+
Aa
-
like
comment

Mạn đàm về “YouTube bẩn”: Không có người xem thì liệu có sống được đến ngày hôm nay?

11/10/2020 15:05

Phải thừa nhận, thời gian rảnh tự nhiên không thích chơi game nữa, mà thay vào đó chính là xem YouTube. Trên đó là hàng triệu content creator dốc hết sức để hàng ngày tạo ra những nội dung mới phục vụ người xem, những subscriber chọn kênh của họ làm nơi giải trí sau một ngày học tập lao động mệt mỏi. Hầu hết chúng đều có nội dung mang tính khoa giáo, xen lẫn một chút giải trí về game, xe cộ, âm nhạc, phần cứng máy tính hay kiến thức phổ thông. Nhưng ở một khía cạnh khác, những người làm YouTube với nội dung nhảm nhí, nội dung bẩn, đi ngược lại thuần phong mỹ tục cũng có mục tiêu tương tự. 

Bài viết này, hoàn toàn không có ý định cổ xúy cho những kênh nhảm nhí như vậy, và không đời nào  khuyến khích anh em, con cái hay bất kỳ người thân nào của mình xem những loại nội dung đó. Bài viết này khai thác một khía cạnh tâm lý của người làm YouTube có nội dung nhảm nhí, để tìm cho ra lý do vì sao những kiểu nội dung như vậy vẫn còn đất sống, chưa nói đến chuyện còn đang sống khỏe ở thời điểm hiện tại.

YouTube hay vlog nội dung nhảm từ đâu ra?

Chúng ta có thể không tin, nhưng hiếm khi Việt Nam dẫn đầu trào lưu lắm. Tất cả những gì đang thịnh hành ở nước ta hiện tại, chí ít là trên cái xứ phù hoa gọi là internet, đều là những trào lưu và xu hướng hot trên thế giới. TikTok, YouTube, Facebook, tất cả những mạng xã hội thịnh hành tại Việt Nam hiện giờ đều đã đến từ những nước khác, cho dù là phương Đông hay phương Tây.

Mọi người hay theo dõi tin tức công nghệ thế giới hoặc tin tức game đôi khi sẽ thấy vài cái phốt của YouTuber, streamer hay influencer trời Tây. Nếu bạn còn nhớ vụ một YouTuber bên Mỹ tên là Logan Paul, bị cả thế giới lên án vì mò vào khu rừng Aokigahara, vốn là nơi xảy ra nhiều vụ tự sát ở Nhật Bản, và ghi hình một thi thể ở trong đó. Đấy cũng chính là một định nghĩa cho nội dung nhảm nhí. Những vlog của Logan Paul hầu hết cũng có nội dung chẳng thua kém gì cái clip vào khu rừng tự sát ở Nhật Bản, từ trêu ngươi người đi đường, chơi dại ăn bột giặt, hành hạ động vật,… Lý do duy nhất Logan Paul là một YouTuber “thành công”, nhiều người theo dõi là vì fan của thanh niên này toàn trẻ con chưa biết đúng sai, cứ thấy “thần tượng” cợt nhả khắp nơi làm trò đùa là hay.

Một ví dụ khác là TikTok, nhưng có lẽ không có xứ nào nội dung nhảm nhí, dung tục lại bùng nổ dữ dội với nhiều kênh như YouTube. Dù gì đi chăng nữa đến thời điểm này, TikTok toàn bị phê phán vì cách quản lý nội dung và quản lý người dùng, khiến những người dùng tuổi vị thành niên dễ trở thành đối tượng bị nhắm đến. Dù vậy thì TikTok cũng chẳng thiếu nội dung nhảm, vô giá trị.

Khẳng định lại một lần nữa, những vlog nhảm nhí trên các kênh YouTube của người Việt hoặc nói tiếng Việt đều lấy cảm hứng từ những YouTuber nước ngoài, hoặc từ những influencer Trung Quốc trên TikTok. Những “cú” prank đầy nguy hiểm, đáng sợ và đáng bị lên án đều có xuất phát điểm từ những ví dụ đã có trước đó. Riêng thứ nội dung này thì không thể đơn giản đổ lỗi cho YouTuber Việt Nam nói riêng được. Thể loại YouTuber bẩn thế này nước nào cũng có.

Còn về trường hợp của Bà Tân Vlog, đó là ý tưởng một phần từ kênh YouTube tên là Grandpa Kitchen. Kênh này của cụ Narayana Reddy người Ấn Độ. Kênh Grandpa Kitchen lập năm 2017, còn Bà Tân lập kênh năm 2018. Cả hai cũng đều có nội dung làm những mâm đồ ăn “siêu to khổng lồ”. Nhưng trái ngược hoàn toàn với “Bà Tân”, cụ Reddy lập kênh, làm những mâm đồ ăn khổng lồ đều dành cho những đứa trẻ mồ côi, và doanh thu từ kênh cũng được dùng để giúp đỡ những đứa trẻ đó. Còn về phần Bà Tân Vlog, những nội dung trên kênh, những món ăn “ngồn ngộn” chỉ có duy nhất một mục đích: Khơi dậy sự tò mò và lôi kéo sự chú ý, quy đổi sự tò mò đó ra view, và quy đổi view ra doanh thu từ quảng cáo hiển thị trên từng lượt xem.

Còn những cái “thử thách” hay “chơi khăm” nhảm nhí hay nguy hiểm, thì có lẽ thôi xin phép không bàn luận thêm. Có những kênh hay chương trình truyền hình prank vô cùng văn minh, vô hại (như Gag Just For Fun ngày xưa hay xem trên TV ấy), nhưng ví dụ như “thả 100 cái dao từ trên cao xuống” hay “thử thách ngồi trong chuồng chó 7 ngày” thì…

Thị hiếu thượng vàng hay hạ cám?

Cái tầng thứ 3 của tháp nhu cầu của Abraham Maslow, nghĩa là những nhu cầu liên quan đến xã hội, quan hệ, tình cảm giữa con người và con người có lẽ chính là điểm giải thích dễ nhất cho sự hiện diện của bất kỳ mạng xã hội trực tuyến nào. Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc cần có bạn bè, gia đình, người thân, đồng nghiệp, mà mạng internet còn mở rộng nhu cầu đó ra thêm rộng hơn nữa, đó là nhu cầu giữ liên lạc với những người ở phương xa, và kết nối với những người có chung sở thích.

Rồi kết hợp với nhu cầu được lắng nghe, được người khác hiểu quan điểm, vlog hay những video clip “reaction” ra đời hơn chục năm về trước, và nhanh chóng trở thành trào lưu đúng chất thượng vàng hạ cám. Vlog ngon, giàu nội dung thông tin hữu ích (chí ít là cho cá nhân mình) thì mình có xem Johnny Harris, Modern Vintage Gamer, Rick Beato hay Optimum Tech. Vlogger nhảm nhí thì cũng vô vàn, kể tên có mà hết ngày (thật ra là vì không biết ai, may quá).

Như cái dòng tiêu đề, không có người xem, thì làm gì có chuyện nội dung YouTube nhảm nhí tồn tại khỏe như bây giờ? Tệ một nỗi, thị hiếu nói chung, chẳng riêng gì Việt Nam, đối với những dạng nội dung bẩn như vậy chưa bao giờ hạ nhiệt. Nói theo kiểu của các cụ thì, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, những “khán giả” trung thành của những kênh YouTube với nội dung nhảm nhí thường có xuất thân khá tương đồng với những người làm nội dung nhảm. Thấy người làm nội dung “sáng tạo” làm được những thứ họ không làm được, hoặc vì không có điều kiện, hoặc vì nó đi ngược lại thuần phong mỹ tục và bị lên án luôn là thứ kích thích sự tò mò click vào cái thumbnail để theo dõi nội dung.

Tò mò => lượt view, lượt view => doanh thu quảng cáo.

Giờ này có hai dạng nội dung sản phẩm được xem nhiều nhất, mà trước giờ luôn như vậy. Hoặc là những sản phẩm giá rẻ, dễ tiếp cận và dùng tốt để mọi người sử dụng hàng ngày. Hoặc là những sản phẩm cực đắt, chỉ dành cho 0,01% đối tượng khách hàng trên toàn thế giới. Dạng thứ nhất thì không bàn, vì mọi người luôn muốn những nội dung hữu ích mà họ có thể tận dụng khi chọn mua một sản phẩm. Còn dạng thứ hai có thể gọi là “của lạ”, đọc cho vui, xem dân lắm tiền họ ăn tiêu như thế nào.

Không liên quan đến cái đoạn phân tích ở trên cho lắm, nhưng những nội dung YouTube nhảm nhí hoàn toàn có thể được gọi là “của lạ”.

Như những YouTuber “chân chính”, dốc hết sức nghĩ ra nội dung, viết kịch bản để làm những clip hữu ích, giàu tính giáo dục và kiến thức, thì những YouTuber “nhảm” cũng hàng ngày dốc hết sức nghĩ ra nội dung ý tưởng cho những thử thách, trò chơi khăm độc hại, nhảm nhí. Mục tiêu của hai đối tượng YouTuber này đều chỉ có một: Lượt view và lượt subscribe. Càng nhiều view thì tiền về càng nhiều.

Đổi lại cho tiếng cười vô tư sảng khoái sau một ngày làm việc mệt mỏi của hàng triệu người theo dõi, những YouTuber chạy theo định hướng nội dung độc hại cũng vô tình tạo ra một xu thế nguy hiểm, không chỉ với làng nội dung số, mà còn với chính tri thức của một thế hệ người Việt Nam nói riêng.

Làm thế nào để thay đổi?

Điều nguy hiểm nhất không phải là những YouTuber khai thác những nội dung nhảm nhí và độc hại, vì riêng mình họ không đủ để tạo ra những khác biệt mang tính tiêu cực tới cộng đồng, mà hai thứ nguy hiểm nhất chính là thuật toán của YouTube, và network đứng phía sau những YouTuber đó để chia sẻ doanh thu.

Thuật toán của YouTube khiến một người, một tài khoản hay một thiết bị xem càng nhiều những dạng nội dung nhảm nhí như thế này, thì về sau nó sẽ càng hiện nhiều nội dung tương tự. Vậy là người xem bị lọt vào vòng xoáy không hồi kết của những thứ nội dung độc hại, vì nó cứ hiện, cứ tò mò, và cứ click vào xem.

Vòng lặp không bao giờ dừng lại…

Và vì vòng lặp không dừng lại, cứ có người xem là sẽ có doanh thu quảng cáo…

Còn đối với những network ký kết với các YouTuber, họ hiểu rất rõ tác hại của những kiểu nội dung đó, nhưng cùng lúc họ hiểu đó chính là thứ rất nhiều người Việt Nam ưa thích và hàng ngày vẫn theo dõi. Hễ còn người xem, thì cả YouTuber lẫn network đều sẽ tối ưu nguồn lực để thúc đẩy những dạng nội dung đó tràn ngập các kênh hợp tác cùng network đó. Tiền là trên hết, những thứ khác như tri thức hay ý thức quá phù phiếm để những cái đầu kinh doanh theo kiểu chộp giật quan tâm.

Những lần hiếm hoi cơ quan công an triệu tập những YouTuber hay influencer làm nội dung nhảm nhí lên để phạt hành chính, âu cũng có thể coi là bước đầu tiên để truy quét những dạng video clip như vậy. Bắt đầu với một kênh, một network, thiết nghĩ luôn nên có những hành động mạnh tay để vô hình chung khiến bất kỳ YouTuber nào muốn kiếm tiền từ những nội dung độc hại cảm thấy chùn tay, nghĩ rằng lợi nhuận không đủ bù cho án phạt, dù là hành chính, thì dần dà những dạng nội dung khiến nhiều người Việt Nam mê muội cũng sẽ dần biến mất.

Nhưng, ở một thái cực gần hơn, cá nhân hơn, thì “tiên trách kỷ”. Chính bản thân mỗi người Việt cũng đều cần lên án và tự tay report từng video clip nhảm nhí và độc hại để tự truy quét chúng khỏi trang chủ YouTube ở nhà mình, ở thiết bị mình sử dụng. Đủ người làm điều đó, khác biệt sẽ là rất rõ ràng.

P.W

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều