Mã chứng khoán HVN của Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo
Kinh doanh thua lỗ hơn 10 nghìn tỉ đồng, cổ phiếu HVN bị Sở giao dịch chứng khoán TPHCM đưa vào diện cảnh báo.
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines; mã HOSE: HVN) vào diện cảnh báo kể từ ngày 15.4.
Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 lỗ 10.927 tỉ đồng.
Tính đến hết 31.12.2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận mức lỗ 9.327 tỉ đồng.
Đồ thị giá cổ phiếu HVN trên thị trường chứng khoán thời gian qua. Ảnh chụp màn hìnhTrên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 9.4, giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines ở mức 33.150 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu HVN lao dốc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và đến nay vẫn bị ảnh hưởng nặng nề.
Việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo đồng nghĩa với việc các công ty chứng khoán không được cấp margin (tiền ký quỹ) cho nhà đầu tư mua cổ phiếu này.
Tuy nhiên, HVN đã không đủ điều kiện ký quỹ từ năm ngoái do thua lỗ hàng nghìn tỉ trong nửa đầu 2020. Vậy nên quyết định này của HOSE không làm thay đổi tình hình margin của cổ phiếu HVN.
Trong cơ cấu cổ đông của HVN, cổ đông Nhà nước đang nắm giữ tới 86,2% vốn, cổ đông chiến lược nước ngoài là ANA Holdings đến từ Nhật Bản đang sở hữu 8,77% vốn, chỉ còn lại khoảng 5% vốn – tương đương hơn 71 triệu đơn vị HVN – được tự do chuyển nhượng trên thị trường.
Năm 2020, tổng doanh thu Vietnam Airlines là 40.613 tỉ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lũy kế cả năm, hãng lỗ sau thuế 11.098 tỉ đồng.
Dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines ở mức âm 6.379 tỉ đồng. Dòng tiền thuần hoạt động đầu tư của doanh nghiệp dương 3.271 tỉ đồng nhờ đẩy mạnh thu hồi công nợ và các khoản phải thu. Dòng tiền thuần hoạt động tài chính dương 1.797 tỉ đồng, đến từ các khoản vay tài chính.
Cả năm 2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines giảm xuống còn 62.967 tỉ đồng.
Tại đại hội cổ đông bất thường tháng 12.2020, Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỉ đồng. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines.
Tới cuối tháng 3.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng, sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và số tiền cho vay của các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỉ đồng.
Theo điểm 1.1 khoản 1 Điều 22 Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE quy định chứng khoán bị cảnh báo khi lợi nhuận sau thuế của năm tài chính trên báo cáo tài chính kiểm toán năm của công ty là số âm (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán).
Trà My