Make in Vietnam, cần sản phẩm đột phá và khác biệt
Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, để tạo ra những sản phẩm Make in Vietnam cần có những bước đột phá, muốn thành công cần có sự khác biệt.
Sáng kiến quốc gia Make in Vietnam đang thổi bùng lên khát vọng mới về một Việt Nam hùng cường, là động lực để các doanh nghiệp vươn cao, vươn xa hơn. Đến năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu có khoảng 100.000 doanh nghiệp công nghệ, đưa Việt Nam lọt top 30 cường quốc về công nghệ thông tin.
Liên quan tới chủ đề Make in Vietnam, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, đã chia sẻ với PV.
Từ trước tới nay, Việt Nam được biết tới như là quốc gia chỉ gia công phần mềm, nhưng để làm giàu thì phải làm chủ công nghệ, ông đánh giá thế nào về điều này?
Ông Hoàng Nam Tiến: Nhận định mà bạn nêu ra đúng cho giai đoạn trước, còn 5 năm trở lại đây, câu chuyện đã đổi khác. Định hướng mảng xuất khẩu phần mềm đã có bước ngoặt quan trọng với việc cung cấp dịch vụ phần mềm tổng thể và toàn diện cho các khách hàng toàn cầu, từ ý tưởng, tư vấn, thiết kế, phát triển, kiểm thử đến triển khai, bảo hành bảo trì. Điều này là xu hướng tất yếu khi trong 20 năm qua, lực lượng lao động công nghệ cao của chúng tôi đã được rèn luyện, trưởng thành để làm chủ công nghệ và theo kịp tốc độ phát triển của thế giới.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi bộ mặt của rất nhiều quốc gia, lĩnh vực đồng thời tạo ra những cơ hội giúp những công ty công nghệ như FPT Software thay đổi vị thế. DN Việt có cơ hội làm việc với hầu hết các công ty lớn nhất thế giới trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất tiêu dùng, công nghiệp đến hàng không, tài chính ngân hàng trên toàn cầu.
Điều này đã giúp các DN Việt xây dựng được nguồn nhân lực có trình độ công nghệ và hiểu biết chuyên sâu các lĩnh vực, đủ năng lực cung cấp các dịch vụ phần mềm tổng thể và toàn diện cho khách hàng, đặc biệt là trong các dự án chuyển đổi số. Đây thực sự là một bước ngoặt tạo động lực phát triển mạnh mẽ.
Giờ đây, chúng ta có quyền tự hào khi doanh nghiệp CNTT Việt Nam, đã tự tin làm việc với các công ty lớn nhất thế giới trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất tiêu dùng, công nghiệp đến hàng không, tài chính ngân hàng trên toàn cầu.
Make in Vietnam chúng ta đang gặp khó ở những vấn đề gì, thưa ông?
Nếu xét một cách cụ thể trong lĩnh vực công nghệ, có thể thấy rằng trong chuỗi giá trị phần mềm, ở một số công đoạn cao, chúng ta vẫn còn khoảng cách cần vượt qua. Chúng ta đang cần thêm nhiều chuyên gia có thể đưa ra concept (khái niệm) và idea (ý tưởng), những người có trình độ thiết kế hệ thống, quản trị dự án lớn…
Một trong những lời giải nhanh và hiệu quả mà chúng tôi đang thực hiện là M&A những công ty công nghệ có năng lực tư vấn, tận dụng tối đa kinh nghiệm và công nghệ của đội ngũ chuyên gia này. Bên cạnh đó, chúng tôi đồng hành cùng một số tập đoàn lớn xây dựng những ứng dụng giải pháp trên những nền tảng công nghệ mới, tiên phong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong một số lĩnh vực như hàng không, sản xuất,… để “tôi luyện” đội ngũ chuyên gia hiện có của công ty.
May mắn là người Việt có khả năng học hỏi và thích ứng cao nên các kỹ sư công nghệ của chúng ta có sự thay đổi về chất, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các dự án trong chuỗi giá trị phần mềm.
Làm việc với các ông lớn như trên, ông có thể chia sẻ những bài học từ họ?
Điều chúng tôi học được chính là phương pháp luận, phương pháp làm việc và làm sao xây dựng các startup trong lòng doanh nghiệp (Enterprise). Xây dựng các startup, cổ vũ sự sáng tạo, sự dấn thân tạo ra cái nôi cho sự ra đời các sản phẩm mới trong lòng các doanh nghiệp lớn.
Thời gian gần đây, phong trào xây dựng các ứng dụng, bắt đầu từ những việc nhỏ, trở thành yêu cầu trong cả DN chúng tôi. Chúng tôi khuyến khích đội ngũ của mình hãy nghĩ thật lớn, nhưng bắt đầu bằng những bước nhỏ, thông minh. Chính quá trình thử sai liên tục đã mang đến cho chúng tôi cái nhìn toàn diện về định hướng phát triển của công ty.
Từ đó, trước hết giúp DN phát triển thế mạnh sẵn có; thứ hai là đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các nền tảng, giải pháp phần mềm, đặc biệt là những nền tảng, giải pháp hỗ trợ các tổ chức doanh nghiệp chuyển đổi số. Đây chính là những sản phẩm Make in Việt Nam mà có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia người Việt và người Mỹ, Nhật Bản, châu Âu của chúng tôi trên toàn cầu.
Một sản phẩm của Việt Nam nhưng nội hàm có yếu tố toàn cầu.
Để thành công ghi danh thương hiệu Việt trên toàn cầu, cần có sự khác biệt, ông đánh giá thế nào về điều này?
Khi làm ra một sản phẩm mới, nếu không đột phá về ý tưởng thì phải dễ tiếp cận người dùng hơn hay giá thành phải khác hẳn. Phải cạnh tranh bằng sự khác biệt, sự khác biệt không nhất thiết phải là mới. Theo tôi, khác biệt phải dựa trên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Chúng ta là ai, thế mạnh vốn có là ở đâu, sản phẩm chúng ta đặt trong mối tương quan với đối thủ có gì vượt trội? Trước nhất, hãy hiểu bản thân doanh nghiệp của mình, sau đó tự khắc bài toán khác biệt sẽ có câu trả lời.
Vậy có thể hy vọng sản phẩm “Make in Việt Nam” được tạo ra để hàng triệu người toàn cầu sử dụng chưa, thưa ông?
Từ kinh nghiệm của chính mình với trên 20 năm cung cấp dịch vụ phần mềm cho các tập đoàn lớn trên toàn cầu, chúng tôi đang đi theo con đường mình có kinh nghiệm và nhiều thế mạnh nhất, đó là tập trung làm nền tảng, giải pháp công nghệ; đây cũng là con đường tốt cho DN Việt Nam. Và chắc chắn một thời gian nữa, chúng tôi sẽ có những sản phẩm hàng triệu người trên thế giới sử dụng.
Duy Anh/ Vietnamnet