Màn chia ly kịch tính đến phút chót của TT Trump với cố vấn hiếu chiến
Ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia khét tiếng với quan điểm “diều hâu”, rời Nhà Trắng theo phong cách kịch tính điển hình của ông Trump với mâu thuẫn đến phút chót.
Hôm 10/9, Tổng thống Trump đã sa thải John R. Bolton, cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của ông sau những tranh chấp trong các chính sách đối ngoại lớn như Iran, Triều Tiên và gần đây nhất là Afghanistan.
Sự ra đi của ông Bolton đã chấm dứt mối quan hệ đối tác kéo dài 17 tháng. Mối quan hệ trở nên căng thẳng đến mức hai người thậm chí bất đồng về cách họ chia tay.
Ông Trump tuyên bố trên Twitter rằng ông đã sa thải vị cố vấn. Trong khi đó, ông Bolton phủ nhận điều này và khẳng định ông từ chức theo ý mình.
Đỉnh điểm của xung đột
Là một nhân vật “diều hâu” lão luyện đảng Cộng hòa được biết đến với phong cách hiếu chiến, ông Bolton đã dành phần lớn nhiệm kỳ của mình để cố gắng kiềm chế tổng thống thực hiện những gì ông cho là thỏa thuận không khôn ngoan với kẻ thù của Mỹ.
Ông Trump nổi giận với những gì ông xem là cách tiếp cận hung hăng của ông Bolton, đến mức nói ra những câu đùa ác ý trong các cuộc họp rằng vị cố vấn muốn đưa nước Mỹ tới chiến tranh.
Sự khác biệt của họ lên đến đỉnh điểm trong những ngày gần đây khi ông Bolton tiến hành chiến dịch vào phút cuối để ngăn tổng thống ký thỏa thuận hòa bình tại Trại David với các lãnh đạo của nhóm cực đoan Taliban.
Theo New York Times, ông Bolton đã thắng cuộc chiến chính sách khi ông Trump hủy bỏ thỏa thuận nhưng thua cuộc chiến lớn hơn khi tổng thống tức giận về cách giải quyết vấn đề.
Ông Trump và các trợ lý riêng đổ lỗi cho cố vấn an ninh quốc gia về các tin tức mô tả sự phản đối của ông Bolton đối với thỏa thuận này. Phó Tổng thống Mike Pence và các đồng minh cũng tức giận khi có thông tin cho rằng ông đã đồng ý với ông Bolton, coi đây là nỗ lực để củng cố vị trí cố vấn.
“Tôi đã thông báo cho John Bolton đêm qua rằng sự phục vụ của ông ấy không còn cần thiết ở Nhà Trắng nữa”, tổng thống viết trên Twitter. “Tôi không đồng ý với nhiều đề xuất của ông ấy, cũng như những người khác trong chính quyền, do đó tôi đã yêu cầu John từ chức, đơn từ chức được trao cho tôi sáng nay. Tôi cảm ơn John rất nhiều vì sự phục vụ của ông ấy”, ông Trump cho biết.
Ông Bolton mâu thuẫn với lời kể của tổng thống trong dòng tweet của riêng ông 12 phút sau. “Tôi đã đề nghị từ chức tối qua và Tổng thống Trump nói ‘Hãy nói chuyện đó vào ngày mai'”, ông viết.
Trả lời câu hỏi của New York Times qua tin nhắn, ông Bolton nói rằng việc từ chức là ý tưởng của riêng ông chứ không phải của tổng thống. “Đã đề nghị tối qua mà không cần ông ấy yêu cầu. Tôi đợi đến hôm sau và trao nó (đơn từ chức) cho ông ấy sáng nay”, ông cho biết.
Kết thúc tàn bạo và bất ngờ
Ông Trump nói sẽ chỉ định người thay thế vào tuần tới. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Charles M. Kupperman, phó cố vấn an ninh quốc gia, sẽ đóng vai trò tạm quyền. Không có tổng thống nào khác từng có bốn cố vấn an ninh quốc gia trong ba năm đầu cầm quyền.
Trong khi vị trí của ông Bolton rõ ràng đã lung lay trong nhiều tháng, cái kết diễn ra theo đúng phong cách bất ngờ và tàn bạo điển hình trong Nhà Trắng của ông Trump.
Sáng 10/9, ông Bolton dẫn đầu cuộc họp của các giám đốc an ninh quốc gia trong Phòng Tình huống, không có dấu hiệu cho thấy bất cứ điều gì xấu sắp sửa xảy ra.
Lúc 11h sáng, Nhà Trắng thậm chí đã lên lịch lúc 13h30 chiều cho cuộc họp báo mà ông Bolton sẽ nói về khủng bố cùng với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Nhưng sau đó, ông Trump thông báo trên Twitter hai phút trước buổi trưa và ông Bolton rời Nhà Trắng.
Cuộc họp diễn ra mà không có Bolton. Ông Pompeo, người bất đồng với ông Bolton trong nhiều tháng, không chút xót xa trước quyết định của tổng thống.
“Ông ấy nên có những người mà ông ấy tin tưởng và đánh giá cao, những người mà nỗ lực và phán đoán của họ có lợi cho ông trong việc thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ”, ông Pompeo nói với các phóng viên.
Ông Pompeo và ông Bolton thường chia sẻ quan điểm chính sách bảo thủ nhưng ngoại trưởng tỏ ra lão luyện hơn trong việc điều tiết tổng thống và điều chỉnh quan điểm của mình phù hợp với ông ấy. Trong khi đó, ông Bolton tiếp tục thúc đẩy các quan điểm của mình ngay cả khi chúng bị từ chối.
Ông Pompeo không xem ông Bolton là đồng đội mà là người phá hoại các chính sách của tổng thống. Ông Bolton nhận thấy ông Pompeo là một chính trị gia quan tâm nhiều hơn đến việc lấy lòng ông Trump nhằm có được sự ủng hộ của tổng thống cho việc tranh cử sắp tới vào Thượng viện.
Những đối thủ của ông Bolton trong chính quyền đã đeo đuổi ông trong nhiều tuần, lan truyền những câu chuyện về cách cố vấn an ninh quốc gia bị loại khỏi các cuộc họp và bị tổng thống cho ra rìa.
Khi ông Bolton từ chối xuất hiện trên hai chương trình truyền hình trong Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng trước, những người chỉ trích nói rằng đó là vì ông từ chối bảo vệ chính sách của tổng thống đối với Nga.
Ông Bolton phủ nhận điều này, nói rằng ông không tham gia các chương trình vì biết rằng chủ đề chính sẽ là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, vốn không phải là lĩnh vực chuyên môn của ông.
Kẻ vui mừng, người tiếc nuối
Ông Bolton, 70 tuổi, gia nhập Nhà Trắng vào tháng 4/2018, đưa quan điểm trái chiều vào vòng nội bộ của ông Trump.
Ngay từ đầu, ông có vẻ khác biệt với vị tổng thống tranh cử với chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” và vận động để rút Mỹ khỏi những cuộc chiến mà những người tiền nhiệm của ông theo đuổi.
Đôi khi, Bolton theo đuổi các ưu tiên chính sách đối ngoại dài hạn của riêng mình, tạo ra căng thẳng với các quan chức chính quyền hàng đầu và chính tổng thống.
Kể từ khi gia nhập Nhà Trắng của ông Trump, ông Bolton đã tìm cách làm kiệt quệ kinh tế Iran, bảo vệ người Mỹ khỏi tầm với của Tòa án Hình sự Quốc tế và củng cố vị thế của Mỹ đối với Nga.
Theo Bloomberg, ông là tiếng nói hàng đầu thúc đẩy sự ủng hộ của Mỹ đối với việc lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, một nỗ lực chưa thành công.
Ông Bolton, người mà tổng thống đôi khi gọi là “Ngài Ria mép” vì bộ râu đặc trưng trên khuôn mặt, cũng đối đầu với Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Mnuchin về các lệnh trừng phạt chống lại Iran. Ông Bolton lập luận rằng việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt là quá hào phóng đối với Iran.
Sự ra đi của ông thu hút phản ứng trái chiều từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ Mitt Romney cho biết đây là “tổn thất to lớn”. “Quan điểm của ông Bolton không phải lúc nào cũng đồng nhất với những người khác trong phòng. Đó là lý do ta cần ông ở đó”, ông Romney nói.
Thượng nghị sĩ Rand Paul cho biết mối đe dọa chiến tranh “đã giảm đi nhiều lần với việc John Bolton rời Nhà Trắng”.
“Tôi nghĩ rằng sự vận động của ông ấy để thay đổi chế độ trên toàn thế giới là một quan điểm ngây thơ và tôi nghĩ thế giới sẽ tốt đẹp hơn nhiều với một cố vấn mới”, ông Paul nói.
Tuyết Mai/ Zing News