảo lĩnh không bị tạm giam

Ngày 26/8/2019, theo thông tin trong bản kết luận điều tra đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang bảo lĩnh.

Trao đổi với PV, một cán bộ từng công tác trong ngành kiểm sát cho biết, việc bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự do người có thẩm quyền áp dụng để thay thế biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo.

Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc hơn tạm giữ, tạm giam, được áp dụng trong trường hợp không cần thiết phải tạm giam, nhưng thấy cần phải ngăn ngừa bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.

Theo vị này, pháp luật quy định có hai dạng bảo lĩnh: tổ chức bảo lĩnh và cá nhân bảo lĩnh. Cụ thể:

Cá nhân nhận bảo lĩnh, là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh. Trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh là người thân thích của bị can, bị cáo thì phải có từ hai người trở lên.

Tổ chức nhận bảo lĩnh: phải thỏa mãn điều kiện là người được bảo lĩnh (bị can, bị cáo) phải là thành viên của tổ chức đó. Nếu là chính quyền địa phương đứng ra bảo lĩnh thì người được bảo lĩnh phải là người cư trú ở địa phương đó.

Bị can Phạm Thị Phương Anh, sinh năm 1975, cựu Phó Tổng giám đốc MobiFone bị khởi tố bắt tạm giam ngày 13/11/2018, về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trước khi bị khởi tố bà Phương Anh bị Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do thiếu trách nhiệm trong đàm phán và thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với nhóm cổ đông AVG khiến cho MobiFone bị thiệt hại.

Bị can Phương Anh được xác định là người đã tham mưu sử dụng kết quả thẩm định giá của Công ty AMAX để MobiFone mua cổ phần của AVG, cũng như không kiểm tra tư cách pháp nhân hay tính pháp lý của nhóm cổ đông bên bán.

Bị can Phương Anh là người chịu trách nhiệm trong việc trực tiếp ký các báo cáo đánh giá về dự án, kết quả tham mưu về hiệu quả của dự án, trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Mobifone về chuẩn bị nguồn vốn trả cho các cổ đông AVG…

Đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với bị can Phạm Nhật Vũ

Phạm Nhật Vũ – với vai trò là chủ tịch HĐQT của AVG, là đại diện giao dịch 95% cổ phần của AVG – vì mong muốn bán được cổ phần nên đã đã đề nghị các ông: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là những người có chức vụ, quyền hạn để dự án được hoàn thành.

Con gái ông Nguyễn Bắc Son phủ nhận việc nhận 3 triệu USD từ bố - Ảnh 2.
Bị can Phạm Nhật Vũ thừa nhận hối lộ 2 cựu bộ trưởng – Ảnh: TT

Quá trình đàm phán, Vũ không hứa hẹn sẽ đưa tiền, sau khi hoàn thành việc ký kết hợp đồng, thanh toán tiền, Phạm Nhật Vũ đã đưa tiền cho 4 cá nhân trên. Hành vi của Vũ đã phạm vào tội “đưa hối lộ” quy định tại khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Quá trình điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án.

Bị can Vũ đã chủ động hủy bỏ thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại Mobifone toàn bộ tiền đã nhận kèm lãi, góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước.

Kết luận điều tra cũng nêu gia đình Vũ có công với cách mạng, ngoài ra ông Vũ có nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hội chất độc da cam, bom mìn… và các hoạt động an sinh xã hội.

Do đó, cơ quan điều tra đề nghị cơ quan xét xử xem xét tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với Phạm Nhật Vũ.

Hồng Anh (Tổng hợp)

Bài mới
Đọc nhiều