+
Aa
-
like
comment

Giám đốc Bảo tàng TP.HCM lên tiếng vụ “mặc áo dài vô bảo tàng bị thu phí chụp ảnh”

31/12/2021 09:23

Mặc áo dài truyền thống đi tham quan Bảo tàng TP.HCM, nhiều người bị thu phí dành cho… êkip chụp hình chuyên nghiệp. Theo tiến sĩ Đoàn Thành Lộc, một nhân viên bán vé nơi đây bảo: “Người bình thường không ai mặc áo dài đi chơi”.

Mặc áo dài vô bảo tàng bị thu phí chụp ảnh: Lỗi ở... cô bán vé - Ảnh 1.
Chuyến tham quan Bảo tàng TP.HCM của nhóm tiến sĩ Đoàn Thành Lộc vào sáng 26-12 – Ảnh: NVCC

Liên quan đến vụ việc, giám đốc Bảo tàng TP.HCM vừa có phản hồi.

Bà Thu Huyền lý giải: “Nhân viên bán vé là một người mới vào làm nên chưa có kinh nghiệm và chưa khéo trong cách ứng xử với khách tham quan. Khi cô ấy thấy các bạn mặc áo dài ngũ thân thì thấy lạ vì không hiểu đó là trang phục như thế nào.

Lúc các bạn vào, các bạn cũng không có sự thống nhất, bạn thì nói vào tham quan, bạn thì nói tổ chức sự kiện, có người nói chụp hình, người nói không chụp hình nên nhân viên bán vé cho rằng nhóm vào tổ chức sự kiện, có chụp hình và bán theo mức giá vé này”.

Mặc áo dài vô bảo tàng bị thu phí chụp ảnh: Lỗi ở... cô bán vé - Ảnh 2.
Bảng giá vé niêm yết – Ảnh: BẢO TÀNG TP.HCM

Trước đó, theo tiến sĩ Đoàn Thành Lộc, vào sáng 26-12, khi anh và một nhóm bạn trẻ đến Bảo tàng TP.HCM (65 Lý Tự Trọng, Q.1) để tham quan, nhân viên bán vé đã yêu cầu nhóm anh mua theo giá vé chụp hình với lập luận nhóm này đang mặc áo dài, tức là đầu tư trang phục để chụp ảnh và nói “Người bình thường không ai mặc áo dài đi chơi”.

Sau một hồi “đấu tranh” để được mua giá vé loại thường, nhóm tiến sĩ Đoàn Thành Lộc đã vào trong tham quan. Tuy nhiên, suốt quá trình, nhân viên bảo vệ của bảo tàng đã đi theo để ghi hình làm bằng chứng nhóm này không chụp ảnh như cam kết.

Xoay quanh phát ngôn trên của nhân viên bán vé, bà Thu Huyền trả lời: “Tôi không nghĩ câu đó là nguyên văn như vậy. Khi diễn giải lại thì câu chữ có thể khác nhau một chút. Tôi nghĩ đây là do sự không khéo léo, linh hoạt chứ không phải là quan điểm về trang phục áo dài”.

Bà Thu Huyền cũng nói thêm, bảo vệ chỉ quay phim để… xem chơi vì thấy áo dài này lạ. Việc đi theo khách để quay phim, chụp hình không phải là chủ trương của bảo tàng trong cách ứng xử với khách tham quan. Sau khi vụ việc diễn ra, bảo tàng đã họp lại để rút kinh nghiệm.

Mặc áo dài vô bảo tàng bị thu phí chụp ảnh: Lỗi ở... cô bán vé - Ảnh 3.
Biên lai mua vé 1 triệu đồng của nhóm Đại Nam Hội Quán – Ảnh: NVCC

Trước trường hợp của tiến sĩ Đoàn Thành Lộc, nhóm các bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống Đại Nam Hội Quán cũng gặp sự việc tương tự vào ngày 19-12 và phải trả mức vé 1 triệu đồng cho 12 thành viên vào tham quan. Trong khi đó, mức vé thông thường cho 1 khách chỉ là 30.000 đồng.

Trong cuộc gặp với phóng viên, bà Thu Huyền nhận định: “Bảng giá bảo tàng đã công khai, nếu các bạn đã vô rồi, đã mua rồi có nghĩa là các bạn cũng chấp nhận. Đây là dịch vụ công, cho nên tôi nghĩ không phải như ở ngoài thị trường mà có sự ép uổng gì!

Qua sự việc lần này, bảo tàng sẽ ghi nhận để điều chỉnh lại và phục vụ khách tốt hơn. Từ trước đến nay, bảo tàng rất trân trọng áo dài truyền thống, đây chỉ là sự cố trong việc ứng xử với khách”.

“Nếu thật sự các bạn không chụp hình, các bạn có thể phản ánh và bảo tàng sẵn sàng gửi lại tiền” – bà Thu Huyền nói thêm.

Chỉ riêng chuyện giá vé chụp ảnh, Bảo tàng TP.HCM đã nhận hàng loạt đánh giá 1 sao trên Google từ vài năm trở lại đây.

“Mình rất thất vọng về thái độ của chị nhân viên bán vé ở cổng khi biết chúng mình là khách du lịch. Giá niêm yết là 30.000 đồng để tham quan, 20.000 đồng nếu mang theo camera nhưng khi vừa vào đã bị chị bảo mua vé 400.000 đồng – vé chụp ảnh cưới.

Bọn mình giải thích là chỉ vào tham quan và chụp vài bức ảnh lưu niệm chứ không phải chụp để kinh doanh. Nhưng vừa vào được 10 phút thì đã bị bắt ra đổi thành vé 400.000 đồng vì nói rằng chúng mình không tham quan hiện vật mà chỉ đứng chụp ảnh trong khi mới vào được có 1 chút. Mình có hỏi những người khác đang chụp ảnh thì mọi người cũng chỉ mua vé 30.000 đồng thôi.

Mình cũng có hỏi mấy chị nhân viên ngồi tầng 1 trong bảo tàng thì các chị cũng bảo không sao, nhưng mà chị bán vé ngoài cổng lại khẳng định là chúng mình không hề tham quan. Thế nên là về luôn. Mất cả vui. Thái độ thế này thì làm sao khách du lịch quay lại được?” – một nhận xét của bạn Mtrang viết.

 

Bách Hoa

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều