+
Aa
-
like
comment

Lý sự của những kẻ tự cho mình quyền đi ban phát nhân quyền

Bảo An - 01/10/2020 01:02

Thời gian qua, một số quan chức, chính trị gia nước ngoài lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để vu khống tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Với tư tưởng thù hằn, những người này hỗ trợ, giúp sức cho các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị người Việt Nam, đồng thời tiến hành xuyên tạc thông tin trước nghị trường, báo giới nước ngoài để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Luận điệu tiêu cực, xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam mà các đối tượng đang cổ suy

Vẫn nằm trong xu hướng lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào tình hình nội bộ của Việt Nam, gần đây, theo thông tin được các đối tượng phản động, chống đối đang hả hê rêu rao, một người có tên Saskia Bricmont, được giới thiệu là nữ nghị sĩ Châu Âu thuộc đảng Xanh đã đưa ra những phát biểu “kinh tởm” trong một bài viết với tiêu đề “Lạnh xương sống với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam”. Theo đó, vị “nghị sĩ” này tung ra hàng loạt những thông tin tiêu cực, không phản ánh đúng thực tế tình hình nhân quyền tại Việt Nam như: “tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tồi tệ hơn” hay “tôi đã tập hợp khoảng hơn 60 nghị sĩ châu Âu để gióng lên hồi chuông cảnh báo và kêu gọi các cơ quan cao nhất của EU phải có hành động dứt khoát để bảo vệ người dân Việt Nam, đặc biệt những người có chính kiến độc lập, họ bày tỏ công khai những điều mà nhiều người khác không dám nói, và họ thể hiện sự phản kháng đối với chế độ độc tài”. Trong bài viết được đưa ra, người này cũng không đả kích việc ký kết Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với Châu Âu. Thực tế, vấn đề nhân quyền chỉ là vỏ bọc để các đối tượng cơ hội tìm cách tấn công, cả kích, quy chụp, chống phá chế độ tại Việt Nam.

Trước hết, cần nhấn mạnh nhân quyền là những giá trị cao quý và không một ai, không một thế lực nào, không một chế độ nào, không một quốc giá nào có thể tước đoạt. Nghiên cứu về nhân quyền, có thể thấy nó phát triển qua 3 thế hệ. Trong đó, thế hệ nhân quyền thứ nhất hướng vào hai vấn đề chính, đó là tự do và sự tham gia vào đời sống chính trị của các cá nhân. Nó bao gồm các quyền và tự do cá nhân về phương diện dân sự và chính trị mà tiêu biểu như quyền sống, quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo tín ngưỡng, tự do biểu đạt, quyền được bầu cử, ứng cử, quyền được xét xử công bằng… Thế hệ nhân quyền thứ hai là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, hướng vào việc tạo lập những điều kiện và sự đối xử bình đẳng, công bằng cho mọi công dân trong xã hội. Và thế hệ nhân quyền thứ ba là các quyền tập thể, gồm quyền tự quyết dân tộc (right to self-determination); quyền phát triển (right to development); quyền với các nguồn tài nguyên thiên nhiên (right to natural resources); quyền được sống trong hoà bình (right to peace); quyền được sống trong môi trường trong lành (right to a healthy environment)…

Về vấn đề nhân quyền, trong khi một số quốc gia tư bản phương Tây luôn cổ suy, tuyệt đối hoá tính toàn cầu, phổ cập của nhân quyền vượt lên trên thẩm quyền quốc gia, chủ trương can thiệp quốc tế đối với tình hình vi phạm nhân quyền ở các nước thì nhiều quốc gia khác lại nhấn mạnh  việc hiểu và thực hiện nhân quyền ở các nước không thể không dựa trên đặc thù lịch sử, văn hoá, kinh tế-xã hội của từng khu vực và từng nước; họ chống lại sự áp đặt mô hình và tiêu chuẩn về giá trị của bên ngoài, chống việc nhân danh bảo vệ nhân quyền để can thiệp nội bộ vi phạm chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết dân tộc.

Với Việt Nam, chúng ta tôn trong nhân quyền của tất cả mọi người nhưng chúng ta không thừa nhận, không chấp nhận thứ nhân quyền cao hơn chủ quyền. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; an ninh, an toàn, ổn định của xã hội là những giá trị cốt lõi nhất mà Việt Nam đang hướng đến.

Thực tế, hiện nay một số quốc gia đang tiến hành “xâm lăng”, thực hiện “chủ nghĩa thực dân” theo kiểu mới. Nếu như trước đây, để đưa một quốc gia khác vào vòng lệ thuộc, các nước thực dân tiến hành xâm lăng, chiếm đóng lãnh thổ, vơ vét tài nguyên thì hiện nay, hình thức “xâm lăng” đã thay đổi. Không nhất thiết phải chiếm đóng lãnh thổ, dưới những chiêu bài diễn biến hào bình, các thế lực tiến hành nuôi dưỡng, ủng hộ các thế lực chống đối; cổ súy tư tưởng nhân quyền cao hơn chủ quyền, hình thành những nhận thức mơ hồ về cái gọi là “nhân quyền không biên giới” và kích động bạo loạn, lật đổ hệ thống chính quyền tại nước khác và đưa các phe phái thân cận lên nắm quyền. Từ đây, các nước tư bản đưa quốc gia khác đi vào quỹ đạo lệ thuộc, trở thành một “thuộc địa” kiểu mới.

Sẽ chẳng có một thứ nhân quyền nào tồn tại nếu chủ quyền quốc gia không còn, nếu ổn định xã hội bị phá vỡ. Ở bất kỳ một quốc gia nào, một chế độ nào cũng tồn tại những “góc khuất”, những mảng tối. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ nhìn vào những hào quang được các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối, cũng như những kẻ núp bóng chính trị gia nước ngoài tô vẽ thì sẽ rất dễ bị đánh lừa, làm gục ngã trong những ảo vọng. Cách tốt nhất để bảo vệ nhân quyền đó là bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập mà cha ông ta đã phải đánh đổi máu xương để có được.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều