Ly rượu mừng xuân, thay bằng nước lọc?
Thói quen của người Việt là đến nhà nhau chúc tết, làm vài ba ly rượu gọi là mừng xuân. Trong bối cảnh Nghị định 100 tăng cường xử phạt vi phạm nồng độ cồn, thói quen này thay đổi ra sao?
Nghị định 100 ra đời đã tác động trực tiếp đến những người trước đây có thói quen uống bia rượu vẫn điều khiển phương tiện giao thông.
Thay đổi văn hóa uống rượu bia
Theo thói quen của người Việt, mỗi dịp tết đến, xuân về, khi đến nhà nhau chúc tết, thường mời nhau ly rượu, gọi là “ly rượu đầu xuân”. “Liệu có dám chúc nhau ly rượu đầu xuân như thói quen những năm trước không?”, chia sẻ với PV Thanh Niên, anh Nguyễn Văn An (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khẳng định: “Năm nay thì không” và cho biết thêm, thay vì chúc nhau ly rượu như mọi năm, có thể sẽ chỉ nhâm nhi ly trà đậm. Tại khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), các tiểu thương cho biết, bánh kẹo, đặc biệt là những đặc sản nhập từ Hàn Quốc, Nhật được khách hàng lựa chọn để làm quà tết thay vì rượu, bia như những năm trước. Nhiều khách hàng mua quà tết với số lượng lớn cũng không đặt rượu (thậm chí là rượu vang) để làm quà như những năm trước.
Theo ghi nhận của nhóm PV, thống kê của nhiều bệnh viện (BV) trên cả nước cho thấy, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông do bệnh nhân sử dụng bia rượu đã giảm đáng kể so với trước khi Nghị định 100 ra đời. Bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhân dân 115, cho biết trước đây mỗi ngày BV tiếp nhận cấp cứu khoảng 30 ca tai nạn giao thông, hiện nay là dưới 25 ca. Thống kê của BV cho thấy, 2 tuần đầu tháng 12.2019 BV tiếp nhận 301 ca tai nạn giao thông, 2 tuần cuối tháng 12.2019 tiếp nhận 236 ca tai nạn giao thông. Nhưng đến 2 tuần đầu tháng 1.2020 chỉ còn tiếp nhận 212 ca. “Lượng bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông ban đầu thấy giảm và nhìn vào số liệu thống kê thì thấy mừng; giảm tải cấp cứu được cho BV. Cần phải thay đổi văn hóa uống bia rượu và chuyển sang uống nước lọc, trà đá trong tiệc tùng”, bác sĩ Sóng nói.
Nâng chén là nghĩ đến Nghị định 100
Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội, cho biết đơn vị đã tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Số người vi phạm bị CSGT Hà Nội xử lý chiếm 21% tổng số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt trên toàn quốc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường làm xử lý người tham gia giao thông vi phạm ở bất kỳ cơ quan, đơn vị, chức vụ nào, để hướng đến năm 2020 đã uống rượu bia là không lái xe”, đại tá Hải thông tin.
Đại diện Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cũng cho hay, đa số các trường hợp kiểm tra đều chấp hành, tuy nhiên, cũng có một số trường hợp cá biệt còn quanh co, kháng cự. Đơn cử như trường hợp ông Lê Hoàng H. (67 tuổi) ở Q.Cầu Giấy điều khiển xe máy được Tổ công tác đội CSGT số 6 yêu cầu đo nồng độ cồn tại ngã tư Xuân Thủy – Cầu Giấy. Ông H. tự nhận uống 2 cốc bia nhưng không chịu thổi vào thiết bị đo chuyên dụng, đe dọa sẽ đốt xe; đồng thời mạo nhận mình công tác tại Bộ GD-ĐT.
Hay trường hợp tài xế xe ô tô SantaFe BS 30A-677… khai tên là N.C.D (37 tuổi, ở D17, Khu đấu giá Ngô Thì Nhậm, P.Hà Cầu, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) bị Tổ công tác đặc biệt Y9/141 Công an TP.Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn. Khi Lực lượng CSGT của tổ Y9/141 ra hiệu lệnh dừng xe nhưng D. không chấp hành, tăng ga chạy thẳng, suýt đâm vào một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã dừng được xe, yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn nhưng phải mất 2 giờ mới thuyết phục được tài xế thổi đo nồng độ cồn theo quy định. Kết quả, tài xế này có mức nồng độ cồn lên tới 1.191 miligam/1 lít khí thở – gấp 3 lần mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất theo quy định. Dù vậy, sau gần 3 giờ, tổ công tác mới thực hiện lập biên bản, niêm phong phương tiện của tài xế vi phạm nồng độ cồn do người này liên tục gọi điện tìm “phao cứu trợ”. Với mức vi phạm nêu trên, tài xế này sẽ bị phạt tiền khoảng 40 triệu đồng và tước giấy giấy phép lái xe 23 tháng; đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Khảo sát tại nhiều quán nhậu trên các phố ở Hà Nội dịp cuối năm khi mà tiệc tất niên, liên hoan liên miên, cho thấy ý thức chấp hành Nghị định 100 của người dân đã khá tốt. Không ít người thừa nhận cứ nâng chén lên là nghĩ đến Nghị định 100, đặc biệt là điều khoản phạt khá nặng liên quan đến nồng độ cồn. “Làm công việc đối ngoại nên thường xuyên phải nhậu, uống bia rượu tiếp khách, nhất là dịp cuối năm càng khó tránh. Từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, cứ uống xong là tôi không lái xe nữa, đi taxi hoặc xe ôm. Ban đầu có khó chịu chút nhưng ngẫm ra, như vậy là văn minh, an toàn cho bản thân và người cùng tham gia giao thông”, anh Cấn Văn Luật (37 tuổi, nhà ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Lê Quân/TN